Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn - Người con ưu tú của quê hương Quảng Trị

Thứ năm - 09/03/2017 21:41 3.217 0
Trong tâm thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Quảng Trị, đồng chí Lê Duẩn không chỉ là một nhà lãnh đạo Mác-xít chân chính, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam mà còn là một người con ưu tú của quê hương. Đồng chí Lê Duẩn đã có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị. Vai trò và cống hiến của đồng chí đối với quê hương được thể hiện xuyên suốt các thời kỳ đấu tranh cách mạng.
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm hỏi bà con nhân dân xã Triệu Thành
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm hỏi bà con nhân dân xã Triệu Thành
Trong những năm 1936 - 1939, đồng chí Lê Duẩn đã dày công truyền bá đường lối mới của Đảng, lãnh đạo phong trào quần chúng ở quê hương đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.
Trong bối cảnh nhiều cán bộ, đảng viên bị giam cầm lâu ngày, mới ra khỏi nhà tù đế quốc chưa liên lạc được với cấp trên nên chưa nắm vững được chủ trương, chính sách, phương thức hoạt động của Đảng trong tình hình mới; một số vẫn giữ quan điểm hoạt động theo phương thức cũ, không theo đường lối công khai, hợp pháp; một số tuy nhạy bén với tình hình nhưng chưa tiếp thu được chủ trương mới nên lúng túng trong hoạt động. Vì vậy, trong nội bộ cán bộ, đảng viên ở địa phương chưa thống nhất được phương thức đấu tranh cho phù hợp với thực tế lúc bấy giờ. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo cho cán bộ, đảng viên nhanh chóng bắt liên lạc với các cơ sở cũ, đồng thời đi khắp các địa bàn nắm tình hình và tổ chức truyền đạt cho các đảng viên về tinh thần của Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất; Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 7-1936; giải thích ý nghĩa của Mặt trận nhân dân đối với cách mạng nước ta, chỉ rõ sự chuyển hướng chỉ đạo và hình thức, phương hướng đấu tranh trong thời kỳ mới. Đồng chí tập hợp thanh niên ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng và Cam Lộ để tuyên truyền, giác ngộ, đưa họ vào tổ chức, tham gia hoạt động cách mạng. Đặc biệt, trước thực tiễn cách mạng trong nước và Quảng Trị, đồng chí nhấn mạnh: Phải triệt để lợi dụng những khả năng hoạt động công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp để lãnh đạo quần chúng, song không được quên việc duy trì và phát triển các tổ chức bí mật của Đảng, phòng khi bất trắc.
Với tư duy năng động, nhạy bén, trình độ lý luận sắc sảo, đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng vào tình hình cụ thể ở Quảng Trị, đề ra chủ trương mới, sát đúng, tạo được uy tín lớn trong đông đảo đảng viên và quần chúng. Đồng chí Lê Duẩn đã nhanh chóng tìm hiểu phong trào, tập hợp được cán bộ cốt cán làm hạt nhân lãnh đạo, chắp nối được các cơ sở Đảng, đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân chủ để đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ.
Đầu năm 1937, trước áp lực của dư luận, Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp cử một phái đoàn do Gôđa dẫn đầu sang Đông Dương điều tra tình hình. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã quyết định phát động một phong trào đấu tranh mới đòi dân sinh, dân chủ rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân trên phạm vi toàn Đông Dương. Với danh nghĩa đón phái bộ Gôđa, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh các hình thức tổ chức hoạt động công khai, hợp pháp, nhằm tập hợp đông đảo quần chúng, tập trung mũi nhọn vào cuộc đấu tranh chống phản động thuộc địa và tay sai, chống nguy cơ chiến tranh phát xít.
Thực hiện chủ trương của Đảng, các cựu chính trị phạm trong tỉnh, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Duẩn, chủ trương nhân cơ hội này phát động phong trào quần chúng rộng rãi biểu dương lực lượng trong toàn tỉnh, lấy cớ thu thập nguyện vọng nhân dân chuyển tới Gôđa. Đồng chí Lê Duẩn được tín nhiệm cử làm trưởng ban đón tiếp Gôđa tại trung tâm thị xã tỉnh lỵ Quảng Trị. Hưởng ứng phong trào, hàng vạn nhân dân khắp nơi trong tỉnh đã biểu dương lực lượng, biểu tình đòi thả tù chính trị, bỏ thuế thân, giảm thuế điền thổ, đòi ban hành các quyền tự do, dân chủ... Dưới sự lãnh đạo tài tình của đồng chí Lê Duẩn, phong trào đón Gôđa trao bản dân nguyện ở Quảng Trị gây tiếng vang lớn, lan rộng trong toàn xứ Trung Kỳ, để lại dấu ấn sâu sắc trong phong trào cách mạng Quảng Trị thời kỳ 1936 – 1939.
Sau cuộc biểu tình đón Gô đa, mặc dù thực dân Pháp và phong kiến Nam triều tìm cách hạn chế hoạt động của chính trị phạm, song dưới sự lãnh đạo sâu sát và khôn khéo của đồng chí Lê Duẩn, phong trào cách mạng trong tỉnh vẫn phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Các tổ chức hợp pháp và nửa hợp pháp như tổ làm vàn, hội hiếu, tổ đọc sách báo phát triển ở nhiều nơi, trong đó tổ đọc sách báo có tác dụng lớn cho việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng.
Thời kỳ này, tài năng của đồng chí Lê Duẩn thể hiện ở sự sáng tạo, nhạy bén trong lãnh đạo phong trào cách mạng. Đồng chí đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo về phương thức đấu tranh cách mạng, kết hợp xây dựng và phát triển tổ chức quần chúng rộng rãi để giữ vững và phát triển lực lượng cách mạng; đề ra các hình thức và phương pháp đấu tranh phong phú, uyển chuyển; kết hợp hoạt động công khai và nửa hợp pháp với hoạt động bí mật, bất hợp pháp; kết hợp giữa đấu tranh của quần chúng ngoài nghị viện với đấu tranh nghị trường, đấu tranh ở nông thôn với đấu tranh ở thành thị. Đó còn là sự sáng tạo, nhạy bén trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, gắn vấn đề giai cấp với vấn đề dân tộc, nêu cao ngọn cờ dân chủ để tập hợp rộng rãi mọi giai tầng trong xã hội, trong dân tộc, kể cả giai cấp tư sản dân tộc, những thành phần dân chủ, những cá nhân có tư tưởng tiến bộ đứng về phía nhân dân chống lại bọn phản động thuộc địa và tay sai. Thông qua phong trào dân chủ tiến hành cuộc tập dượt lớn nhằm tiến tới cao trào cứu nước 1939 - 1945, đỉnh cao là tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng tháng Tám.
Bên cạnh truyền bá đường lối mới của Đảng, thời kỳ 1936 - 1939, đồng chí Lê Duẩn còn thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong việc củng cố và phát triển tổ chức Đảng ở Quảng Trị, lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh.
Trước sự lớn mạnh của Đảng bộ Quảng Trị, thực dân Pháp và tay sai tăng cường các hoạt động khủng bố, đàn áp khốc liệt. Đặc biệt, sau đợt khủng bố của địch tháng 7/1935, Đảng bộ Quảng Trị bị tổn thất lớn, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn, hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh đến huyện bị phá vỡ.
Tháng 10/1936, từ nhà tù Côn Đảo trở về Quảng Trị, đồng chí Lê Duẩn đã tiến hành ngay nhiệm vụ cấp thiết lúc bấy giờ là khôi phục tổ chức cơ sở Đảng, củng cố phong trào cách mạng. Với nhãn quan chính trị sắc bén và kinh nghiệm sau nhiều năm hoạt động cách mạng trong và ngoài nhà tù, đồng chí trực tiếp đi về các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh kiểm tra tình hình, chỉ đạo những ý kiến quan trọng về công tác giữ gìn bí mật và nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, uốn nắn những tư tưởng lệch lạc trong nội bộ cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, đồng chí cùng với đồng chí Hoàng Thị Ái dùng số tiền ủng hộ của đồng chí Lê Thế Tiết lên Ba Lòng buôn sắn khô, gây quỹ và tìm cách xây dựng cơ sở Đảng; thông qua việc tổ chức cho quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng để xây dựng và củng cố tổ chức. Nhờ vậy, đến cuối năm 1936, Tỉnh ủy lâm thời được lập lại, cơ sở Đảng được phục hồi nhiều nơi.
Để tiếp tục củng cố tổ chức Đảng đủ sức chỉ đạo phong trào cách mạng, trong các ngày từ 29/6 đến 1/7/1937, tại làng Phù Long (Hải Lăng), dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã được tổ chức. Tham dự Hội nghị có 30 đại biểu đại diện cho các tổ chức Đảng ở các phủ, huyện trong tỉnh. Dưới sự chủ tọa của đồng chí Lê Duẩn, Hội nghị đã phân tích phong trào cách mạng Quảng Trị; chỉ rõ nhiệm vụ và yêu cầu sắp tới; chú trọng nhiệm vụ củng cố, phát triển Đảng, tổ chức Đảng theo lối bí mật, bất hợp pháp; quyết định thành lập một số huyện ủy và xây dựng các chi bộ Đảng ở làng, xã; đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các tổ chức quần chúng theo hình thức công khai hợp pháp và nửa hợp pháp; quyết định xuất bản báo Tranh đấu, mỗi tháng ra 2 kỳ và bầu Ban Chấp hành gồm 7 đồng chí do đồng chí Hoàng Hữu Chấp làm Bí thư Tỉnh ủy. Nhờ đó, phong trào cách mạng Quảng Trị tiếp tục dâng cao, cơ sở Đảng phát triển rộng khắp. Đến cuối năm 1937, Huyện ủy Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh đều được lập lại, toàn tỉnh có 100 đảng viên sinh hoạt trong 12 chi bộ Đảng. Năm 1938, mặc dù bị địch khủng bố, đàn áp, phong trào đấu tranh vẫn được duy trì ở các địa bàn trong tỉnh, số lượng đảng viên của Đảng bộ được tăng lên, toàn tỉnh có 40 chi bộ với 200 đảng viên. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở Trung kỳ chính thức lập lại Tỉnh ủy.
Tỉnh ủy Quảng Trị được lập lại đã cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần to lớn đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân toàn tỉnh trong cuộc đương đầu với kẻ thù. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Lê Duẩn, các đảng viên Cộng sản vô cùng tin tưởng, phấn khởi tỏa về cơ sở phát động phong trào đấu tranh rầm rộ, sôi nổi. Các cuộc đấu tranh đòi giảm thuế, đòi tự do báo chí, chống chiêu bài cải cách hương thôn, bầu cử dân biểu, chống khủng bố, đàn áp... liên tiếp diễn ra khắp các địa phương, nhất là các vùng nông thôn, đưa phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phát triển lên một tầm cao mới, khiến bọn phản động Pháp và bè lũ tay sai lúng túng đối phó.
Từ năm 1939, tình hình thế giới dần có những chuyển biến bất lợi. Ở Đông Dương, bọn phản động thuộc địa trở mặt, thẳng tay đàn áp phong trào dân chủ, bắt bớ cán bộ. Là người lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm trong đấu tranh và tổ chức hoạt động bí mật, đồng chí đã kịp thời chỉ đạo Đảng bộ Quảng Trị chuyển hướng công tác, đề ra sách lược quan trọng là tập trung bảo vệ, che giấu an toàn lực lượng cán bộ, giữ gìn cơ sở Đảng, bảo đảm không để cán bộ bị bắt. Cán bộ huyện, tỉnh phải sẵn sàng thoát ly, tạm ẩn náu trong lúc địch ráo riết khủng bố. Nhờ chủ trương nhạy bén, kịp thời và sáng suốt đó mà hầu hết cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Trị được bảo vệ. Quảng Trị thời kỳ này không những có đủ đội ngũ cán bộ bảo đảm cho phong trào mà còn bổ sung cho Xứ ủy và các tỉnh bạn khá đông cán bộ cốt cán. Phong trào cách mạng Quảng Trị tiếp tục phát triển cho đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Không chỉ có nhiều cống hiến to lớn cho phong trào cách mạng tỉnh nhà trong những năm 1936 - 1939, đồng chí Lê Duẩn còn giành cho quê hương những tình cảm sâu đậm trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như thời kỳ đất nước thống nhất.
Trong kháng chiến chống Pháp, mỗi lần ra Bắc, vào lại Nam, đồng chí đều nghỉ lại chiến khu Ba Lòng và tranh thủ thời gian trao đổi nhiều kinh nghiệm quý báu về chiến tranh nhân dân, về đấu tranh chống địch ở vùng tạm chiếm, về tổ chức và xây dựng lực lượng chính trị, công tác Đảng của các tỉnh Nam Bộ. Đồng chí có nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng để củng cố và phát triển phong trào kháng chiến ở Bình Trị Thiên nói chung và Quảng Trị nói riêng. Nói chuyện, căn dặn cán bộ, đảng viên về rèn luyện ý thức giai cấp và xây dựng tình cảm giai cấp... Sự chỉ bảo và những lời gửi gắm của đồng chí đối với quê hương trong những năm kháng chiến chống Pháp là động lực tinh thần quan trọng, tiếp thêm sức mạnh, ý chí và niềm tin để Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị lập nhiều chiến công xuất sắc, cùng với cả nước làm nên chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; đập tan âm mưu của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Những năm đầu của kháng chiến chống Mỹ, trước sự đàn áp khốc liệt của chính quyền Mỹ và tay sai sau các đợt “tố cộng, diệt cộng”, lực lượng cách mạng Quảng Trị bị tổn thất nghiêm trọng, đòi hỏi Đảng bộ tỉnh phải kịp thời chuyển hướng đấu tranh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Tháng 10/1957, được sự đồng ý của Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ Quảng Trị tổ chức Hội nghị mở rộng tại số nhà 55 phố Hàng Chuối - Hà Nội. Mặc dù bộn bề với bao công việc cấp bách, đồng chí Lê Duẩn vẫn dành thời gian đến thăm và nói chuyện với hội nghị. Tại hội nghị, đồng chí Lê Duẩn đã truyền đạt tinh thần, nội dung bản "Đề cương cách mạng miền Nam", nêu lên những kinh nghiệm vận động quần chúng và chỉ ra phương pháp đấu tranh thích hợp cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị trong thời gian tới; đồng thời phân tích tính chất xã hội miền Nam, bản chất chống cộng, độc tài, tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm, âm mưu chiến lược của đế quốc Mỹ.
Đồng chí nhấn mạnh: Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là trực tiếp đánh đổ chính quyền độc tài, phát xít Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách đế quốc, phong kiến, thiết lập ở miền Nam một chính quyền liên hiệp có tính chất dân tộc, dân chủ để cùng với miền Bắc thực hiện một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ nhân dân.
Đồng chí cũng chỉ rõ: Con đường phát triển của cách mạng miền Nam là phải dựa vào sức mạnh của quần chúng để đánh đổ chế độ thống trị của kẻ thù. Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ-Diệm cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác.
Về phương châm đấu tranh, đồng chí Lê Duẩn căn dặn: Với địa bàn có tính đặc thù nhưng là vị trí chiến lược quan trọng, để giữ tính chất "khu đệm", Quảng Trị không thể có những hoạt động vũ trang lớn như ở miền Nam. Đồng thời để bảo vệ miền Bắc, Quảng Trị phải kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang một cách khôn khéo...
Đồng chí yêu cầu Đảng bộ Quảng Trị phải đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng và công tác vận động quần chúng. Đồng chí chỉ rõ: Cách mạng ví như cái nón nằm úp nhưng tình hình Quảng Trị bây giờ như cái nón nằm ngửa, có Huyện ủy, có Tỉnh ủy nhưng không có cơ sở. Vì vậy, trước hết mỗi Tỉnh ủy viên, Huyện ủy viên phải về nơi mình am hiểu nhất để xây dựng cơ sở Đảng. Xây dựng được cơ sở mới phát triển được phong trào. Cũng tại Hội nghị này, đồng chí đã truyền đạt cặn kẽ, cụ thể những kinh nghiệm vận động quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng cho cán bộ Quảng Trị.
Được soi sáng bởi Đề cương cách mạng miền Nam và sự chỉ đạo sáng suốt, cụ thể, ân cần của đồng chí Lê Duẩn, các đại biểu dự Hội nghị đã thẳng thắn đánh giá tình hình, đề ra phương hướng, nhiệm vụ sát thực tế; đặc biệt đã khắc phục tư tưởng hoài nghi, dao động, đồng thời có thêm quyết tâm mới để khôi phục phong trào cách mạng ở địa phương. Sau hội nghị Tỉnh ủy, các huyện ủy đã phân công cán bộ về bám trụ các địa bàn, mở hội nghị nghiên cứu, quán triệt Đề cương cách mạng miền Nam và Nghị quyết của Tỉnh ủy đến cán bộ, đảng viên. Chính nhờ vậy đã tạo nên không khí phấn khởi, tin tưởng; đồng thời qua đó để giải quyết hàng loạt vấn đề về xây dựng lực lượng, về hình thức và phương pháp đấu tranh. Phong trào cách mạng Quảng Trị từng bước vượt qua thời kỳ khó khăn nhất.
Hội nghị này là bước ngoặt quan trọng cho phong trào cách mạng chống Mỹ và tay sai ở tỉnh Quảng Trị, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng dân tộc dân chủ ở tỉnh nhà.
Cùng với Bác Hồ và Bộ Chính trị lãnh đạo cuộc kháng chiến, đồng chí Lê Duẩn trên cương vị là Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng đã giành nhiều thời gian nghiên cứu vị trí chiến lược của Trị - Thiên, theo dõi sát sao diễn biến ở chiến trường để có những chỉ đạo cụ thể.
Thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, Quảng Trị ra sức xây dựng căn cứ địa vững mạnh, phát triển lực lượng, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực và nước bạn, giành thắng lợi to lớn trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971) đẩy địch vào thế co cụm, hoang mang, dao động, tạo điều kiện để Quảng Trị giành thắng lợi lớn trong cuộc tiến công và nổi dậy chiến lược năm 1972.
Đầu năm 1973, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết định, đồng chí Lê Duẩn trên cương vị là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã vào thăm và làm việc với Khu uỷ Vĩnh Linh và Bộ Tư lệnh Mặt trận B5. Đồng chí đã phân tích sâu sắc tình hình cách mạng cách mạng miền Nam, khẳng định thắng lợi to lớn mà toàn Đảng, toàn dân ta đã giành được và nhiệm vụ của lực lượng vũ trang cũng như của Vĩnh Linh sắp tới.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, nhất là được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng, quân và dân Vĩnh Linh, Quảng Trị đã anh dũng chiến đấu giải phóng phần đất còn lại của tỉnh Quảng Trị và cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975.
Trải qua 20 năm chống Mỹ và bè lũ tay sai, Quảng Trị đã được giải phóng, sau bao nhiêu năm xa quê hương đồng chí Lê Duẩn đã trở về. Đứng trên mảnh đất chứa chan ân tình đồng chí nói: "Đối với tất cả chúng ta, quê hương biết bao tình sâu nghĩa nặng! Riêng tôi, ngoài công việc chung của cả nước vẫn thường nghĩ đến tỉnh nhà và tự hỏi không biết đồng bào trong tỉnh từ ngày giải phóng đến nay sống như thế nào". Nhiều buổi nói chuyện với bà con, đồng chí luôn luôn ân cần, chỉ bảo bà con làng xóm phải đoàn kết thương nhau, giúp đỡ nhau, không như trước kia một làng mà chia bè phái, phải thực hành tốt chính sách hòa hợp, lao động sản xuất giỏi, xây dựng quê hương giàu đẹp. Đồng chí căn dặn: "Bất cứ ngành nào cũng phải có lao động, phải có tình thương, phải đi vào lẽ phải, có lẽ phải. Như vậy một người phải có 3 cái: Lao động, tình thương và lẽ phải".
Vui với niềm vui tỉnh nhà từng bước đi lên, từng bước khởi sắc, thay da đổi thịt. Đứng trên bờ kênh công trình thủy nông Nam Thạch Hãn, tràn đầy xúc động, đồng chí nói: "Lần này tôi về mừng nhất là làng ta có nhiều nước và không đói nữa. Bây giờ có nước của công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, ông bà chúng ta chưa bao giờ nghĩ ruộng đất làng ta có nước đầy đủ như hiện nay. Hạnh phúc có rồi, dân ta cần cù nhất định làm nên giàu có".
Tình cảm và những lời căn dặn ân cần của đồng chí Lê Duẩn đã tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị ra sức phấn đấu quyết tâm xây dựng Quảng Trị ngày càng giàu đẹp, văn minh.  

Tác giả bài viết: TGCĐ (st)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây