Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập

Thứ tư - 02/11/2022 20:41 3.455 0
                                                                                                                                   Nguyễn Thị Hoài Lê
                                                                                                                                Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh
 

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở là tiền đề quan trọng trong việc đảm bảo quyền làm chủ và các quyền, lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCNVC) ở mỗi cơ quan, đơn vị. Thời gian qua, các cấp công đoàn tỉnh Quảng Trị đã chủ động tham gia và phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số đơn vị chưa quan tâm, chú trọng đến công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đoàn viên, CBCNVC, việc thực hiện QCDC ở cơ sở vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục. 

Nhìn lại kết quả 

Để thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, LĐLĐ tỉnh đã tập trung chỉ đạo các công đoàn cấp huyện, ngành tuyên truyền, hướng dẫn CĐCS các quy định pháp luật mới về thực hiện QCDC ở cơ sở; chỉ đạo CĐCS chủ động tham gia, phối hợp với thủ trưởng đơn vị thực hiện tốt QCDC. Xây dựng kế hoạch và tổ chức ký kết quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh với các Ban Thường vụ huyện, thị, thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị; chỉ đạo các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động giám sát việc xây dựng, thực hiện QCDC cơ sở tại các cơ quan, đơn vị; Tại khối hành chính sự nghiệp, có 748/748 cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đã tổ chức hội nghị CBCCVC, đạt tỷ lệ 100%. Hội nghị CBCCVC đã trở thành diễn đàn phát huy dân chủ trực tiếp của CBCCVC và vai trò đại diện của công đoàn cơ sở trong việc tham gia với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch công tác, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CBCCVC hằng năm; hoàn thiện các quy chế nội bộ.
 
z3847943105334 9d91e93f23b8297e9cfbf4908591c703

Bên cạnh đó, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị được các cấp công đoàn thường xuyên chú trọng và củng cố. Liên đoàn Lao động tỉnh và LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố, các công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức tỉnh đã chủ động phối hợp với thanh tra tỉnh, thanh tra huyện  hướng dẫn nghiệp vụ công tác cho Ban thanh tra nhân dân ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Ban Thanh tra nhân dân tại các cơ quan, đơn vị đã phát huy hiệu quả nhiệm vụ giám sát việc thực hiện nghị quyết Hội nghị CBCCVC, thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở,... góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CBCCVC ở cơ quan, đơn vị.  
 
Trong năm 2022, một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã đề xuất với chính quyền tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với đoàn viên, CBCCVC. Thông qua hội nghị đối thoại, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, các kiến nghị, đề xuất của CBCCVC được cấp ủy đảng, chính quyền tiếp thu và thực hiện giải pháp tháo gỡ. 

Khó khăn, bất cập và vướng mắc

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình chỉ đạo các cấp Công đoàn tham gia thực hiện QCDC ở cơ sở vẫn còn gặp một số hạn chế như việc triển khai thực hiện QCDC trong hoạt động của một số cơ quan còn mang tính hình thức; Quy trình triển khai Hội nghị CBCC,VC tại một số đơn vị bỏ qua việc thực hiện Hội nghị cấp phòng hoặc bộ phận công tác để CBCCVC được tham gia ý kiến vào các văn bản dự thảo trước khi trình Hội nghị hoặc kiến nghị đề xuất với thủ trưởng cơ quan, trong khi HNCBCCVC thường chỉ diễn ra 1 buổi nên những ý kiến của CBCCVC rất ít. 

Vẫn còn tình trạng đoàn viên, CBCCVC chưa dám phản ánh, kiến nghị, tâm lý ngại va chạm hoặc cá biệt CBCC,VC còn thờ ơ, chưa xem việc thực hiện QCDCCS là trách nhiệm của mình đối với cơ quan, đơn vị; 
Một số cấp ủy, chính quyền chưa tập trung chỉ đạo, thiếu kiểm tra, đôn đốc; chưa cụ thể hóa các quy chế, quy định, quy trình công khai, dân chủ ở cơ sở; chưa coi trọng việc sửa đổi, bổ sung quy chế, quy định tại đơn vị, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm... Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tại một số đơn vị còn mờ nhạt, hiệu quả thấp, có lúc, có nơi chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định pháp luật, qua công tác kiểm tra, giám sát, vẫn còn một số đơn vị chưa phát huy tốt vai trò giám sát.  

Nhiệm vụ cần thực hiện

Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc phối hợp triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở trong thời gian tới, Công đoàn các cấp trong tỉnh cần:
Chủ động, thường xuyên, tích cực phối hợp tốt với chính quyền, chuyên môn cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, CBCCVC về việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Bởi muốn thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, trước hết người công chức, viên chức phải nắm bắt và hiểu biết về dân chủ cơ sở, bao gồm những việc công khai để cán bộ, công chức, viên chức được biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến và những việc CB,CC,VC được giám sát, kiểm tra. Điều này đóng vai trò quyết định trong việc tổ chức thực hiện dân chủ cũng như kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện dân chủ. Người CB,CC,VC được thẳng thắn đóng góp ý kiến để xây dựng nội bộ cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. 

Nâng cao chất lượng Hội nghị CB,CC,VC. Công đoàn có trách nhiệm phối hợp với người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị CB,CC,VC, cán bộ công đoàn cần tập huấn đầy đủ kỹ năng, kinh nghiệm và hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện dân chủ cơ sở. Các công đoàn cơ sở phải nắm chắc quy trình hội nghị để có thể tham mưu, phối hợp cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức tốt Hội nghị CB, CC, VC. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần chủ động trong việc chuẩn bị nội dung, bố trí đủ thời gian và phối hợp với Chủ tịch công đoàn chỉ đạo Hội nghị  CB,CC,VC theo quy định. Bên cạnh việc lắng nghe ý kiến đóng góp, phê bình của CB,CC,VC; giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của CB,CC,VC... thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng cần phải tạo được bầu không khí thực sự thoải mái để mọi CB,CC,VC và người lao động có cơ hội bày bỏ tâm tư, nguyện vọng của mình.

Tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết hội nghị CB,CC,VC; phải có đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết hội nghị CB,CC,VC trước hội nghị CB,CC,VC vào 6 tháng và cuối năm.

Khắc phục tính hình thức trong hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị. Trước hết cần lựa chọn, bố trí những người có phẩm chất, năng lực tốt, được CB,CC,VC tín nhiệm làm công tác thanh tra nhân dân. Các thành viên tham gia Ban thanh tra nhân dân phải có bản lĩnh, không ngại va chạm, ý thức đầy đủ về vị trí, vai trò và phải nắm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình được pháp luật quy định; có nghiệp vụ hoạt động, được tập huấn cơ bản. Muốn vậy, hàng năm có kế hoạch và tổ chức các cuộc tập huấn cho cán bộ làm công tác thanh tra nhân dân về chức năng, nhiệm vụ của Ban thanh tra nhân dân, kỹ năng xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức thực hiện quyền thanh tra, giám sát, xác minh vụ việc theo quy định pháp luật… nhằm nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng, năng lực, trình độ và hiểu biết pháp luật cho người làm công tác thanh tra nhân dân. Đồng thời, cơ quan, đơn vị cần tạo điều kiện thuận lợi và bố trí nguồn kinh phí hợp lý để Ban thanh tra nhân dân hoạt động. Ban Thanh tra nhân dân phải thực hiện đúng nhiệm vụ là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, đơn vị.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây