Trường hợp doanh nghiệp không nộp kinh phí công đoàn và không tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động

Chủ nhật - 09/12/2018 21:56 10.540 0
Câu hỏi:
Em mới bước đầu làm Chủ tịch Công đoàn doanh nghiệp, hiện em đang gặp một số vấn đề rất khó khăn.
Câu hỏi:
Em mới bước đầu làm Chủ tịch Công đoàn doanh nghiệp, hiện em đang gặp một số vấn đề rất khó khăn.

1. Hiện tại ban giám đốc cty không chịu trích kinh phí công đoàn 2%.
2. Công ty không giải quyết cho thời gian để Chủ tịch đi làm thủ tục mở tài khoản ngân hàng
3. Vấn đề thứ 3 là rất phức tạp là, em thì làm ở xưởng sản xuất, mà toàn thể công nhân lại tín nhiệm em làm Chủ tịch Công đoàn. Nhưng Ban giám đốc Công ty cùng với phòng nhân sự lại không muốn người ở xưởng sản xuất nắm chức Chủ tịch, cho nên hiện tại mọi vấn đề liên quan giữa Công đoàn và Công ty, thì phòng nhân sự không chịu hỗ trợ cùng như giúp đỡ tạo điều kiện cho Công đoàn làm việc với Ban giám đốc Công ty về vấn đề phiên dịch... cho nên hiện tại em muốn nhận được sự giúp đỡ của ban quản lý trang, và có thể cho em xin cái mẫu văn bản hay là mẫu công văn gửi ban giám đốc công ty trích kinh phí công đoàn 2% và tạo điều kiện, thời gian cho Chủ tịch CĐCS làm việc được không ạ?
Em xin chân thành cảm ơn
Trả lời:
1. Nội dung về trích nộp kinh phí công đoàn.
Căn cứ Nghị định 191/2013/NĐ-CP tại Điều 4 quy định đối tượng đóng kinh phí kinh đoàn như sau:
Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:
          -Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
         -Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
         -Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
          -Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.
          -Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.
          -Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.
Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Như vậy doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, tất cả các ngành nghề, các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam dù đã thành lập tổ chức công đoàn hoặc chưa thành lập tổ chức công đoàn thì đều phải đóng phí công đoàn cho người lao động.
*) Riêng quy định về mức đóng phí công đoàn tại Điều 5 Nghị định này:
Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và được thực hiện từ ngày Luật công đoàn có hiệu lực thi hành.
Theo Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 tại Điều 32 quy định về hiệu lực thi hành như sau:“Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013”; do đó doanh nghiệp phải bắt buộc nộp kinh phí công đoàn kể từ ngày 01/01/2013.
Nếu doanh nghiệp không nộp kinh phí công đoàn thì theo quy định tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP tại Điều 1, Khoản 24c quy định về xử lý vi phạm về đóng phí công đoàn như sau:
2. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
2. Nội dung về tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động.
 Theo Bộ Luật Lao động 2012
Điều 190. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn
1. Cản trở, gây khó khăn cho việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.
2. Ép buộc người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
3. Yêu cầu người lao động không tham gia hoặc rời khỏi tổ chức công đoàn.
4. Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.
Điều 192. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tổ chức công đoàn
1. Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
2. Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn cấp trên cơ sở tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
3. Bảo đảm các điều kiện để công đoàn cơ sở hoạt động theo quy định tại Điều 193 của Bộ luật này.
4. Phối hợp với công đoàn cơ sở xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, quy chế phối hợp hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên.
5. Tham khảo ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở trước khi ban hành các quy định có liên quan đến quyền, nghĩa vụ, chế độ chính sách đối với người lao động.
6. Khi người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ.
7. Khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách thì phải thỏa thuận bằng văn bản với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành cấp trên trực tiếp cơ sở.
Trong trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động, Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo thủ tục, trình tự do pháp luật quy định.
Điều 193. Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức
1. Công đoàn cơ sở được người sử dụng lao động bố trí nơi làm việc và được cung cấp thông tin, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động công đoàn.
2. Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng thời gian trong giờ làm việc để hoạt động công đoàn theo quy định của Luật công đoàn và được người sử dụng lao động trả lương.
3. Cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức do công đoàn trả lương, được người sử dụng lao động bảo đảm phúc lợi tập thể như người lao động làm việc trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức theo thoả ước lao động tập thể hoặc quy chế của người sử dụng lao động.
Điều 24 Nghị định 88 quy định xử phạt về vi phạm quy định về công đoàn.
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không bố trí nơi làm việc, không bảo đảm các phương tiện làm việc cần thiết cho cán bộ công đoàn.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không bố trí thời gian trong giờ làm việc cho cán bộ công đoàn không chuyên trách hoạt động công tác công đoàn;
b) Không cho người làm công tác công đoàn chuyên trách được hưởng các quyền lợi và phúc lợi tập thể như người lao động khác trong cùng tổ chức;
c) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động;
d) Không trả lương cho người làm công tác công đoàn không chuyên trách trong thời gian hoạt động công đoàn;
đ) Không cho cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở vào tổ chức để hoạt động công tác công đoàn.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Cản trở, gây khó khăn cho việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động;
b) Ép buộc người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn;
c) Yêu cầu người lao động không tham gia hoặc rời khỏi tổ chức công đoàn;
d) Không gia hạn hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động.
Theo đó vấn đề bạn hỏi thì không có mẫu làm sẵn, tuy nhiên bạn nên làm tờ trình có các căn cứ của pháp luật để gửi cho chủ doanh nghiệp yêu cầu trích nộp kinh phí công đoàn và tạo điều kiện để cán bộ công đoàn hoạt động. 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây