Trình tự thành lập công đoàn cơ sở theo Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XI):

Thứ sáu - 06/03/2015 00:13 8.094 0

1. Tổ chức ban vận động thành lập công đoàn cơ sở:

a. Người lao động có quyền yêu cầu công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi gần nhất hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ việc thành lập công đoàn cơ sở tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Khi có từ ba người lao động trở lên đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam thì người lao động tự tập hợp, bầu trưởng ban vận động để tổ chức vận động thành lập công đoàn cơ sở. Trường hợp có một người lao động là đoàn viên công đoàn thì đoàn viên công đoàn có quyền tập hợp người lao động và làm trưởng ban vận động, nếu số đoàn viên công đoàn nhiều hơn (dưới 5 đoàn viên) thì bầu trưởng ban vận động trong số đoàn viên công đoàn.

Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở chấm dứt nhiệm vụ sau khi bầu được ban chấp hành công đoàn cơ sở.

b. Trường hợp thành lập công đoàn cơ sở ghép nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì mỗi đơn vị phải có ít nhất ba người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam và có ít nhất một đại diện trong ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.

2. Hội nghị thành lập công đoàn cơ sở:

a. Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở đề nghị công đoàn cấp trên hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở.

b. Nội dung hội nghị thành lập công đoàn cơ sở gồm:

- Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và tổ chức thành lập công đoàn cơ sở.

- Báo cáo danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn.

- Tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở.

- Bầu ban chấp hành công đoàn cơ sở.

- Thông qua chương trình hoạt động của công đoàn cơ sở.

c. Việc bầu cử ban chấp hành công đoàn tại hội nghị thành lập công đoàn cơ sở thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu tán thành quá một phần hai (1/2) so với số phiếu thu về. Phiếu bầu cử tại hội nghị thành lập công đoàn cơ sở phải có chữ ký của trưởng ban vận động thành lập công đoàn cơ sở ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

3. Hồ sơ đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở gồm có:

a. Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở.

b. Danh sách đoàn viên, kèm theo đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động.

c. Biên bản hội nghị thành lập công đoàn cơ sở.

d. Biên bản kiểm phiếu bầu cử ban chấp hành công đoàn cơ sở (có trích ngang lý lịch kèm theo).

4. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi có quyết định công nhận của công đoàn cấp trên, ban chấp hành công đoàn cơ sở do hội nghị thành lập công đoàn cơ sở bầu ra có trách nhiệm tổ chức đại hội lần thứ nhất.

Trường hợp quá 12 tháng chưa tổ chức được đại hội thì thực hiện theo điểm b, mục 9.3, Chương II Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ ngày 04/3/2014 của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

5. Trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở:

a. Cán bộ công đoàn cấp trên có quyền và trách nhiệm tiếp cận người lao động tại nơi làm việc và ngoài nơi làm việc để tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập Công đoàn.

b. Hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ người lao động thành lập công đoàn cơ sở:

Khi người lao động tổ chức ban vận động hoặc khi có đề nghị về việc thành lập công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm cử cán bộ đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nơi chuẩn bị thành lập công đoàn cơ sở để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ việc tổ chức ban vận động thành lập công đoàn cơ sở, tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở. Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ tổ chức một ban vận động thành lập công đoàn cơ sở. Trường hợp người lao động tổ chức nhiều ban vận động trong cùng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ người lao động liên kết thành một ban vận động, hoặc chỉ định thành viên của ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.

c. Thẩm định, quyết định công nhận hoặc không công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm:

- Thẩm định quá trình tổ chức ban vận động, tập hợp người lao động, đảm bảo tính tự nguyện, khách quan; quá trình tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở và bầu ban chấp hành theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, đảm bảo tính đại diện đối với tập thể người lao động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

- Trường hợp đủ điều kiện công nhận thì ra các quyết định công nhận, bao gồm:

+ Quyết định công nhận đoàn viên, theo danh sách đoàn viên.

+ Quyết định công nhận công đoàn cơ sở.

+ Quyết định công nhận ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành. Thời gian hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở do hội nghị thành lập công đoàn cơ sở bầu ra không quá 12 tháng.

- Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thông báo không công nhận đoàn viên hoặc công đoàn cơ sở, ban chấp hành công đoàn cơ sở. Đồng thời cử cán bộ công đoàn trực tiếp tuyên truyền, vận động người lao động tự nguyện gia nhập công đoàn; quyết định kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chỉ định ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời công đoàn và các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời công đoàn theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Tác giả bài viết: Văn phòng

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây