Tư vấn pháp luật lao động

Thứ ba - 02/07/2019 22:11 1.297 0
1. Hỏi: Tôi chấm dứt hợp đồng lao động với công ty đã được 2 tháng nhưng công ty vẫn chưa thanh toán tiền lương tháng trước khi nghỉ và các khoản tiền khác cho tôi. Công ty làm vậy có vi phạm quy định pháp luật?
Trả lời: 

Tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động quy định về thời hạn thanh toán quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trường hợp đặc biệt, thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
2. Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;
3. Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế theo Điều 44 của Bộ luật lao động hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo Điều 45 của Bộ luật lao động.” 
Do đó, việc công ty chưa thanh toán tiền lương tháng trước khi bạn nghỉ và các khoản tiền khác là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật.


2. Hỏi: Do phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, tôi phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong vòng 18 tháng. Hết thời hạn phục vụ tại quân ngũ, công ty không đồng ý nhận tôi vào làm việc. Xin hỏi, việc công ty không nhận tôi vào làm việc như vậy có đúng hay không?
Trả lời: 

Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Lao động 2012 quy định một trong các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau: Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
Điều 33 Bộ luật Lao động quy định về việc nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau:  Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động đối với các trường hợp quy định tại Điều 32 của Bộ luật này, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Điều 10 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động quy định về trường hợp nhận lại người lao động khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau:  
Việc nhận lại người lao động khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động theo Điều 33 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc. Trường hợp người lao động không thể có mặt tại nơi làm việc theo đúng thời hạn quy định thì người lao động phải thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời điểm có mặt.
2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí người lao động làm công việc trong hợp đồng lao động đã giao kết; trường hợp không bố trí được công việc trong hợp đồng lao động đã giao kết thì hai bên thỏa thuận công việc mới và thực hiện sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
Như vậy, khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí cho người lao động làm công việc trong hợp đồng lao động đã giao kết; trường hợp không bố trí được công việc trong hợp đồng lao động đã giao kết thì hai bên thỏa thuận công việc mới và thực hiện sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

 

Tác giả bài viết: Mỹ Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây