Những trăn trở của lao động xa quê

Chủ nhật - 25/02/2024 22:21 696 0
Từ ngày mồng 4 Tết đến nay, nhiều lao động người Quảng Trị lần lượt trở lại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội... để tiếp tục công việc. Không phải ai trong số họ cũng có công việc ổn định với mức thu nhập cao ở thành phố nhưng vì mưu sinh mà phải rời quê hương, bám trụ thành phố nhiều năm liền. Vì vậy, không ít người sau mỗi chuyến trở về rồi đi đều mang trong lòng nhiều trăn trở.
114d5174020t5492l1 lao ong tro lai mien

Mỗi năm, các lao động xa quê ai cũng háo hức Tết đến để có dịp được trở về quê hương, quây quần bên mâm cơm gia đình, đợi thời khắc cùng đón năm mới bên những người thân yêu. Thế nhưng, có rất nhiều lao động phải chấp nhận ở lại thành phố trong dịp này vì nhiều lý do, nhưng đa phần là do hoàn cảnh khó khăn.

Chị L.T.C. là công nhân của một công ty trong lĩnh vực môi trường ở TP. Long An. Gọi điện về thăm bà con dịp Tết, chị chia sẻ, vợ chồng chị làm việc với mức lương trung bình khoảng 10 triệu đồng/người.

Trừ các chi phí sinh hoạt, tiền nhà trọ, ăn uống, học phí cho 2 con thì chỉ còn lại một khoản nhỏ để dành cho những tình huống rủi ro trong cuộc sống. Những năm trước, vợ chồng chị trông chờ vào tiền thưởng của công ty để sắm sửa cho ngày Tết. Năm nào tích góp được nhiều một chút thì cả gia đình về quê đón Tết với cha mẹ hai bên, cho các cháu thăm ông bà nội ngoại.

Năm nay, do tình hình kinh doanh quá khó khăn, công ty bị thua lỗ nên không có thưởng Tết. Vì thế vợ chồng anh chị đành phải ở lại đón Tết ở thành phố mà lòng thì luôn hướng về quê hương. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nỗi lo cơm áo gạo tiền lại càng trở thành gánh nặng trên đôi vai của chị C. cũng như rất nhiều lao động xa quê khác.

Với anh T.Q.K. - công nhân làm việc tại một khu chế xuất ở TP. Hồ Chí Minh - 15 năm xa nhà, Tết nào gia đình anh cũng sắp xếp về quê đón Tết với ba mẹ và bà con. Để chuẩn bị cho một chuyến về quê, vợ chồng anh phải dành dụm tiền nhiều tháng trước đó vì thu nhập hai vợ chồng không cao, cuộc sống ở thành phố lại có mức chi tiêu đắt đỏ. Trung bình mỗi lần về quê đón Tết, gia đình anh K. tốn khoảng 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, điều khiến gia đình anh gặp khó khăn nhất là chuyện vé máy bay, tàu xe đi về Tết khan hiếm cục bộ do các đại lý “ôm vé” nên để mua vé đi, về đúng thời gian mình sắp xếp rất vất vả.

Chuyến về quê dịp Tết năm nay do máy bay bị trễ nên gia đình anh phải đợi ở sân bay mất hơn một buổi, còn chuyến vào anh phải mua vé bay lúc 12 giờ đêm để kịp lịch làm việc của hai vợ chồng và lịch học của các con. Anh K. nhiều lần tính đến chuyện về quê tìm việc làm nhưng không dễ vì lấn cấn công việc của vợ và chuyện học hành của con cái.

Mới đây, một lao động phổ thông người Quảng Trị làm việc ở Bình Dương đã đăng lên facebook của mình hình ảnh chiếc xe máy chở hành lý vào Nam tại vị trí ranh giới giữa tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên Huế kèm dòng chữ: “Hẹn trở về Quảng Trị thương yêu”.

Hình ảnh này khiến nhiều người chạnh lòng bởi hành trình nhọc nhằn của người lao động. Lao động này chia sẻ không muốn vào miền Nam làm ăn, sinh sống nhưng vì ở lại quê hương thì không tìm được việc. Là lao động phổ thông, thu nhập thấp, số tiền dành dụm được không đủ mua vé xe, tàu để đưa cả nhà về quê nên Tết anh thường về một mình.

Nhiều năm trước, ba mẹ ở quê gửi tiền vào hỗ trợ vợ chồng anh mua vé xe, tàu về quê nhưng về sau vợ anh không đồng ý vì thương ông bà ở quê không mấy khá giả, lại còn hỗ trợ vợ chồng anh nuôi các cháu ăn học. Hai vợ chồng quyết định 3 năm thì cả nhà về quê đầy đủ một lần vào dịp Tết, còn lại hằng năm anh sẽ về một mình để tiết kiệm chi phí tàu, xe.

Rất nhiều lao động có chung tâm trạng như hai trường hợp nói trên. Hiện có hơn 3 vạn lao động người Quảng Trị đang làm ăn, sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác. Họ luôn nỗ lực phấn đấu cho tương lai nên chọn cách rời quê hương, tìm đến nơi “đất lành chim đậu” lập nghiệp để có nhiều cơ hội phát triển bản thân.

Tuy sinh sống, làm việc ở các thành phố lớn không dễ dàng nhưng lao động xa quê luôn nỗ lực, cố gắng làm việc chăm chỉ để có trái ngọt. Theo dự báo, thời gian tới xu hướng những đô thị lớn sẽ chứng kiến việc số lượng lao động phi chính thức gia tăng, lao động phổ thông ngày càng giảm, khó kiếm việc làm.

Lao động trên các nền tảng công nghệ có thể trở nên chính thức. Với xu hướng làm việc từ xa, một số ngành nghề được máy móc thay thế nên cơ hội tìm kiếm việc làm của lao động phổ thông từ các tỉnh, thành khác về đô thị lớn dần bị thu hẹp. Vì thế, nhiều địa phương trong nước luôn cố gắng giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động.

Tại Quảng Trị, hằng năm tỉnh giải quyết việc làm mới trung bình cho khoảng 12 nghìn lao động, con số này sẽ tăng hơn từ năm 2024 trở đi nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu việc làm của lao động địa phương.

Trong lúc đó dư địa để tạo thêm việc làm cho lao động của tỉnh còn rất nhiều khi các khu công nghiệp, nhà máy, sân bay, bến cảng đang dần được đầu tư xây dựng, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Hy vọng trong tương lai không xa, con em Quảng Trị sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học sẽ chọn quê hương để trở về làm việc; người lao động phổ thông cũng có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn trên chính quê hương mình.

Tác giả bài viết: Báo quảng trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây