Một số quyền lợi, chế độ khác với NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Thứ ba - 02/04/2024 20:30 4.928 0
Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì được nhận thêm những chế độ gì so với người lao động bình thường?
I. Thế nào là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm?
Công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là được hiểu là những công việc có các yếu tố hoặc nguy cơ cao gây hại, tổn thương đến sức khỏe, tinh thần của người lao động trong quá trình làm việc. Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được phân loại căn cứ vào đặc điểm, điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc và đã được quy định trong danh mục nghề nghiệp, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 (có hiệu lực từ ngày 01/3/2021) và được bổ sung tại Thông tư 19/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2023 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (có hiệu lực từ ngày 15/02/2024).
z5310557671215 0178ef5fc99327a96c8f086ac1bfd94a

II. Những quyền lợi, chế độ của người lao động khi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm

1. 
Chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm
Hiện hành, tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động”
Nếu người lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm sẽ tùy theo sự thỏa thuận giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động khi giao kết hợp đồng lao động.

(Trước đây Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2012 về tiền lương có quy định: Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Nhưng hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc chi trả tiền lương, phụ cấp độc hại cho người lao động, các mức phụ cấp cũng như cách tính chuẩn cho khoản phụ cấp này mà tùy theo thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ khi giao kết HĐLĐ)


Lưu ý: Căn cứ theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định  phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là một trong những khoản bắt buộc phải đóng BHXH cho NLĐ.


 
2. Thời gian làm việc

Theo Khoản 3 Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

(Trước đây tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Lao động 2012 có quy định: “Thời giờ làm việc không quá 6 giờ trong 1 ngày đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành”)

3. Nghỉ phép năm
Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động được nghỉ hằng năm hưởng nguyên lương như sau:
- 14 ngày làm việc: Người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- 16 ngày làm việc: Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Như vậy, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được nghỉ phép năm dài hơn so với những người làm công việc bình thường.

4. Bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe
4.1. Bảo hộ lao động


Căn cứ Điều 22 Luật ATVSLĐ 2015: Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 23 Luật ATVSLĐ 2015:  Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử dụng lao động trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và phải sử dụng trong quá trình làm việc.

4.2 Khám sức khoẻ
Căn cứ Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định chế độ khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động:
- Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải được NSDLĐ khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc (Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn ....)
- Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải được khám sức khoẻ ít nhất 06 tháng 1 lần. Trong khi đó, người làm các công việc bình thường khám chỉ khám sức khoẻ ít nhất 1 năm 1 lần.

4.3. Bồi dưỡng bằng hiện vật
Căn cứ Điều 24 Luật ATVSLĐ: Người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật.
(Quy định cụ thể tại Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của Bộ Lao động TB&XH quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại)

5. Chế độ hưu trí
Theo khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm          nghỉ hưu; với điều kiện nếu NLĐ khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và thuộc một trong các trường hợp dưới đây (Căn cứ Điều 54,55 Luật BHXH 2014):
NLĐ có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế ban hành.
NLĐ có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021) từ đủ 15 năm trở lên.

6. Chế độ ốm đau
Theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưởng chế độ ốm đau với số ngày:
- 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày);
- 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày);
- 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày);

7. Chế độ bệnh nghề nghiệp
Để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, người lao động phải đảm bảo các điều kiện tại Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
 - Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh nghề nghiệp.

8. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi (Theo khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019).

9. Đối với người lao động cao tuổi
Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn (khoản 3 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019).
Đối với người lao động là người khuyết tật

Người sử dụng lao động không được phép sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó (khoản 2 Điều 160 Bộ luật Lao động 2019).

10. Đối với người học nghề, tập nghề trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Người chưa đủ 18 tuổi sẽ không được người sử dụng lao động tuyển dụng để học nghề, tập nghề đối với những công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao (khoản 4 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019).

Tác giả bài viết: Ly Na

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây