Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ

Thứ tư - 17/11/2021 23:53 2.491 0
Ngày 27/7/2020, Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Chương trình hành động số 177-CTHĐ/TU để thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị đã quán triệt nội dung chương trình hành động đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc xây dựng quan hệ nói trên gắn với tình hình thực tế của địa phương.
fff
LĐLĐ huyện Vĩnh Linh tổ chức hội nghị nâng cao chất lượng thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể - Ảnh: M.T

Nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, thời gian qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, quan hệ lao động phù hợp với từng giai đoạn; hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, công đoàn cho người lao động và người sử dụng lao động. Các cấp công đoàn ngoài chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền còn trực tiếp gặp gỡ chủ doanh nghiệp, người lao động để vận động, thuyết phục, hướng dẫn quy trình, thủ tục kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
 
Công tác nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động cũng được các địa phương, đơn vị chú trọng. Sở Nội vụ phối hợp với Sở LĐ,TB&XH, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động tham mưu quản lý nhà nước về quan hệ lao động từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Tiến hành bổ nhiệm chánh thanh tra lao động đảm bảo tiêu chuẩn quy định; củng cố, kiện toàn thiết chế hòa giải viên lao động, hội đồng trọng tài lao động. UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch tuyển dụng, bổ nhiệm và quy chế quản lý hòa giải viên lao động.
 
Trong năm 2021 đã tiến hành hòa giải thành công 1 vụ tranh chấp lao động cá nhân. Chính sách hỗ trợ, thu hút, khuyến khích về nhà ở, công trình phúc lợi xã hội, thiết chế công đoàn cũng được quan tâm làm tốt. UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân Khu Công nghiệp Nam Đông Hà, giao cho các sở, ban, ngành liên quan lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà mẫu giáo, nhà văn hóa, công trình dịch vụ, thương mại, y tế…
 
Hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động được nâng cao. Cụ thể, các tổ chức công đoàn đã nâng cao nhận thức và hành động, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; vận động, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn. Bên cạnh đó, tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn thành lập, tổ chức và hoạt động.
 
Nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, Sở LĐ, TB&XH phối hợp với các địa phương, đơn vị phổ biến, hướng dẫn quy trình đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) giữa các chủ thể trong quan hệ lao động về việc làm, tiền lương, điều kiện làm việc và các chế độ phúc lợi. Từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi năm có khoảng 300 cuộc đối thoại trong các loại hình doanh nghiệp, trong đó có khoảng 80 cuộc đối thoại theo vụ việc, tập trung ở các doanh nghiệp nhà nước (70 cuộc), doanh nghiệp có cổ phần chi phối của nhà nước (60 cuộc) và một số doanh nghiệp tư nhân có tổ chức công đoàn (170 cuộc).
 
Hằng năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức ký kết giao ước thi đua với các đơn vị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, trong đó chỉ tiêu về thực hiện nhiệm vụ thương lượng, ký kết TƯLĐTT là chỉ tiêu quan trọng nhất. Cụ thể hóa nội dung về thực hiện chương trình TƯLĐTT vào tiêu chí đánh giá chất lượng, xét thi đua khen thưởng đối với CĐCS hằng năm. 14/14 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn quy trình, nội dung thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho cán bộ CĐCS khu vực doanh nghiệp. Đồng thời, phân công cán bộ bám cơ sở để thường xuyên, trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành với CĐCS trong quá trình tham gia với người sử dụng lao động thương lượng, ký kết TƯLĐTT.
 
Hiện có 139 doanh nghiệp (có tổ chức công đoàn) trên địa bàn tỉnh đã ký kết TƯLĐTT. Qua rà soát, đánh giá, 100% TƯLĐTT đều có ít nhất từ 3 điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật, được thực hiện trên thực tế, nhiều bản thỏa ước có trên 10 điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Trong năm 2021, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức Diễn đàn nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết TƯLĐTT; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức thương lượng TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp ngành chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu gỗ của tỉnh (tham gia thương lượng có 16 doanh nghiệp, đến nay đã có 7 doanh nghiệp thống nhất ký kết TƯLĐTT nhóm); tổ chức “Ngày ký kết thỏa ước lao động tập thể”, kết quả LĐLĐ huyện Triệu Phong tổ chức ký kết tập trung 5 doanh nghiệp, LĐLĐ huyện Vĩnh Linh ký kết 4 doanh nghiệp, các đơn vị còn lại ký kết được 6 doanh nghiệp.
 
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh phối hợp với người sử dụng lao động duy trì thường xuyên các hoạt động đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
 
Để tiếp tục xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong tình hình mới, thời gian tới, Sở LĐ,TB&XH phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người lao động. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động, theo đó kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác tham mưu quản lý nhà nước về lao động, hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động phù hợp với thực tiễn của địa phương.
 
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đại diện người lao động trong doanh nghiệp. Phát huy vai trò các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động ở địa phương trong quan hệ lao động. Nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết và thực thi TƯLĐTT, giải quyết tranh chấp lao động và đình công trong doanh nghiệp./.
 

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây