LĐLĐ tỉnh Quảng Trị: Đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với đoàn viên, công nhân lao động

Thứ tư - 26/11/2014 04:27 2.772 0
Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2014, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức trên 10 cuộc giao lưu tìm hiểu pháp luật, thu hút hơn 1000 công nhân lao động (CNLĐ) tham gia. Không miễn cưỡng theo cách truyền đạt kiểu “người nói, người ngái ngủ”, CNLĐ tham gia buổi giao lưu được quyền đặt câu hỏi và được Tổ tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh giải đáp. Bên cạnh đó, những kiến nghị của CNLĐ cũng được kịp thời nắm bắt. Vì thế CNLĐ đều nhiệt tình tham gia, qua đó nâng cao được kiến thức và ý thức chấp hành Hiến pháp, pháp luật của NLĐ.
Buổi giao lưu tìm hiểu pháp luật thu hút nhiều CNLĐ tham gia
Buổi giao lưu tìm hiểu pháp luật thu hút nhiều CNLĐ tham gia
Buổi giao lưu tìm hiểu pháp luật đầy ý nghĩa
Để nâng cao tỷ lệ công nhân viên chức lao động (CN VCLĐ) tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền theo tinh thần Nghị quyết số 04b/NQ-TLĐ của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Quảng Trị đã chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với đoàn viên, CNLĐ.
Gần cuối giờ chiều, sau những giờ lao động mệt nhọc, hơn 60 CNLĐ của Trung tâm Môi trường công trình đô thị huyện Vĩnh Linh tập trung ở hội trường trung tâm, để dự buổi giao lưu tìm hiểu pháp luật do LĐLĐ tỉnh tổ chức. Để tạo tâm lý thoải mái cho CNLĐ, ban tổ chức bố trí sẵn hai dãy bàn với một mâm bánh kẹo các loại để mọi người vừa ăn uống, vừa sinh hoạt văn nghệ. Trước đó một tuần, mỗi CNLĐ đã được nhận tài liệu về pháp luật để tự nghiên cứu, nếu ai có thắc mắc, kiến nghị thì tại buổi giao lưu này sẽ được giải đáp. Sau khi mọi người được giới thiệu về Hiến pháp năm 2013 và Điều 10 Hiến pháp về tổ chức Công đoàn; Bộ Luật LĐ 2012; Luật CĐ 2012; Điều lệ CĐ 2013… có trong tài liệu, trò chơi trả lời đúng có thưởng được bắt đầu. Những câu hỏi có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ được trình chiếu lên màn hình. Khi CNLĐ xung phong trả lời đúng câu hỏi này, ban tổ chức sẽ kèm theo một câu hỏi phụ không có trong tài liệu. Khi trả lời đúng cả 2 câu hỏi, CNLĐ đó sẽ được nhận một phần quà ý nghĩa.
            
                           CNLĐ tham gia thảo luận tại buổi giao lưu tìm hiểu pháp luật

            
                               Phần quà xứng đáng cho CNLĐ với mỗi câu trả lời đúng       

Diễn ra chưa đầy 10 phút, anh Trần Văn Phong (SN 1956, công nhân Trung tâm MTCTĐT huyện Vĩnh Linh) đã nhận được 2 phần quà trên tay. Anh Phong vui vẻ: “liên quan đến quyền và lợi ích của mình, thì phải tìm hiểu. Những câu hỏi này có trong tài liệu nên tôi đã nắm khá chắc và trả lời được”. Tạo được sự thoải mái tại buổi giao lưu, nên CNLĐ đều bày tỏ sự hợp tác và lắng nghe. “Tuyên truyền PL mà cứ phát cho một tập tài liệu, rồi người đọc, người nghe thì buồn ngủ lắm. Cứ tổ chức như thế này vừa vui vẻ, chúng tôi lại nắm được những kiến thức cần thiết” - chị Hoàng Thị Trang, công nhân Trung tâm MTCTĐT huyện Vĩnh Linh, chia sẻ.
Sẽ nhân rộng ở các cấp công đoàn trong toàn tỉnh
Chỉ với một lượng kinh phí tổ chức không nhiều được trích từ ngân sách hoạt động thường xuyên và nguồn hỗ trợ từ UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh Quảng Trị đã vận dụng để tổ chức được 10 buổi giao lưu tìm hiểu pháp luật cho hơn 1000 CNLĐ trên địa bàn tỉnh. “Rẻ” và chất lượng hơn rất nhiều so với các buổi hội nghị, hội thảo với mục đích tương tự. Đồng chí Nguyễn Thị Hoài Lê - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị cho biết: "Những công nhân lao động tham gia các buổi giao lưu đều là công nhân lao động trực tiếp. Vì thế việc trang bị cho họ những kiến thức về pháp luật, về quyền và lợi ích của người lao động là rất cần thiết. Qua các buổi giao lưu tìm hiểu pháp luật, công nhân lao động đều nắm được những kiến thức cơ bản mà chúng tôi truyền đạt, các buổi giao lưu không chỉ giúp công nhân lao động hiểu sâu hơn về pháp luật mà đây cũng là dịp để chúng tôi kịp thời nắm bắt những bức xúc, kiến nghị của người lao động, từ đó giải đáp hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét”.
Bước đầu, LĐLĐ tỉnh tổ chức thí điểm ở mỗi huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành một số buổi giao lưu tìm hiểu pháp luật. Hướng tới sẽ nhân rộng mô hình giao lưu pháp luật cho người lao động tại các doanh nghiệp, tập trung vào các đơn vị có đông CNLĐ, các đơn vị chưa có tổ chức công đoàn. Định hướng nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng tinh gọn, phù hợp với trình độ nhận thức, tính chất công việc của từng đối tượng, đảm bảo 100% CNLĐ đều được tham gia.
 
                                                                                                  Bài, ảnh: HƯNG THƠ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây