NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG, THƯỞNG CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/01/2021

Thứ hai - 14/09/2020 04:36 7.702 0
Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 quy định nhiều điểm mới về tiền lương, thưởng liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động, cụ thể như sau:
NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG, THƯỞNG CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/01/2021

          1. Sửa đổi quy định về khái niệm tiền lương
          So với quy định hiện hành, Khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi cụm từ “mức lương của người lao động (có thể hiểu bao gồm: mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định” thành cụm từ “mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu”.
          2. Sửa đổi quy định về mức lương tối thiểu
          So với quy định hiện hành, Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi một số quy định về mức lương tối thiểu như sau:
          - Khoản 1 Điều 91 sửa đổi cụm từ “phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” thành cụm từ “nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. (thay “nhu cầu sống” bằng từ “mức sống” và bổ sung thêm “phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.”)
          - Khoản 2 Điều 91 sửa đổi quy định: mức lương tối thiểu được “xác lập theo vùng, ngành” thành quy định mức lương tối thiểu đượcxác lập theo vùng”(bỏ xác lập theo ngành); và sửa đổi quy định “xác định theo tháng, ngàythành quy định ấn định theo tháng, giờ” (thay từ “xác định” bằng từ “ấn định” và thay “theo tháng, ngày” bằng “theo tháng, giờ”).
          - Khoản 3 Điều 91 sửa đổi quy định: mức lương tối thiểu được điều chỉnh căn cứ theo “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” thành dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”, thay cụm từ “nhu cầu sống tối thiểu” thành “mức sống tối thiểu”; và bổ sung thêm các căn cứ điều chỉnhmức lương tối thiểu là: chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
          3. Bổ sung nguyên tắc xây dựng định mức lao động
          Khoản 2 Điều 93 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung nguyên tắc xây dựng định mức lao động như sau: “2. Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.”
          (Hiện hành thì quy định này được quy định trong nghị định do Chính phủ ban hành, chưa được luật hóa trong Bộ luật Lao động).
          4. Sửa đổi quy định về việc tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở về thang lương, bảng lương, định mức lao động
          Khoản 3 Điều 93 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định sửa đổi việc tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau: khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
          (Bộ luật Lao động hiện hành quy định: khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nơi không có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì tham khảo ý kiến của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở).
          5. Bỏ quy định gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện
          (Bộ luật Lao động hiện hành quy định: khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động người sử dụng lao động phải gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.)
          6. Bổ sung quy định ủy quyền việc nhận lương
          Theo quy định tại Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019, trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
          (Bộ luật Lao động hiện hành không quy định việc ủy quyền nhận lương).
          7. Bổ sung quy định người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động
          Theo quy định tại Khoản 2 Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
          (Bộ luật Lao động hiện hành chưa quy định nội dung này).
          8. Bổ sung các quy định về việc trả lương
          - Khoản 1 Điều 95 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận,năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc. Theo đó, bổ sung căn cứ trả lương là “tiền lương đã thỏa thuận”.
          - Khoản 2 Điều 95 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung quy định: Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.
          (Bộ luật Lao động hiện hành không quy định nội dung này).
          - Khoản 3 Điều 95 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung quy định: Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có). Theo đó, mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động.
          (Bộ luật Lao động hiện hành quy định người sử dụng lao động phải lập sổ lương).
          9. Sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức trả lương
          - So với quy định hiện hành, Khoản 1 Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2019 thay cụm từ “Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương”bằng cụm từNgười sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương”.
          - So với quy định hiện hành, Bộ luật Lao động năm 2019 bỏ quy định “duy trì hình thức trả lương trong một thời gian nhất định” và quy định “người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày khi thay đổi hình thức trả lương”.
          - Khoản 2 Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi quy định về trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng thì “người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản”bằng quy địnhngười sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.”
          10. Bổ sung quy định về thời điểm trả lương
          Khoản 2 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
          Theo đó, so với quy định hiện hành, bổ sung quy định “Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.”
          11. Sửa đổi quy định về trường hợp trả lương chậm
          Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
          Theo đó, so với quy định hiện hành, Bộ luật Lao động năm 2019 thay cụm từ “Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn” bằng cụm từ Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn”; và sửa đổi quy định “khi không thể trả lương đúng thời hạn” bằng quy định “nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên”.
          12. Sửa đổi, bổ sung quy định về tiền lương ngừng việc
          Theo Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu ngừng việc do nguyên nhân khách quan thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
          - Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
          - Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
          (Bộ luật Lao động hiện hành quy định, nếu ngừng việc do nguyên nhân khách quan thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, không quy định thời hạn ngừng việc bao lâu)
          13. Quy định mới về tạm ứng tiền lương
          - Khoản 1 Điều 101 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
          Theo đó, từ ngày 01/01/2021, người lao động được tạm ứng tiền lương mà không bị tính lãi.
          (Bộ luật Lao động hiện hành quy định: người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thoả thuận, không quy định tính lãi hay không tính lãi)
          - Khoản 2 Điều 101 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
          Theo đó, quy định cụ thể đối tượng không được tạm ứng tiền lương.
          (Bộ luật Lao động hiện hành quy định: người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân, trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự, không quy định cụ thể là nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự)
          - Khoản 3 Điều 101 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung quy định: khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
          (Bộ luật Lao động hiện hành không quy định nội dung này).
          14. Sửa đổi quy định “tiền thưởng” bằng quy định “thưởng”
          - Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
          Theo đó, so với quy định hiện hành thì Bộ luật Lao động năm 2019 thay cụm từ “tiền thưởng là khoản tiền” bằng cụm từ “thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác”.
          15. Sửa đổi quy định tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở về quy chế thưởng
          Khoản 2 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
          Theo đó, việc tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở chỉ áp dụng đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
          (Bộ luật Lao động hiện hành quy định: Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, nơi không có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì tham khảo ý kiến của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở).
                                                                            Lê Văn Xá
                                                  PTP. Lao động-Việc làm-An toàn lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây