Kinh nghiệm đẩy mạnh việc phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp ngoài nhà nước

Thứ hai - 24/11/2014 03:22 3.797 0
Với chủ trương của Đảng và Nhà nước là phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều năm qua, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển và mở rộng rất lớn ở cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Cùng với đó số lượng CNLĐ cũng tăng lên không ngừng. Theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn và Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thì sau sáu tháng đi vào hoạt động, doanh nghiệp phải tạo điều kiện để tổ chức Công đoàn được thành lập. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã hoạt động nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm nhưng vẫn né tránh, trì hoãn và không tạo điều kiện cho người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp. Do vậy, việc thành lập tổ chức CĐ và phát triển đoàn viên trong các DN ngoài nhà nước là rất khó khăn, không chỉ riêng ở địa phương nào, mà trên phạm vi toàn quốc.
         Trước thực trạng đó, tổ chức Công đoàn cần có những biện pháp để đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS ở khối các doanh nghiệp này nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Điều này đòi hỏi các cấp công đoàn, đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn phải có giải pháp sáng tạo để chấn chỉnh tình trạng này. Qua tham khảo một số địa phương và thực tế chỉ đạo, các đơn vị cần vận dụng những giải pháp sau đây vào thực tế địa phương mình để triển khai thực hiện sẽ đem lại hiệu quả cao, đó là:
          Thứ nhất, theo dõi việc thành lập doanh nghiệp trên địa bàn. LĐLĐ huyện, thành phố, thị xã, công đoàn ngành (gọi tắt LĐLĐ huyện) phải thường xuyên cập nhật thông tin trong hộp thư điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương để nắm bắt tình hình hoạt động các doanh nghiệp. Những nội dung cần nắm bắt là: Số lượng các doanh nghiệp mới thành lập, quy mô, loại hình sản xuất, vốn pháp định, địa chỉ trụ sở, người đăng ký pháp nhân… nhằm mục đích theo dõi đầy đủ, chính xác các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
          Thứ hai, phân công cán bộ xuống địa bàn, nắm bắt tình hình của doanh nghiệp. Sau khi có thông tin sơ bộ, LĐLĐ huyện cử cán bộ xuống tận nơi nắm bắt, tìm hiểu tình hình thực tế, nhưng chưa vào trong DN làm việc chính thức. Vì đối với DN, các thông tin trong bảng đăng ký thành lập thường khác nhiều so với thực tế triển khai. Bởi vậy, việc nắm bắt thông tin tại DN phải hết sức cụ thể, chi tiết. Mục đích của việc làm này là để khi bàn về vấn đề thành lập CĐCS với chủ DN, LĐLĐ huyện có đầy đủ thông tin về DN, nhằm tạo ấn tượng và tăng cường vai trò ảnh hưởng ngay từ buổi gặp đầu tiên.
          Thứ ba, phân loại doanh nghiệp trên địa bàn. Sau khi có các dữ liệu của từng DN, đối chiếu với tiêu chuẩn thành lập tổ chức CĐ, LĐLĐ huyện phân loại và lập danh sách những đơn vị đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐ. Mục đích là xác định cho được những DN đủ điều kiện thành lập CĐ để các buổi làm việc bàn về việc thành lập tổ chức CĐ không dàn trải, không mất thời gian và đem lại hiệu quả cao.
          Thứ tư, tổ chức đoàn công tác đến doanh nghiệp vận động thành lập tổ chức công đoàn. Thành phần đoàn gồm: mời lãnh đạo UBND huyện (các phòng ban chức năng), Liên đoàn lao động huyện, lãnh đạo UBND xã, thị trấn sở tại có doanh nghiệp đóng trụ sở. Sở dĩ cần đông và đủ các thành phần như trên là vì hầu hết các DN đều cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, và để có thể thành lập và đưa doanh nghiêp vào hoạt động, trước đó DN đã có sự hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách của cấp ủy, chính quyền nên  DN sẽ bố trí thời gian làm việc với Đoàn và hiệu quả buổi làm việc sẽ cao hơn.
         Thứ năm, trường hợp doanh nghiệp không tiếp đoàn đến làm việc bàn về thành lập tổ chức CĐ, với những lý do sau:
          - Chủ DN thường lẩn tránh bằng cách tìm các lý do để khước từ khéo, như bận công việc, không có nhà, công tác xa, đang ký kết hợp đồng với đối tác… Cách xử lý: Để tránh tình huống này có thể xảy ra thì cán bộ công đoàn phải có cách làm việc khoa học. Cụ thể là phải gửi công văn cho DN về buổi làm việc. Nội dung công văn yêu cầu rõ về đối tượng cần làm việc, hợp tác là chủ DN. Nếu chủ DN đi vắng thì cử đại diện thay, nhưng phải có giấy ủy quyền.
         - Chủ doanh nghiệp lấy lý do không nhận được công văn của CĐ về buổi làm việc để khước từ làm việc với CĐ. Cách xử lý:  Liên đoàn lao động huyện gửi công văn làm việc với DN và gửi qua bưu điện bằng thư bảo đảm.
          - Chủ doanh nghiệp viện lý do rất ít thời gian: Để buổi làm việc đạt kết quả cao, để không ảnh hưởng nhiều tới thời giờ của DN, do đặc thù của DN, thì cán bộ công đoàn huyện phải có chương trình làm việc ngắn gọn, khoa học và có sự chuẩn bị kỹ. Cách xử lý: LĐLĐ huyện gửi trước chương trình làm việc, có dự kiến thời gian cụ thể bắt đầu và kết thúc sao cho buổi làm việc có nội dung ngắn gọn nhất, không ảnh hưởng nhiều tới thời giờ của DN. Cán bộ LĐLĐ huyện chuẩn bị kỹ các tài liệu như tờ rơi tuyên truyền về thành lập tổ chức CĐ; Luật Lao động, Luật Công đoàn, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động…Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế,…           
          Thứ sáu, làm việc với phòng nhân sự. Để có thể kết nạp đoàn viên công đoàn đạt tỷ lệ cao trong DN, LĐLĐ huyện cần có sự phối hợp và thống nhất với phòng nhân sự của các DN. Đó là, khi phòng nhân sự nhận hồ sơ và tổ chức xét tuyển công nhân vào làm việc, sẽ phát tờ rơi tuyên truyền về quyền lợi, trách nhiệm của CNLĐ khi gia nhập tổ chức CĐ và đơn xin gia nhập tổ chức CĐ để cho CNLĐ tham khảo, nghiên cứu. Làm như vậy, thời gian tuyên truyền vận động của CĐ sẽ giảm, tỷ lệ CNLĐ gia nhập tổ chức CĐ sẽ cao.
          Cách làm này sẽ đem lại hiệu quả trong công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS trên địa bàn đạt kết quả cao. Mong rằng đây sẽ là một kênh để cán bộ công đoàn các LĐLĐ huyện, thành phố, thị xã, công đoàn ngành có thể tham khảo để vận dụng.  

                                                                              Cáp Xuân Banh- Trưởng ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây