NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG, TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/01/2021

Thứ năm - 10/09/2020 02:45 7.098 0
Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 quy định nhiều điểm mới về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động, cụ thể như sau:
NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG, TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/01/2021
          1. Sửa đổi, bổ sung khái niệm về kỷ luật lao động
          Điều 117 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.
          Như vậy, so với quy định hiện hành, Bộ luật Lao động 2019 bổ sung thêm: kỷ luật lao động do người sử dụng lao động ban hành và do pháp luật quy định.
          2. Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc ban hành nội quy lao động
          Khoản 1 Điều 118 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung thêm trách nhiệm của người sử dụng lao động là phải ban hành nội quy lao động.
          Theo đó, tất cả người sử dụng lao động đều có trách nhiệm ban hành nội quy lao động.
          (Bộ luật Lao động hiện hành quy định người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản, không quy định trách nhiệm về việc ban hành nội quy lao động đối với người sử dụng lao động dưới 10 lao động).
          3. Quy định bổ sung nội dung của nội quy lao động
          Khoản 2 Điều 118 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
          “2. Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
          a) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
          b) Trật tự tại nơi làm việc;
          c) An toàn, vệ sinh lao động;
          d) Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
          đ) Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
          e) Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
          g) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;
          h) Trách nhiệm vật chất;
          i) Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.”
          Theo đó, so với quy định hiện hành, Bộ luật Lao động 2019 quy định trong nội quy lao động bổ sung thêm những nội dung sau: phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động; Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
          4. Sửa đổi, bổ sung về việc tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở về nội quy lao động
          So với quy định hiện hành, Khoản 3 Điều 118 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định bổ sung: khi sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, người sử dụng lao động cũng phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Tuy nhiên, chỉ áp dụng quy định tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
          (Bộ luật Lao động hiện hành quy định khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.)
          5. Sửa đổi cơ quan tiếp nhận đăng ký nội quy lao động
          Theo Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh.
          (Bộ luật Lao động hiện hành quy định: người sử dụng lao động phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, tức là UBND cấp tỉnh).
          6. Bổ sung quy định về việc ủy quyền cơ quan tiếp nhận đăng ký nội quy lao động
           Theo Khoản 5 Điều 119 Bộ luật Lao động năm 2019 thì căn cứ điều kiện cụ thể, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc đăng ký nội quy lao động theo quy định.
          7. Quy định bổ sung về việc gửi nội quy lao động đã đăng ký đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh
          Theo Khoản 4 Điều 119 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động có các chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt ở nhiều địa bàn khác nhau thì gửi nội quy lao động đã được đăng ký đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
          (Hiện hành thì quy định này được quy định trong nghị định do Chính phủ ban hành, chưa được luật hóa trong Bộ luật Lao động).
          8. Sửa đổi quy định về hồ sơ đăng ký nội quy lao động
          Điều 120 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
          “Hồ sơ đăng ký nội quy lao động bao gồm:
          1. Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;
          2. Nội quy lao động;
          3. Văn bản góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
          4. Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có).
          Theo đó:
          - Khoản 3 Điều 120 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi một trong các hồ sơ như sau: biên bản góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được thay bằng văn bản góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và chỉ áp dụng đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
          - Khoản 3 Điều 120 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi một trong các hồ sơ như sau: đối với các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất thuộc hồ sơ đăng ký nội quy lao động nếu có (quy định hiện hành không quy định trường hợp nếu có).
          9. Bổ sung quy định về hiệu lực của nội quy lao động đối với người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 lao động
          Điều 120 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định bổ sung: Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động ban hành nội quy lao động bằng văn bản thì hiệu lực do người sử dụng lao động quyết định trong nội quy lao động.
          (Bộ luật Lao động hiện hành không quy định việc người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động ban hành nội quy lao động bằng văn bản, do đó không quy định hiệu lực của nội quy lao động).
          10. Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động
          Điểm b Khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động năm 2019 thì khi xử lý kỷ luật lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên.
          Theo đó, người lao động không phải là thành viên của các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sởthì khi xử lý kỷ luật lao động không bắt buộc phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
          (Bộ luật Lao động hiện hành quy định phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở).
          11. Tách hình thức xử lý kỷ luật “kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức.” thành 02 hình thức riêng
          Điều 124 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
          “Hình thức xử lý kỷ luật lao động
          1. Khiển trách.
          2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
          3. Cách chức.
          4. Sa thải.”
          Theo đó, so với quy định hiện hành, Bộ luật Lao động 2019 tách hình thức xử lý kỷ luật “kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức” thành 02 hình thức riêng.
          12. Bổ sung trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
          Khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động.
          Theo đó, so với quy định hiện hành, Bộ luật Lao động 2019 bổ sung thêm trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải là quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động.
          13. Bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động
            Điều 127 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
          “Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động
          1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
          2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
          3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.”
          Theo đó, so với quy định hiện hành, Bộ luật Lao động 2019 bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động là: xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín; xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạmkhông thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
                                                                            Lê Văn Xá
                                                  PTP. Lao động-Việc làm-An toàn lao động

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây