Chiều tối, chúng tôi đến khu dãy trọ ở Khu phố 2, phường Đông Lương, TP. Đông Hà để gặp gỡ đôi vợ chồng trẻ Phan Văn Hiếu và Lê Thị Thương, đều là công nhân Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà. Dù rất mệt sau một ngày làm việc vất vả nhưng họ vẫn nở nụ cười thân thiện chào đón chúng tôi. “Phòng hơi chật hẹp nên sẽ không thoải mái lắm. Cả hai vợ chồng cùng đi làm từ sáng đến tối mới về...”, anh Hiếu bắt đầu câu chuyện. Anh Hiếu quê ở thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, làm việc tại Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà được 6 năm, với thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/ tháng; còn chị Thương quê ở thôn Linh An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong vào làm đây cũng tầm 6 năm, với thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/ tháng. Hằng tháng, cả hai vợ chồng trả hơn 1,5 triệu tiền thuê phòng trọ và điện, nước. Chị Thương góp chuyện: “Giờ 2 vợ chồng trẻ nên chi tiêu không nhiều. Cả ngày cùng nhau làm việc, ăn, nghỉ trưa ở công ty nên cũng có được chút tiền dành dụm. Phòng trọ hiện tại là khá chật chội. Điều lo lắng đối với em đó là chuẩn bị chào đón thành viên đầu tiên, dự báo mọi việc sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Giờ ước mơ của em là mua được một ngôi nhà phù hợp với mức thu nhập của hai vợ chồng công nhân để có được nơi nghỉ ngơi thoải mái sau một ngày làm việc mệt nhọc, hồi phục lại sức khỏe để tiếp tục lao động sản xuất và chăm sóc con cái được chu đáo”.
Nhìn khắp căn phòng nhỏ bé, chúng tôi không thấy thứ gì có giá trị kinh tế lớn. Hai cây quạt bật số cao cũng không xua hết cái nóng nực trong phòng. Anh Hiếu nói thêm: “Về đến phòng trọ, vợ chồng thay phiên nhau tắm nhanh, thay áo quần rồi đi ra ngoài tìm kiếm thứ gì ăn, hóng gió mát cho đến tối mới về phòng.
Hiện nay, nhu cầu về nhà ở của CNLĐ ở các KCN là rất nhiều. Em cũng như nhiều người công nhân khác, mong muốn tiếp cận và mua nhà ở xã hội phù hợp với mức thu nhập của NLĐ và thời gian trả tiền dài hạn”.
Chủ tịch Công đoàn Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà Hoàng Quảng Trung cho biết, Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà tại KCN Nam Đông Hà hiện có 19 chuyền may, với khoảng 1.400 công nhân có mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng. Công ty thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với công nhân theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời có thêm nhiều chế độ khen thưởng, hỗ trợ khác cho CNLĐ.
Hiện nay, nhu cầu về nhà ở của CNLĐ là khá lớn. Công ty luôn dành nhiều quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân ở lại nghỉ trưa, ăn uống đảm bảo để có sức khỏe, tinh thần làm việc tốt. “Lãnh đạo công ty luôn xác định rõ CNLĐ là đối tượng ưu tiên hàng đầu. Mục tiêu của công ty trong năm 2022 là nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 8 triệu đồng/ người/tháng; phấn đấu đạt doanh thu 170 tỉ đồng.
Vì thế, công ty luôn dành nhiều quan tâm đặc biệt, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho công nhân yên tâm lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Công tác chăm lo cho đời sống công nhân, nhất là xây dựng nhà xã hội, nhà ở cho công nhân là cực kỳ quan trọng. Về phía công ty luôn mong muốn các cấp, ngành, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển nhà xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà trẻ, siêu thị, y tế… ở trong KCN để công nhân được hưởng lợi”, anh Quảng Trung cho hay.
Tại KCN Nam Đông Hà hiện chưa có dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Hầu hết CNLĐ đến làm việc tại các DN trong KCN đều ở các huyện, thị xã trong tỉnh và ngoài tỉnh, đang phải thuê nhà trọ ở xung quanh KCN, tập trung chủ yếu ở Phường 1, Phường 5, phường Đông Lương, Đông Lễ, Đông Thanh...
Việc mua được đất để xây dựng nhà hoặc mua nguyên căn nhà có sẵn trên địa bàn thành phố hiện nay có giá cũng tầm từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng gần như không thể đối với thu nhập của CNLĐ. Vì thế họ khát khao được mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phù hợp với mức thu nhập và có thời gian trả góp lâu năm.
Công nhân Nguyễn Viết Long cho biết, anh quê ở thôn Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, vào làm việc tại Công ty TNHH Thương mại số 1 được 5 năm, thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng. Gia đình anh có 5 thành viên, đang thuê 1 ngôi nhà cấp 4 ở Khu phố 2, phường Đông Giang, TP. Đông Hà với số tiền thuê nhà gần 1 triệu đồng/1 tháng và cộng thêm các khoản điện, nước…, tổng cộng phải trả gần 1,5 triệu đồng/tháng.
Căn nhà cũ đang thuê giờ xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm vào mùa mưa bão, nhưng với anh lúc này cũng là nơi ở tốt nhất. Anh mong muốn các cấp, ngành, DN quan tâm đầu xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và các dịch vụ, tiện ích đi kèm khác để mỗi NLĐ có cơ hội được sở hữu.
Nhiều khó khăn, bất cập về phát triển nhà ở xã hội
Năm 2021, do ảnh hưởng của COVID-19 nên việc nhà đầu tư đi lại, tiếp cận, khảo sát và nghiên cứu tại tỉnh nói chung, KCN, KKT nói riêng có phần hạn chế, nhưng Ban quản lý (BQL) Khu Kinh tế tỉnh đã tích cực, chủ động trong công tác vận động, xúc tiến các dự án đầu tư vào KCN, KKT trên địa bàn tỉnh; cải thiện phương thức làm việc, chuyển từ làm việc trực tiếp sang làm việc trực tuyến, kịp thời cung cấp, giới thiệu các thông tin, hình ảnh, hiện trạng để nhà đầu tư tiếp cận được các KCN, KKT của tỉnh nên hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư tiếp tục phát triển.
Phó Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Nguyễn Đức Thiện cho biết, trong năm 2021, có trên 20 nhà đầu tư đến khảo sát, làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, trong đó có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực nghiên cứu đầu tư vào Quảng Trị. Tính đến hết năm 2021, tại các KCN, KKT có 182 dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư còn hiệu lực, trong đó, 116 dự án đã đi vào hoạt động, 66 dự án đang xây dựng.
Ngoài ra, có 35 dự án đang nghiên cứu với tổng vốn đầu tư dự kiến đăng ký là 153.589 tỉ đồng. Hiện tổng số lao động đang làm việc tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh là 7.300 người. Các doanh nghiệp đã cơ bản đảm bảo được nguồn thu nhập cho người lao động ổn định được đời sống, ngoài ra một số doanh nghiệp đã hỗ trợ các chế độ tăng ca làm thêm giờ đảm bảo quy định của pháp luật, đưa đón công nhân từ nhà đến nơi làm việc hoặc hỗ trợ một phần tiền thuê nhà hằng tháng cho người lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn về lao động, vệ sinh môi trường, bếp ăn tập thể đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm….
Đồng thời, thành lập các tổ chức hỗ trợ, chăm lo quyền lợi của người lao động; ban hành các nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể đảm bảo tính dân chủ trong doanh nghiệp.
Trước tốc độ phát triển khu đô thị công nghiệp tăng nhanh thì nhu cầu về nhà ở của người lao động cũng tăng theo. Song, vấn đề phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn còn nhiều vướng mắc.
Cùng với việc thực hiện chính sách phát triển nền kinh tế, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho công nhân là một trong những vấn đề được Đảng, Nhà nước và tỉnh quan tâm. Trong đó, chính sách nhà công nhân được nghiên cứu, quy định cụ thể hơn để khuyến khích đầu tư phát triển, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê…
Có một thực tế đang tồn tại trong các KCN, KKT ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng đó là sự thiếu hụt các dịch vụ cho người lao động như: Phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ vui chơi giải trí, nhà trẻ…
Mặt khác, nhà đầu tư lĩnh vực xây dựng nhà ở cho công nhân trong KCN, KKT tỉnh Quảng Trị chưa quan tâm đến lĩnh vực này, một phần do lượng người lao động trong KCN, KKT chủ yếu là người địa phương, số lượng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người lao động còn hạn chế, nguồn vốn dành cho đầu tư lĩnh vực này cao, thời gian thu hồi vốn dài, công tác quản lý nhà ở cho công nhân còn nhiều bất cập…
Các KCN, KKT ở Quảng Trị từng bước trở thành một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đảm bảo là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế.
“Công nhân lao động tại các KCN, KKT là những người không có điều kiện tốt về kinh tế, nhu cầu mua nhà ở gặp nhiều khó khăn. BQL KKT tỉnh xác định đây chính là đối tượng cần chăm lo về chỗ ở nhất. Tuy nhiên, thực tế nhà ở dành cho công nhân tại các KCN, KKT vẫn còn là vấn đề bức thiết hiện nay.
Trong thời gian qua, ngoài việc xúc tiến thu hút đầu tư vào các KCN, KKT thì BQL KKT tỉnh đã tích cực kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN, KKT. Đến nay chỉ có 1 doanh nghiệp đang triển khai thực hiện dự án nhà ở cho chuyên gia tại KKT Đông Nam Quảng Trị với tổng mức đầu tư 101 tỉ đồng”, ông Nguyễn Đức Thiện cho biết thêm.
Tác giả bài viết: Báo quảng trị
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Ý kiến bạn đọc