Tầm quan trọng của vấn đề thực hiện quy chế dân chủ trong quan hệ lao động thể hiện rõ ở Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Trong đó, quy chế dân chủ được hướng dẫn chi tiết ở Mục 2, Chương 5. Đặt quy chế dân chủ trong nội dung “Đối thoại tại nơi làm việc” thực chất là khẳng định tính chất tiền đề của việc thực hiện quy chế dân chủ trước hết là đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động (đối thoại định kỳ, đối thoại khi có yêu cầu, đối thoại khi có vụ việc).
Đối thoại là cơ hội để các bên trình bày nguyện vọng, đề xuất các ý tưởng, giải pháp liên quan hướng đến một quan hệ lao động hài hòa. Trong quá trình áp dụng quy chế dân chủ vào thực tế ở cơ sở, chúng ta thấy luôn có những vấn đề mới phát sinh. Chính vì thế, việc tổ chức các hình thức đối thoại là cách thức để hoàn thiện tinh thần dân chủ ở cơ sở, rút ra các bài học kinh nghiệm từ các vấn đề đã xảy ra trước đó. Thực tế cho thấy, đơn vị nào thực hiện tốt quy chế dân chủ thì đơn vị đó giảm được số vụ tranh chấp lao động tập thể.
Để có những cuộc đối thoại có ý nghĩa thiết thực, không mang tính hình thức, Công đoàn các cấp đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, dự kiến các nội dung gắn liền với thực tế của từng đơn vị.
Khi Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành, cán bộ công đoàn phải là người được tiếp cận sớm và nắm rõ các điều khoản trong đó. Những đợt tập huấn để chi tiết hóa hoặc thảo luận về tình huống bằng cách đặt vấn đề trong thực tế trở nên rất cần thiết.
Từ đó, khả năng tư vấn pháp luật, đàm phán, thương lượng của cán bộ công đoàn được nâng cao. Vai trò của cán bộ công đoàn còn được thể hiện ở khía cạnh khác: hơn ai hết, cán bộ công đoàn là người thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động, gắn bó mật thiết với người lao động. Khía cạnh này có tầm quan trọng trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở chỗ: yếu tố pháp lý luôn được đặt cạnh với tinh thần nhân văn, kể cả khi quy chế dân chủ đã được “luật hóa”.
Hiện nay, chúng ta đang xây dựng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với các đơn vị Nhà nước - là nơi trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước. Luật sẽ có tác dụng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở các đơn vị này.
Có ý kiến cho rằng, chúng ta cần áp dụng Luật này cho cả các đơn vị doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, việc áp dụng này phải phù hợp với tính chất của từng loại hình doanh nghiệp.
Mặt khác, khi xây dựng các điều khoản, cần đảm bảo thống nhất để không bị chồng chéo với các quy định về dân chủ ở cơ sở trong Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn. Mặt khác, phải lưu ý đến vấn đề chế tài xử phạt và đề phòng tình trạng lợi dụng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, chống đối, gây mất an ninh trật tự và đoàn kết trong các tổ chức.
Kể từ Chỉ thị số 30-CT/TW (năm 1998), việc triển khai, áp dụng quy chế dân chủ ở cơ sở đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - xã hội của nước ta, đặc biệt là vị thế của người lao động ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, để dân chủ hóa xã hội ngày càng sâu rộng hơn, chúng ta cần hệ thống hóa các quy chế một cách chặt chẽ và khoa học. Việc ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ có nhiều ảnh hưởng tích cực đối với mọi tổ chức có quan hệ lao động.
Tác giả bài viết: Nguồn: Tạp chí Lao động và Công đoàn
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Ý kiến bạn đọc