Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bầu cử

Thứ ba - 18/05/2021 22:54 2.781 0
Ngày 23 tháng 5 tới đây, toàn dân ta đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhằm phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh. Nhân sự kiện trọng đại - ngày hội toàn dân thể hiện quyền làm chủ của mình - một trong những quyền thiêng liêng mà lúc sinh thời Hồ Chủ tịch kiên trì phấn đấu quên mình vì dân, vì nước để cho ai cũng được thực hiện quyền bầu cử, chúng ta ôn lại một số quan điểm của Người về công tác bầu cử với mong muốn: Toàn Đảng, toàn dân ta sẽ thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
unnamed

Trong cuộc đời mình, là ứng cử viên đồng thời cũng là cử tri đi bầu cử 3 nhiệm kỳ Quốc hội, gồm: Quốc hội khóa I (1946–1960), Quốc hội khóa II (1960 – 1964) và Quốc hội khóa III (1964–1971). Ở cương vị ứng cử viên hay cử tri, Bác đều để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng dân tộc về tinh thần, trách nhiệm của một người công dân đối với đất nước.
Ngay sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính Bác Hồ trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời đã đề nghị sớm có một cuộc bầu cử để thông qua Hiến pháp, Người nói: “… Nhân dân không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ phải có tổ chức càng sớm càng hay, cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Khi được Chính phủ ủng hộ, toàn dân ta đang tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu, những lời kêu gọi thiết tha của Người cách đây 75 năm vẫn như đang âm vang trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV sắp tới: “… Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta đến con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày sung sướng của đồng bào ta và ngày mai là ngày tổng tuyển cử… Ngày mai tất cả các bạn cử tri nhớ đi bầu cử. Ngày mai mọi người đều vui vẻ hưởng quyền lợi của người dân độc lập, tự do”.
Lật lại những trang sử vàng của đất nước, trong giai đoạn “ngàn cân treo sợi tóc” những năm đầu của chính quyền nhân dân non trẻ, chúng ta thật cảm kích trước việc Bác Hồ kính yêu trong bộn bề công việc vẫn đặt lên hàng đầu công tác bầu cử, Người thiết tha kêu gọi mọi tầng lớp Nhân dân đi bỏ phiếu, Người không chỉ quan tâm đến việc động viên Nhân dân sử dụng quyền dân chủ cơ bản của mình mà còn ân cần giải thích rất rõ ràng để mọi người dễ hiểu, dễ nghe, nắm được tầm quan trọng của quyền bầu cử. Người nói “… Trước hết, tôi xin tóm tắt Luật bầu cử của ta thật là dân chủ. Tất cả các công dân gái cũng như trai, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, tự do lựa chọn người thay mặt mình…”.
Không chỉ có quan điểm đúng đắn về tầm quan trọng của công tác bầu cử, một khi quyền bầu cử và ứng cử, quyền tham gia công việc Nhà nước của Nhân dân được bảo đảm, Bác Hồ luôn có chủ trương điều chỉnh, sửa đổi pháp luật, làm cho nó phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đọan mới. Không chỉ gương mẫu trong việc xây dựng pháp luật bảo đảm quyền tự do dân chủ của Nhân dân, không chỉ là người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khai sinh ra nền pháp chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bác Hồ kính yêu của chúng ta còn là tấm gương mẫu mực, ngời sáng trong việc tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về công tác bầu cử.
Tại cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên (Quốc hội khóa I) năm 1946, thủ đô Hà Nội là nơi Bác Hồ ra ứng cử. Gần đến ngày bầu cử, có 118 vị là Chủ tịch Ủy ban Hành chính các cấp đã công bố một bản đề nghị “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi ủng hộ và suy tôn vĩnh viễn Cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Có người thì đề nghị Bác ra ứng cử ở địa phương mình… Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo Nhân dân ta. Mặc dù vậy, Bác Hồ đã viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào cho Người thực hiện quyền và nghĩa vụ của người công dân. Bức thư có đoạn viết: “Tôi là công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nên tôi không thể vượt qua thể lệ của cuộc Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ của người dân trong cuộc tổng tuyển cử.”
Trước ngày Tổng tuyển cử, tại khu Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường đại học Bách khoa Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự mít tinh với 2 vạn cử tri Hà Nội ủng hộ cuộc bầu cử Quốc hội. Tại cuộc mít tinh, Người nói: “Làm việc bây giờ là hy sinh, là phấn đấu quên lợi ích riêng mà nghĩ lợi ích chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không bầu...”. Câu nói của Bác năm nào càng có ý nghĩa sâu sắc hơn khi đất nước ta đang trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng một nhà nước do Dân và vì Dân.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, Người đã trúng cử với số phiếu rất cao. Khi kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch Chính phủ kháng chiến, Người phát biểu: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác, thì tôi phải gắng làm, cũng như mọi người lính vâng lệnh Quốc dân ra trước mặt trận...”.
Sáng ngày 15/4/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 12 Quốc hội khóa I: “Quốc hội ta là Quốc hội dân chủ đầu tiên ở vùng Đông Nam châu Á, cũng là Quốc hội đầu tiên của các nước thuộc địa cũ được độc lập tự do”. Đây là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Quốc hội khóa I đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ cộng hòa. Do điều kiện đất nước bị chia cắt, nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa I kéo dài từ tháng 1/1946 đến tháng 5/1960. Thông qua 12 kỳ họp, đặc biệt là Ban Thường trực Quốc hội, luôn có mặt bên cạnh Chính phủ để chỉ đạo công tác kháng chiến - kiến quốc; xây dựng Hiến pháp, Luật Cải cách ruộng đất; đàm phán, ký kết và đấu tranh thi hành Hiệp định Giơnevơ; khôi phục kinh tế miền Bắc... Quốc hội khóa I đã góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, giải phóng và đưa miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội, chi viện cho công cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những cống hiến của Quốc hội khóa I suốt 14 năm và khẳng định: “Quốc hội ta đã hết lòng vì Dân, vì nước, đã làm tròn một cách vẻ vang nghĩa vụ của người đại biểu của Dân”. Người cảm ơn Quốc hội khóa I và tin chắc rằng Quốc hội khóa II của chúng ta sẽ đưa hết tinh thần và lực lượng để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Ngày 24/4/1960, phát biểu tại cuộc mít tinh của Nhân dân thủ đô chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ra mắt cử tri thủ đô, sau khi cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu Người và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khóa II, Người đã nêu lên tính chất dân chủ của Luật Bầu cử, giá trị cao quý của lá phiếu cử tri và tin tưởng rằng những cử tri sáng suốt sẽ bầu ra được một Quốc hội có những đại biểu thật xứng đáng.
Người thay mặt các ứng cử viên hứa với đồng bào: “Những người được cử vào Quốc hội khóa II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”. Sự tôn trọng, dân chủ, nghiêm túc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc làm rất nhỏ của công tác bầu cử.
Ôn lại tấm gương của Bác Hồ kính yêu trong công tác bầu cử, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta càng tâm niệm, nguyện ra sức học tập, rèn luyện và công tác, phấn đấu đi theo con đường mà Người đã chọn, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tỉnh Quảng Trị cùng với  CNVCLĐ cả nước đang tích cực triển khai nhiều phong trào thi đua và các hoạt động sôi nổi, thiết thực chào mừng kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của tỉnh Quảng Trị nhằm lựa chọn bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, có đủ đức, đủ tài, đủ trình độ, phẩm chất, năng lực, sẵn sàng thực hiện có hiệu quả trách nhiệm lớn lao của người đại biểu dân cử. Và như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn những người được cử vào Quốc hội phải: "Luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội"; góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vì vậy, mỗi cán bộ đoàn viên, CNVCLĐ hãy là một công dân gương mẫu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người để thực hiện quyền và trách nhiệm của cử tri trong Ngày hội của toàn dân Bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây