HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH TỔNG LĐLĐVN LẦN THỨ 6 (KHOÁ XII): Tổ chức công đoàn phải thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người lao động

Chủ nhật - 05/07/2020 20:50 568 0
Ngày 3.7, tại Hà Nội, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN lần thứ 6 (khoá XII) đã khai mạc dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Một trong những nội dung được các Uỷ viên Ban Chấp hành tập trung thảo luận, đưa ra đề xuất để giải quyết là việc chăm lo người lao động mất việc, giãn việc… do dịch COVID-19.
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN lần thứ 6 (khoá XII) ngày 3.7. Ảnh: Hải Nguyễn
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN lần thứ 6 (khoá XII) ngày 3.7. Ảnh: Hải Nguyễn

Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN và các đồng chí Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu cùng tham gia điều hành hội nghị. Đại diện các ban xây dựng Đảng Trung ương cùng dự hội nghị.  

Kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Hải đã trình bày Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn (CĐ) 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Theo đồng chí Trần Thanh Hải, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lao động (LĐ) bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm khoảng 1,4 triệu người, trong đó LĐ mất việc làm do các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất là gần 900.000 người; số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) là 565.000 người, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019… Do giãn việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc không lương, cắt giảm lương nên thu nhập của người lao động (NLĐ) bị sụt giảm đáng kể. 

Đồng hành cùng cả nước, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các cấp CĐ đã chủ động, tích cực huy động các nguồn lực tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm chăm lo, hỗ trợ đoàn viên (ĐV), NLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh với tổng số tiền hơn 112 tỉ đồng. Đặc biệt, Tổng LĐLĐVN đã có Quyết định số 643/QĐ-TLĐ về việc chi hỗ trợ cho ĐV, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19... 

Đồng chí Trần Thanh Hải cho biết, để hoàn thành được mục tiêu kép - đồng hành cùng DN khôi phục sản xuất kinh doanh, chăm lo cho NLĐ và tiếp tục thực hiện việc phòng, chống dịch, thực hiện tốt chủ đề năm “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở (CĐCS)”, từ nay đến cuối năm, hoạt động CĐ tập trung vào 14 nội dung chủ yếu. 

Trong đó, Tổng LĐLĐVN tiếp tục hoàn thiện trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ; triển khai thực hiện Bộ luật LĐ (sửa đổi), tham gia xây dựng và triển khai các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật LĐ (sửa đổi) trong tổ chức CĐ; phối hợp với DN, người sử dụng lao động trong việc sắp xếp lại sản xuất, nhân sự, tìm kiếm thị trường, điều chỉnh mức lương; phát động phong trào thi đua nâng cao năng suất, chung tay cùng DN vượt qua khó khăn; tiếp tục triển khai Chương trình “Chăm lo phúc lợi, lợi ích cho ĐV CĐ, giai đoạn 2019-2023”, tăng cường tuyên truyền để đoàn viên, NLĐ hiểu, nắm rõ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước… Từ đó, giúp NLĐ yên tâm, tin tưởng và tiếp tục gắn bó với DN để khôi phục sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm…

Đề nghị miễn giảm học phí cho con em CNLĐ bị mất việc, ngừng việc

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN lần thứ 6 - khoá XII, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu nhận định, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhiều DN lớn, đông công nhân lao động (CNLĐ) trong cả nước có khả năng bị mất, sụt giảm đơn hàng dẫn đến phải thu hẹp sản xuất, cho NLĐ nghỉ việc. Điều này sẽ làm gia tăng tác động tiêu cực đến việc làm, đời sống và thu nhập của nhiều ĐV và NLĐ. Dự báo số LĐ bị mất việc làm, ngừng việc tập thể sẽ gia tăng và tình hình quan hệ LĐ sẽ diễn biến phức tạp nhất là vào dịp cuối năm 2020. 

Trước những khó khăn của ĐV, NLĐ, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép những trường hợp thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ việc luân phiên từ 14 ngày trở lên trong tháng, vẫn được đóng bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc theo đối tượng có quan hệ LĐ để bảo đảm quyền lợi BHYT liên tục, không bị gián đoạn của NLĐ.

Đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định số 15/QĐ-TTg theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ bao gồm cả NLĐ phải nghỉ việc luân phiên, không chỉ tại các DN mà đến cả các đơn vị sự nghiệp cũng như các cơ sở kinh doanh khác và không gắn điều kiện của NLĐ với điều kiện của DN để NLĐ được hỗ trợ khó khăn kịp thời.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền DN hỗ trợ NLĐ nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhằm hỗ trợ NLĐ giảm bớt khó khăn, tìm việc làm mới để ổn định cuộc sống. Cụ thể như trường hợp của Công ty PouYuen ở TP.Hồ Chí Minh. 

Tổng LĐLĐVN cũng đề nghị miễn giảm học phí cho con em CNLĐ bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc luân phiên hoặc nghỉ việc không hưởng lương để giảm bớt khó khăn và để con em CNLĐ được đến trường…

Tại hội nghị, để tiếp tục chia sẻ khó khăn với ĐV bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng trình xin ý kiến Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN nội dung miễn đóng đoàn phí CĐ. Theo đó, bổ sung đối tượng không phải đóng đoàn phí CĐ: “Đối với ĐV CĐ có thu nhập thấp hơn mức lương cơ sở thì không phải đóng đoàn phí CĐ trong thời gian hưởng mức thu nhập nêu trên”. Thời gian thực hiện miễn đóng đoàn phí CĐ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 chỉ áp dụng cho đến hết thời điểm 31.12.2020.

 

Công đoàn góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người lao động và doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết, 6 tháng đầu năm 2020 là thời gian diễn ra nhiều sự kiện lớn, cũng là thời gian mà dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có việc làm, đời sống của NLĐ và hoạt động CĐ…

Trước tình trạng trên, Tổng LĐLĐVN đã chủ động sớm ban hành các văn bản theo tiến trình, nhiệm vụ Trung ương chỉ đạo. Các cấp CĐ đã tích cực, chủ động, thể hiện vai trò, trách nhiệm tham gia cùng hệ thống chính trị, người sử dụng lao động trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn cho NLĐ và an toàn cơ quan, nhà máy; chăm lo lợi ích, bảo vệ quyền lợi của NLĐ. 

Chủ tịch Nguyễn Đình Khang cho hay, đây cũng là lần đầu tiên tổ chức CĐ quyết định cho phép sử dụng nguồn tài chính tích lũy tại CĐ ngành, địa phương và cấp trên trực tiếp cơ sở để hỗ trợ ĐV, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành thông qua hội nghị, thảo luận, đánh giá, đúc kết những mô hình, cách làm, cũng như các bài học kinh nghiệm trong công tác tham gia phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời phân tích những khó khăn, vướng mắc, qua đó đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, để tổ chức CĐ phải thực sự là chỗ dựa vững chắc cho ĐV, NLĐ…

Trong ngày 3-4.7, những nội dung chính được tập trung thảo luận, làm việc tại hội nghị là Báo cáo kết quả hoạt động CĐ 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020; Tờ trình về Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông CĐ Việt Nam đến năm 2023; Báo cáo CĐ các cấp tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ ĐV, NLĐ bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; Tờ trình về việc miễn đóng đoàn phí CĐ; Tờ trình về việc xin ý kiến tiêu chuẩn các chức danh của Ủy ban kiểm tra khi thực hiện sắp xếp bộ máy cơ quan LĐLĐ cấp tỉnh; Báo cáo tóm tắt công tác kiểm tra, giám sát của CĐ các cấp 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2020 và công tác tổ chức, cán bộ; bầu bổ sung đồng chí Bùi Huyền Mai - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội - vào Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN lần khoá XII; Hội nghị chia làm 6 tổ để thảo luận các nội dung trên...

Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023

Tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - nói rằng, bối cảnh hiện nay đòi hỏi công tác truyền thông CĐ Việt Nam phải có sự đột phá về nội dung, phương thức theo hướng chủ động, nhạy bén, toàn diện và hiệu quả hơn. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác truyền thông trong thời gian tới, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN sẽ ban hành chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông CĐ Việt Nam đến năm 2023” (Chương trình). 

Mục tiêu của Chương trình là xây dựng và bảo vệ hình ảnh CĐ Việt Nam là “tổ chức của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ”; thúc đẩy sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, người sử dụng lao động đối với CĐ Việt Nam và hoạt động của các cấp CĐ…

Chương trình sẽ tập trung vào 4 kênh truyền thông gồm: Các kênh truyền thông báo chí trong và ngoài hệ thống CĐ Việt Nam; các kênh truyền thông trực tiếp; các sự kiện như Tết Sum vầy, Tháng Công nhân, Ngày Thành lập CĐ Việt Nam…

Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN cho rằng cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí thuộc hệ thống CĐ trong chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng thông tin dư luận. Trong đó, Báo Lao Động là cơ quan của Tổng LĐLĐVN - Tiếng nói của công nhân viên chức lao động Việt Nam - cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi hoạt động Trung tâm truyền thông đa phương tiện đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức cung cấp thông tin cho ĐV, NLĐ, bảo đảm thông tin nhanh chóng, chính xác, bằng các hình thức hiện đại, sinh động, phù hợp với nhu cầu và năng lực tiếp nhận thông tin của đại đa số ĐV, NLĐ và các cấp CĐ; chú trọng xây dựng và phát triển kênh truyền hình Lao Động, từng bước chủ động sản xuất bản tin hàng ngày 5-7 phút, tiến tới tin tổng hợp hằng tuần 15 phút...

Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Cổng thông tin/trang thông tin điện tử của Tổng LĐLĐVN và các LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương và tương đương; phát triển kênh truyền thông trực tiếp có tác động nhanh, sức lan tỏa rộng để đưa thông tin đến đoàn viên, NLĐ; đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng mạng xã hội phổ biến và ứng dụng trên điện thoại di động…

Chương trình sẽ chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 2019-2020 - CĐ Việt Nam tập trung tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hoạt động CĐCS với 7 nhóm vấn đề chủ yếu. Giai đoạn 2021-2023, CĐ Việt Nam nâng cao vai trò đại diện của ĐV, NLĐ theo pháp luật, hoạt động ngày càng thực chất, thực sự là điểm tựa vững chắc, là sự chựa chọn đầu tiên của NLĐ đối với tổ chức đại diện cho mình…

https://laodong.vn/cong-doan/to-chuc-cong-doan-phai-thuc-su-la-cho-dua-vung-chac-cho-nguoi-lao-dong-817099.ldo


 

Tác giả bài viết: laodong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây