Bàn thêm về sự cần thiết phải giữ nguyên Điều 10 trong Hiến pháp

Thứ tư - 30/10/2013 20:18 1.015 0
Điều 10 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã xác định: “Công đoàn là tổ chức chính trị- xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho NLĐ, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế- xã hội; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Để bàn về sự cần thiết có hay không có Điều 10 để quy định về tổ chức Công đoàn trong Hiến pháp sửa đổi, chúng ta cần khách quan nhìn nhận lại lịch sử hình thành Công đoàn Việt Nam ngay từ ngày bắt đầu có tổ chức Công hội Đỏ. Chính thông qua sự phát triển và hoạt động của tổ chức Công đoàn qua các thời kỳ lịch sử Cách mạng đã góp phần vô cùng quan trọng để huy động được mọi lực lượng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, Công đoàn là một tổ chức chính trị- xã hội rộng rãi trong hệ thống chính trị, là nơi tập hợp ý chí, nguyện vọng của đông đảo CNVC,LĐ trên cả nước.
Trên thực tế, ngay từ Hiến pháp 1959, khi chưa có bất cứ tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nào quy định trong Hiến pháp thì đã có quy định về Công đoàn Việt Nam tại Điều 10 Hiến pháp 1959. Đến Hiến pháp 1980 đã giành riêng Điều 10 để quy định về Công đoàn Việt Nam, cụ thể là: “Tổng công đoàn Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân Việt Nam, là trường học chủ nghĩa cộng sản , trường học quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước. Trong phạm vi chức năng của mình, công đoàn tham gia công việc nhà nước và kiểm tra hoạt động của cơ quan nhà nước, tham gia quản lý xí nghiệp; giáo dục công nhân, viên chức; tổ chức phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa; cùng với cơ quan nhà nước chăm lo đời sống và bảo đảm quyền lợi của công nhân, viên chức”.
Hiến pháp 1992 đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Công đoàn Việt Nam quy định tại Điều 10. Tuy nhiên, để phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội tại thời điểm đó, nội dung Điều 10 đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, cụ thể là: “Công đoàn là tổ chức chính trị- xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đến năm 2001, Hiến pháp 1992 lại được sửa đổi một số điều; nhưng tại thời điểm đó, Ủy ban Dự thảo sửa đổi bổ sung Hiến pháp đã xem xét kỹ lưỡng và quyết định giữ nguyên không sửa đổi, bổ sung Điều 10.
Như vậy có thể nói, về lịch sử Hiến pháp Việt Nam, Công đoàn đã được quy định từ rất sớm (gần 55 năm). Và qua ba bản Hiến pháp kể từ Hiến pháp 1959 đến nay, với nhiều lần sửa đổi, bổ sung, song vẫn luôn có một điều quy định riêng về Công đoàn Việt Nam.
Dưới góc độ tư tưởng và lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần nêu những luận điểm quan trọng về Công đoàn. Một trong những luận điểm mà Người chỉ rõ và được coi là kim chỉ nam để tổ chức công đoàn hoạt động đến ngày nay đó là khi Người nêu mục đích tổ chức Công hội: “một là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”. Người khẳng định giai cấp công nhân là “đội tiên phong của dân tộc, người lãnh đạo xã hội”…Như vậy, với nhãn quan cách mạng sắc bén của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy và khẳng định được vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Do đó, ngày nay Đảng và Nhà nước cần tiếp tục kiên định thực hiện tư tưởng của Bác và cần có phương thức nhằm khẳng định vai trò của Công đoàn Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trước hết là phải được thể hiện trong Hiến pháp.
Mặt khác, nếu phân tích về nội hàm của Điều 10, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy trong Điều 10 của Hiến pháp năm 1992 quy định Công đoàn có trách nhiệm giáo dục người lao động. Trong nội dung Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, trách nhiệm của Công đoàn không chỉ là giáo dục mà còn được mở rộng hơn, có ý nghĩa thực tiễn hơn trong công tác tuyên truyền, vận động. Trên thực tế, hoạt động công đoàn nếu chỉ dừng lại ở giáo dục thôi chưa đủ mà quan trọng hơn là phải tuyên truyền, vận động, thuyết phục người lao động; phát huy cao độ vai trò của người lao động cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, so với Điều 10 Hiến pháp năm 1992, trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này chức năng “tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế” cũng được xác định ở phạm vi rộng hơn, không chỉ kiểm tra, giám sát mà còn “tham gia thanh tra”, đồng thời không chỉ giới hạn trong hoạt động của cơ quan nhà nước mà còn mở rộng ở các “tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp”; tức là Công đoàn Việt Nam có quyền giám sát đối với mọi tổ chức kinh tế- xã hội, vì mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chính vì những lẽ đó, trong bản tổng hợp kiến nghị của công chức, viên chức, công nhân lao động và tổ chức Công đoàn trình bày tại Đại hội XI Công đoàn Việt Nam được tổ chức tháng 7.2013 đã nêu rõ: Đề nghị Quốc hội xem xét giữ lại Điều 10 trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như dự thảo đã đưa ra xin ý kiến đóng góp của nhân dân. Giữ lại Điều 10 chính là sự khẳng định dứt khoát, mạnh mẽ bản chất giai cấp của Đảng, vị trí, vai trò nòng cốt đi đầu của giai cấp công nhân trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước./.
                                                                Nguyên Phong
 
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây