Phát huy truyền thống vẻ vang, quyết tâm đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu đoàn viên và người lao động ( Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7/1929 – 28/7/2022)

Thứ tư - 27/07/2022 20:51 494 0
                                                                                                                                                   NGUYỄN THẾ LẬP
                                                                                                                                TỈNH UỶ VIÊN, CHỦ TỊCH LĐLĐ TỈNH

Từ cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá sâu rộng vào Việt Nam, làm cho phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ. Nhờ tiếp thu, vận dụng kinh nghiệm đấu tranh của công nhân thế giới nên giai cấp công nhân Việt Nam đã rút ngắn thời kỳ đấu tranh tự phát để sớm tiến lên trình độ tự giác. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và phong trào yêu nước đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng để đưa phong trào tiếp tục đi lên. Để tập hợp các tổ chức Công hội Đỏ ở cơ sở, Đảng tổ chức ra Tổng công hội Đỏ cấp tỉnh và giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tổ chức Hội nghị đại biểu Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất nhằm thống nhất lập ra Công hội đỏ cho xứ Bắc Kỳ. Ngày 28 tháng 7 năm 1929, hội nghị đại biểu Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất họp số 15 Hàng Nón, Hà Nội. Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ có ý nghĩa lịch sử to lớn trong quá trình phát triển của phong trào công nhân, Công đoàn Việt Nam.

93 năm qua phong trào công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) và hoạt động công đoàn tỉnh Quảng Trị luôn gắn liền với từng giai đoạn lịch sử phát triển của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam và lịch sử Đảng bộ tỉnh. Ra đời từ những năm 20 của thế kỷ XX, xuất thân từ nông dân, với số lượng không đông, nhưng công nhân, lao động Quảng Trị sớm tiếp thu, phát huy truyền thống yêu nước, hoà mình vào phong trào cách mạng quê hương và đã được Đảng giác ngộ, càng hiểu rõ, tin tưởng vào đường lối cách mạng. Giai cấp công nhân Quảng Trị đã kề vai, sát cánh với các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh dấy lên cao trào cách mạng chống thực dân Pháp, kháng phát xít Nhật, cứu nước, góp phần tích cực vào thành công Cách mạng tháng Tám 1945.

Cách mạng tháng Tám thành công đã mang lại cho Nhân dân ta một luồng sinh khí mới. Cùng với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh, giai cấp công nhân Quảng Trị tưng bừng khí thế nêu cao quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng. Hội Công nhân cứu quốc được thành lập nhiều nơi trong tỉnh, tập hợp giáo dục, động viên công nhân lao động hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, cùng với cả nước anh dũng bền gan chiến đấu, lập nên những chiến công hiển hách.

Sau Hiệp định Geneva, tỉnh Quảng Trị mang trên mình nỗi đau chia cắt. Công đoàn Quảng Trị tạm thời hoạt động ở hai khu vực: Phía Nam, hoạt động hoà nhập vào các ban binh vận, địch vận, tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng trong các cơ sở thuyền, vạn đò, vùng thị xã Đông Hà; Ở phía Bắc, Công đoàn khu vực Vĩnh Linh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Với các phong trào “Vì miền Nam ruột thịt” “Mỗi ngày làm việc bằng hai” “Tay búa, tay súng”… công nhân lao động Vĩnh Linh đã cùng miền Bắc trở thành hậu phương lớn trực tiếp chi viện cho miền Nam, viết tiếp trang sử vô cùng oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với nhân dân cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân 1975. Gần 50 năm sau ngày nước nhà được độc lập và bước vào thời kỳ đổi mới, CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn cùng với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh nhà tiếp tục cuộc chiến đấu chống đói nghèo, lạc hậu, xây dựng kiến thiết quê hương. 

Trải qua 12 kỳ Đại hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, trong từng thời kỳ lịch sử, tổ chức Công đoàn Quảng Trị đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình. Đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trình độ học vấn, tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ được nâng lên; bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật cao. Hệ thống tổ chức công đoàn Quảng Trị từng bước được kiện toàn và đổi mới. Tổ chức công đoàn được củng cố, phát triển, số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở tăng nhanh. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.100 công đoàn cơ sở với 9 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, 5 công đoàn ngành địa phương và Công đoàn viên chức tỉnh, tập hợp trên 4,3 vạn đoàn viên trong tổng số gần 6 vạn lao động trong các thành phần kinh tế. Công đoàn mở rộng hoạt động sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ. Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động được đổi mới, đa dạng hoá, hướng về cơ sở. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, thu hút, khơi dậy động lực của đoàn viên, người lao động, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội. Công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân.

Với những thành tích đóng góp quan trọng, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn tỉnh nhà vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác. 

Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Quảng Trị có quyền tự hào về truyền thống và những thành tựu đạt được qua 93 năm. Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hoạt động công đoàn thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, đó là: Sự phát triển của lực lượng CNVCLĐ chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trình độ học vấn, tay nghề của một bộ phận công nhân còn thấp, mất cân đối trong cơ cấu lao động, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân có trình độ tay nghề cao còn thiếu; nhận thức chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp và hiểu biết về pháp luật còn hạn chế; việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên ở khu vực doanh nghiệp đang còn nhiều khó khăn. Hoạt động công đoàn cơ sở một số nơi chưa gắn với đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động và tình hình quan hệ lao động; vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của công nhân, người lao động có mặt còn hạn chế… 

Thời gian tới, số lượng công nhân, lao động tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước. Quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động… Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của công đoàn. 

Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” tiếp tục khẳng định xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh. Phát huy truyền thống 93 năm qua, nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới, đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn chủ động, sáng tạo, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hơn nữa để vượt qua. 

Các cấp công đoàn tập trung đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, để Công đoàn thực sự là tổ chức của người lao động. Triển khai toàn diện các mặt công tác trên tinh thần sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động, trong đó tập trung thực hiện nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi là đại diện cho người lao động, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn theo hướng khoa học, kịp thời, thiết thực, cấp trên phục vụ cấp dưới, phục vụ đoàn viên.

Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, luôn trung thành với Đảng, với Nhà nước XHCN; nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật và rèn luyện tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật lao động cho công nhân lao động. Kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, lao động; chủ động đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước có những chủ trương, chính sách nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động. Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Tăng cường công tác vận động phát triển đoàn viên, đổi mới cách thức tiếp cận, tuyên truyền, phối hợp hiệu quả các giải pháp trong thành lập CĐCS ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW của BCH Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước”, N
ghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh. Chủ động thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.

Tiếp tục sắp xếp lại hệ thống tổ chức công đoàn cho phù hợp, bảo đảm tinh gọn, phát huy hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực, trình độ, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc.
Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua cải cách cải cách hành chính gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Khuyến khích khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ để đón đầu cuộc cách mạng 4.0. Phát huy vai trò tiền phong của giai cấp công nhân, đội ngũ cán bộ công chức viên chức trong phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá, tổng kết phong trào thi đua; tiến hành biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, quan tâm khen thưởng người lao động trực tiếp và các tập thể nhỏ. Chú trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động hiệu quả trong các cấp công đoàn.

Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam năm nay càng ý nghĩa hơn khi các cấp công đoàn trong tỉnh cùng với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân đang có nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022). Với sự quan tâm lãnh đạo của đảng, tạo điều kiện phối hợp của các cấp chính quyền, tổ chức Công đoàn Quảng Trị sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng của mình, xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ công chức, viên chức tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây