Phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước

Thứ ba - 30/05/2017 22:14 3.046 0
Thời gian qua, cùng với sự phát triển về số lượng của các doanh nghiệp ngoài nhà nước, số lượng công nhân lao động (CNLĐ) cũng từ đó mà tăng lên. Vì thế, việc thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động (NLĐ).
Đồng chí Nguyễn Đăng Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh tặng hoa chúc mừng BCH CĐCS Công ty Cổ phần chế biến tinh bột sắn An Thái
Đồng chí Nguyễn Đăng Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh tặng hoa chúc mừng BCH CĐCS Công ty Cổ phần chế biến tinh bột sắn An Thái
Ở Quảng Trị, cùng với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đang có nhiều dự án triển khai, tạo việc làm, thu nhập cho CNLĐ; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng nhanh, theo đó số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng lên đáng kể. Việc phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp hết sức quan trọng, mang tính cấp thiết.
Thông qua vai trò của mình, Công đoàn cơ sở (CĐCS) trong các doanh nghiệp tham gia giám sát việc ký kết hợp đồng lao động cho NLĐ; phối hợp cùng doanh nghiệp xây dựng thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), nội quy lao động; tham gia với doanh nghiệp trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐ theo quy định của pháp luật.
Công đoàn tham gia hỗ trợ người sử dụng lao động (NSDLĐ) xây dựng nội quy lao động, bảng lương, TƯLĐTT; giúp doanh nghiệp sắp xếp lao động một cách hợp lý để phát huy tối đa hiệu quả của nguồn lực lao động; tổ chức đối thoại nhằm dung hòa lợi ích của NLĐ với NSDLĐ khi có tranh chấp xảy ra.
Khi vai trò của CĐCS trong doanh nghiệp được phát huy hiệu quả thì phong trào sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp được đẩy mạnh, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp cũng như NLĐ trong doanh nghiệp. Đồng thời tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững và xây dựng đội ngũ lao động vững mạnh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, uy tín, hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. Như vậy, có thể thấy rằng CĐCS là một tổ chức có thể cân bằng lợi ích doanh nghiệp và NLĐ, có ý nghĩa đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
Thành lập Công đoàn trong các doanh nghiệp nhằm bảo đảm mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa phát triển sản xuất và bảo đảm cuộc sống, giữa quyền lợi của NLĐ và chủ doanh nghiệp. Đây cũng chính là sự bảo đảm công bằng xã hội và thể hiện tính dân chủ của Nhà nước ta. Việc thành lập tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước là hết sức cần thiết.
Xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có tính chiến lược của tổ chức, trong thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đổi mới, đa dạng hóa phương thức phát triển đoàn viên theo hướng có sự tham gia tích cực của NLĐ vào quá trình vận động thành lập CĐCS.
Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này của tổ chức Công đoàn đang gặp không ít khó khăn; số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh có tổ chức Công đoàn đạt tỷ lệ còn thấp. Tính đến tháng 4/2017, trong tổng số 2.033 DN ngoài nhà nước ở Quảng Trị chỉ có 207 DN có tổ chức Công đoàn.
Mặc dù có 2.033 DN ngoài nhà nước đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 33 nghìn lao động nhưng đa số DN hoạt động với quy mô vừa và nhỏ, mang tính chất gia đình, sử dụng ít lao động; nhiều doanh nghiệp hoạt động không ổn định dẫn đến công tác vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các DN ngoài nhà nước hết sức khó khăn.
Bên cạnh đó, một số DN ngoài nhà nước sử dụng số lượng lao động đông, có đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn nhưng NSDLĐ chưa quan tâm việc thành lập CĐCS. Việc thành lập tổ chức Công đoàn ở các DN đang hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng nằm trong tình trạng khó khăn chung đó.
Thực tế cho thấy hoạt động của một số CĐCS trong DN ngoài nhà nước đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phát huy đầy đủ vai trò, chức năng, nhiệm vụ; việc phối hợp triển khai thực hiện quy chế dân chủ, tham gia kiểm tra, giám sát chế độ, chính sách có liên quan đối với CNLĐ ở một số CĐCS thiếu thường xuyên; chưa mạnh dạn đề xuất, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng liên quan đến NLĐ và hoạt động Công đoàn; chưa đề xuất được nhiều giải pháp tham gia với Nhà nước giải quyết những vấn đề bức xúc của NLĐ như việc làm, thu nhập, những vướng mắc trong thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2013-2018, trong đó có các chỉ tiêu: Phấn đấu phát triển mới 7.000 đoàn viên; phấn đấu 70% doanh nghiệp, đơn vị có đủ điều kiện theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam thành lập được CĐCS và có trên 50% CNLĐ ở các doanh nghiệp, đơn vị đó gia nhập Công đoàn. Và mục tiêu của Đề án “Phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị-xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước” của BTV Tỉnh ủy Quảng Trị: “Từ năm 2018 trở đi, hàng năm phấn đấu thành lập 8-10 tổ chức đảng, mỗi năm phát triển 1.500 đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp ngoài nhà nước; phấn đấu đến 2020 có 80% doanh nghiệp ngoài nhà nước có từ 10 lao động ổn định trở lên thành lập tổ chức Công đoàn”.
Trong thời gian tới các tổ chức Công đoàn cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Tập trung đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở khu vực doanh nghiệp; lấy địa bàn thành phố Đông Hà, các khu kinh tế, khu công nghiệp làm trọng điểm để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Đa dạng hóa phương thức vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS gắn với chỉ đạo, nâng cao hiệu quả hoạt động CĐCS, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ CĐCS, chú trọng thực hiện tốt việc thương lượng, đối thoại, nâng cao chất lượng TƯLĐTT.
Có giải pháp cụ thể về tài chính, thực hiện tốt quy định của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh về hỗ trợ tài chính cho công tác vận động, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Phân công cán bộ công đoàn chuyên trách ở LĐLĐ tỉnh, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chuyên làm công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; tập trung bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, sự hỗ trợ của chính quyền và chuyên môn; thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa tổ chức Công đoàn với cơ quan Bảo hiểm xã hội, LĐ, TB & XH; tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng những điển hình tiên tiến.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây