Tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội của tổ chức công đoàn

Thứ tư - 23/12/2020 19:31 1.098 0
Trong những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Trị đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức nhiều hoạt động giám sát, phản biện xã hội về thực hiện pháp luật lao động nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ), góp phần phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong hoạt động tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
td 1
Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động tại Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh
Năm 2020, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh thành lập đoàn giám sát đối với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Nội dung giám sát chủ yếu là tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT); việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ trên địa bàn tỉnh.
 
Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh cho thấy, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, tạo được nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho NLĐ, góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh. Đồng thời đơn vị cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đến các doanh nghiệp; phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về lao động, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người sử dụng lao động và NLĐ; tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để trao đổi thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, việc làm và chính sách lao động.
 
Nhờ vậy, tình hình chấp hành pháp luật lao động ở các doanh nghiệp trong các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Việc chi trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng (bình quân từ 3,5 - 5,5 triệu đồng); số lao động được tham gia BHXH, BHYT, BHTN đạt trên 90%; số doanh nghiệp đã thực hiện ký kết hợp đồng lao động, nội quy lao động đạt 95%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến quyền lợi của NLĐ như hành vi trốn đóng BHXH chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm; sự phối hợp giữa các ngành liên quan trong thực hiện quản lý nhà nước về lao động tại các KCN, KKT thiếu thường xuyên; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người sử dụng lao động, NLĐ hiệu quả chưa cao.
 
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, năm nay, do ảnh hưởng của COVID-19 nên số lượng lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng. Từ tháng 1 đến tháng 10/2020, trung tâm đã tiếp nhận 6.672 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mặc dù khối lượng công việc lớn nhưng trung tâm đã kịp thời tiếp nhận, tham mưu giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 6.578 người với số tiền trên 84,7 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 225 người với số tiền 603 triệu đồng; 20.611 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Số lượng NLĐ đến giao dịch tại trung tâm đông, trong khi phải thực hiện đầy đủ công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng công tác tiếp nhận, tham mưu giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng như hỗ trợ NLĐ về học nghề, giới thiệu việc làm được thực hiện đúng quy trình, thời gian quy định...
 
Tuy vậy, công tác phối hợp tuyên truyền các chế độ chính sách về BHTN và giới thiệu việc làm cho NLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp, cũng như đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng thất nghiệp của NLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
 
Thông qua hoạt động giám sát, tổ chức công đoàn nắm bắt được tình hình quan hệ lao động, các chế độ, chính sách pháp luật được thực hiện đối với NLĐ để phản biện những nội dung còn thiếu, chưa đúng, chưa phù hợp với pháp luật và đời sống xã hội. Kịp thời có những đề xuất, hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động có biện pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động. Kiến nghị với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lao động, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
 
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, các cấp công đoàn cần thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao năng lực đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, NLĐ. Tích cực phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội, lấy nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của NLĐ làm cơ sở hoạt động. Giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, NLĐ. Kiên quyết đề nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lao động. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức; đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng về giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ công đoàn.
 
Đặc biệt cần có quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích, ưu tiên, biểu dương, khen thưởng đối với các doanh nghiệp đảm bảo tốt chế độ, chính sách cho NLĐ và quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Tác giả bài viết: Trần Diễm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây