Công đoàn nhà trường đồng hành với học sinh thiểu số ở đô thị vàng

Thứ sáu - 03/05/2024 04:19 55 0
Song hành với việc vận động học sinh đến trường, học sinh có nguy cơ bỏ học, bằng sự quan tâm cả vật chất và tinh thần, đoàn viên, nhân viên Trường THCS Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) cũng thường xuyên tổ chức các lớp phụ đạo để bổ trợ kiến thức cho các em học sinh người dân tộc thiểu số. “Chúng tôi sẽ không bỏ rơi học sinh nào lại phía sau”, thầy Trần Ngọc Định - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường quả quyết.
Thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ và chăm lo

Qua gần 32 năm hình thành và phát triển, Trường THCS Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) luôn tự hào là một trong những đơn vị đi đầu về chất lượng giáo dục của huyện nhà, xứng đáng với niềm tin, kì vọng của nhân dân và lãnh đạo các cấp. Trong sự trưởng thành và đi lên của nhà trường, lực lượng công đoàn đã có những đóng góp quan trọng, sát cánh cùng với chuyên môn tạo nên những thành tích xuất sắc.
1
Công đoàn cơ sở Trường THCS Lao Bảo. Ảnh: ĐVCC.
Công đoàn cơ sở Trường THCS Lao Bảo hiện có 55 viên chức, lao động, được chia thành 8 tổ công đoàn gắn với 7 tổ chuyên môn và 1 tổ văn phòng. Đội ngũ có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, trên chuẩn đào tạo; có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tâm huyết với nghề nghiệp.

Thầy Trần Ngọc Định - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Lao Bảo cho biết: “Công đoàn luôn quan tâm, phấn đấu thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của đoàn viên, lao động khi tham gia các hội đồng lương, thi đua khen thưởng, đánh giá viên chức, người lao động hàng năm; tham gia xây dựng, góp ý kiến, đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế về chế độ chính sách có liên quan đến viên chức, lao động; chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với đoàn viên đảm bảo công khai, công bằng trong nâng lương, nâng ngạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ…”

Cô Nguyễn Thị Nga - Trưởng Ban Thanh tra nhân dân của trường cho biết: “Nhà trường đã làm tốt công tác dân chủ trong việc công khai công tác quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục; phối hợp với công đoàn xây dựng Quy chế dân chủ của đơn vị và để toàn hội đồng sư phạm tham gia góp ý, sửa đổi từ đầu mỗi năm học; các tổ chức đoàn thể trong trường thể hiện đầy đủ và thực chất chức năng đại diện của mình một cách hiệu quả và thiết thực. Cơ chế hoạt động dân chủ trong nhà trường được thực hiện một cách nền nếp, chất lượng, không có tình trạng “bằng mặt mà không bằng lòng” hay “dân chủ hình thức”.

Theo lãnh đạo nhà trường, công đoàn còn làm tốt nhiệm vụ chăm lo cho đoàn viên. Thường xuyên tham mưu, phối hợp với nhà trường chăm lo đời sống cho đoàn viên, lao động như: hỗ trợ trang phục cho đoàn viên vào đầu mỗi năm học; tổ chức thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ; chăm lo tết cho đoàn viên đồng thời đề xuất lên công đoàn cấp trên hỗ trợ cho những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo công bằng, kịp thời; đề xuất cho đoàn viên xét nghiệm, khám chữa bệnh miễn phí…
2 1
Trường THCS Lao Bảo tham gia các hoạt động do Liên đoàn Lao động huyện Hướng Hóa tổ chức. Ảnh: ĐVCC.
Nhờ sự chăm lo của công đoàn, giáo viên và nhân viên ở Trường THCS Lao Bảo xem nơi này như mái nhà chung để hoàn thiện bản thân, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên dạy bộ môn âm nhạc, mới về trường được ba năm tâm sự rằng, bước vào ngôi trường mới nhiều bỡ ngỡ và lo sợ, nhưng sau một thời gian ngắn công tác tại trường, cô cảm thấy thân quen, ấm áp như đã gắn bó từ lâu. Đó là nhờ sự quan tâm, động viên và giúp đỡ từ Ban giám hiệu, Ban chấp hành công đoàn cùng các thầy cô trong tổ chuyên môn. Từ một người nhút nhát, rụt rè, làm gì cũng sợ sai nay tôi đã trở nên mạnh dạn, tự tin hơn.

“Sau 2 năm công tác, nhờ sự động viên, bồi dưỡng của công đoàn và chuyên môn, tôi đã mạnh dạn đăng kí dự thi và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, chiến sĩ thi đua cơ sở. Đó là thành quả hết sức to lớn trong sự nghiệp của tôi. Tôi luôn biết ơn nhà trường, công đoàn và tổ chuyên môn đã giúp đỡ, tạo điều kiện để tôi được làm việc trong môi trường năng động, đoàn kết, thân thiện và đạt được kết quả như ngày hôm nay”, cô Nga chia sẻ.

Còn nhớ trận lụt năm 2019, nhà cửa của nhiều giáo viên bị ngập sâu, nhiều tài sản bị nước lũ nhấn chìm. Nhưng nước rút, giữa ngổn ngang bùn đỏ, lãnh đạo nhà trường cùng các tổ công đoàn đã chia nhau ra, đến từng nhà để bắt tay vào việc, giúp đỡ đoàn viên khắc phục hậu quả, sắp xếp lại nhà cửa, động viên về vật chất, tinh thần, giúp đoàn viên vượt qua khó khăn, an tâm công tác.

“Nhờ sự chăm lo của nhà trường và công đoàn nên chúng tôi có cuộc sống ổn định, an tâm công tác, mỗi ngày đến trường để làm việc đã trở thành niềm vui của tất cả anh em giáo viên chúng tôi. Cả công đoàn là một khối đoàn kết, gần gũi, gắn kết yêu thương, thực sự là một tổ ấm”, cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên môn Ngữ văn, có thâm niên công tác tại trường hơn 25 năm chia sẻ.

Phối hợp cùng chuyên môn tạo nên những thành tích đáng tự hào

Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của đợn vị, Ban Chấp hành công đoàn đã phối hợp với chuyên môn phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong đơn vị, trong đó trọng tâm là phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Hiệu quả từ các phong trào thi đua, chất lượng dạy và học của nhà trường không ngừng được nâng lên, gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào.
3 1
Lãnh đạo nhà trường cùng công đoàn tham gia vận động học sinh đến trường. Ảnh: ĐVCC.
Theo thầy Trần Ngọc Định, chất lượng đại trà hằng năm của trường đều đạt trên 50% khá, giỏi về học lực; trên 70% tốt, khá về hạnh kiểm. Chất lượng mũi nhọn là bước đột phá mới trong công tác giáo dục của đơn vị. Nhiều học sinh đoạt giải cao qua các kì thi học sinh giỏi, học sinh năng khiếu.

Điển hình trong hai năm liên tiếp gần đây, đơn vị có 55 học sinh đoạt giải học sinh giỏi văn hoá cấp huyện, 23 học sinh đoạt giải cấp tỉnh. Trong đó, có ba giải Nhất cấp tỉnh thuộc môn môn Vật lí, Tiếng Anh và GDCD; hội thi Hội thao học đường cấp huyện có 17 giải. Trong đó có 06 giải Nhất, 04 giải Nhì, 07 giải Ba và 03 giải đồng đội, xếp thứ hai toàn đoàn.

Ngoài ra, có 06 học sinh đoạt giải Nhì trong Hội thi Tài năng tiếng Anh cấp huyện, 01 học sinh đoạt Huy chương vàng trong kì thi IOE cấp quốc gia, 02 học sinh đoạt giải Khuyến khích cấp quốc gia cuộc thi: “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”. Trong 5 năm qua, có 22 học sinh đỗ vào trường chuyên Lê Quý Đôn. Trong đó, có em Lê Trần Phương Mai đỗ thủ khoa đầu vào chuyên Hóa.

“Trong 5 năm qua, đơn vị có 100% giáo viên dạy giỏi cấp trường, 35 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 21 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; có hơn 150 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học được các cấp có thẩm quyền công nhận; có 37 cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, 03 cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 03 cán bộ, giáo viên được Bộ trưởng Bộ giáo dục tặng Bằng khen. Nhiều giáo viên và cán bộ quản lí là những hạt nhân tiêu biểu của phong trào thi đua”, thầy Định cho biết thêm.

Thầy giáo Phạm Xuân Kiên, một giáo viên giỏi của trường có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen, bày tỏ: “Bản thân tôi rất xúc động và tự hào khi nhận được phần thưởng cao quý này. Cảm ơn Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành công đoàn, cảm ơn tập thể sư phạm nhà trường đã quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ, động viên tôi trong quá trình công tác. Bản thân sẽ không ngừng rèn luyện, phấn đấu để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”.

Bên cạnh thành quả đó, tập thể Trường THCS Lao Bảo còn những vất vả lo toan trong sự nghiệp trồng người của mình. Dù trường đóng tại nơi được mệnh danh là đô thị vàng, song có những khó khăn mà những người trong cuộc mới thấu hiểu. Trường có hơn 1.100 học sinh, có hơn 10% là con em đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nhiệm vụ mỗi đoàn viên công đoàn dành nhiều thời gian để chăm lo cho số học sinh này nhiều hơn 90% còn lại.
4
Thầy Bùi Ngọc Thành đón nữ sinh đồng bào tại nhà đến trường cho kịp giờ thi. Ảnh: ĐVCC.
Học sinh dân tộc thiểu số được chia đều cho các lớp, không tập trung học một lớp riêng như quy định. Mỗi lớp có 3 - 5 học sinh, được dạy chương trình chung nhưng nhiều em không theo kịp các em người Kinh vì những lí do khác nhau.

“Các em người dân tộc thiểu số còn thiếu sự chăm sóc, quan tâm của phụ huynh nên tình trạng đi học không chuyên cần còn là vấn đề nan giải. Bản thân tôi đã nhiều lần sáng sớm lên gọi học sinh ở khóm Ka Tăng, Khe Đá đến lớp sau nhiều lần vắng mặt. Mỗi lần thức các em dậy để đến trường là một cuộc thương thảo không khác gì các chuyên gia đàm phán. Chúng tôi đã dỗ dành, động viên rất nhiều. Đưa ra những bài học từ những học sinh bỏ học của lớp trước. Rằng không học thì làm sao sau này có việc làm, không học lấy đâu kiến thức để sau này thành người, làm sao có khả năng lo cho biết thân…”, thầy giáo Định chia sẻ.

Theo thầy Định, ngoài chế độ miễn học phí và nhiều ưu tiên khác, học sinh người thiểu số của nhà trường luôn được sự chăm sóc đặc biệt từ công đoàn giáo viên. Các giáo viên chủ nhiệm luôn bám sát những học sinh này, thường xuyên đến thăm hỏi, giúp đỡ gia đình các em. Ngoài sách vở được nhà trường kêu gọi nguồn lực xã hội giúp đỡ, giáo viên chủ nhiệm, nhà trường còn hỗ trợ áo quần, giày dép và các điều kiện khác để các em thuận lợi hơn trong học tập. “Có giáo viên còn hỗ trợ tiền ăn sáng hằng tháng cho các em. Đó là động lực để các em đến trường trong sự bao dung, đùm bọc của thầy cô và bạn bè”, thầy Định tâm sự.

Kể về “con đường” vận động các em đến trường, đó là một câu chuyện dài với nhiều cung bậc cảm xúc. Cô Trần Thị Lan, một giáo viên kì cựu trong công tác chủ nhiệm lớp, tâm sự: “Lớp của tôi chủ nhiệm có 6 học sinh dân tộc thiểu số sống ở các bản Ka Tăng, Khe Đá. Các cháu thường nghỉ học không có lí do dài ngày, thường xuyên bỏ tiết, trốn học. Giáo viên phải đến từng nhà vận động. Đường đến nhà của các em chênh vênh khó đi, phải vượt qua dốc cao, suối sâu. Đã thế, không phải lúc nào đến cũng gặp được các em, có những hôm phải chờ đến tối mịt hoặc đi từ tinh mơ mới gặp được. Dỗ dành đến trường được vài ngày các em lại “biệt tăm” một lần, điều này làm ảnh hưởng đến nền nếp của lớp và nhà trường. Tuy vậy, tôi không bỏ cuộc, vẫn kiên trì thuyết phục, đeo bám đến cùng”.

Còn cô Trần Nữ Nhân tếu táo kể lại: “Nhiều lần tôi lên khóm Ka Tăng vận động học sinh. Thấy tôi từ xa, một nhóm trẻ con chơi quanh đó kêu lên: cô hiếp... cô hiếp... (cô của bạn Hồ Văn Hiếp). Nghe thế, em Hiếp bỏ chạy, nhảy tót lên cây xoài, nói vọng xuống, cô đừng đến nữa, em không đi học nữa mô”.
5 1
Cô giáo Nguyễn Thị Nga đến tận nhà vận động học sinh của mình đến trường. Ảnh: ĐVCC.
Nhiều giáo viên đã áp dụng chương trình “chiêu dụ” học sinh bằng nhiều cách. Thầy Thành dùng cách “mưa dầm thấm lâu”, cô Hiền, cô Vy, cô Trinh... dùng hình thức “treo thưởng”. Nếu cháu nào đi học chuyên cần, cuối tuần sẽ được cô thưởng quà (sách vở, đồ dùng học tập, bánh kẹo và cả tiền). Đó là động thái kích thích các em đi học chuyên cần.

Cô Lê Thị Hồng, một giáo viên năng động, nhiệt tình kể về một trường hợp khó vận động của lớp mình: “Sau nhiều lần vận động, kể cả có sự tham gia của Ban Giám hiệu, Đồn Biên phòng, đại diện khóm, bản thị trấn nhưng vẫn không khơi dậy việc học trong em, tôi tưởng chừng phải bỏ cuộc, chấp nhận cho nghỉ học. Thế rồi, ngày hôm sau, khi tôi đem giấy tờ đi để xin chữ kí và xin ý kiến từ phía gia đình, một câu nói của Bà ấy (mẹ em Vòn) làm bổn phận làm mẹ trong tôi thức tỉnh: “Bây giờ đến nhà trường cũng thả rơi nó với cuộc đời, thì Cử (tôi) làm mẹ biết phải làm sao đây”. Và thế là tôi lại đem hồ sơ về nhà rồi cất giấu nó đi, lại tiếp tục đến gặp thầy giáo hiệu trưởng, nhưng lần này không phải là đề cập vấn đề cho em ấy nghỉ học hay kể tội danh em ấy nữa, chỉ là thưa thầy cho em cố gắng để tiếp tục được vận động em trở lại trường. Bây giờ có ai hỏi tôi có cách gì hay về việc vận động học sinh đến trường không, tôi cũng xin mạnh dạn trả lời rằng không có cách nào cả, chỉ là từ “cái tâm” của giáo viên chủ nhiệm và một người đang làm mẹ”…

Không chỉ vậy, còn rất nhiều câu chuyện bi hài khác về công tác vận động, giáo dục học sinh dân tộc thiểu số mà qua lời kể của giáo viên, chúng tôi thấu hiểu được sự vất vả, hi sinh; sự đồng lòng đồng sức của tập thể cán bộ, đoàn viên đóng góp chung cho sự nghiệp giáo dục của nhà trường.
6 1
Lãnh đạo Nhà trường phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo vận động học sinh đến trường.
Song hành với việc vận động học sinh đến trường, học sinh có nguy cơ bỏ học bằng sự quan tâm cả vật chất và tinh thần, đoàn viên, nhân viên nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các lớp phụ đạo để bổ trợ kiến thức cho các em học sinh người dân tộc thiểu số. “Chúng tôi sẽ không bỏ rơi học sinh nào lại phía sau”, thầy Trần Ngọc Định quả quyết.

Thiếu tá Nguyễn Văn Sáu - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết, cũng như nhiệm vụ chính trị của lực lượng biên phòng luôn đồng hành với đồng bào dân tộc thiểu số, cư dân biên giới, chúng tôi thấu hiểu hết sự khó khăn của các thầy cô trong việc vận động học sinh đến trường. Đồng cảm với những khó khăn đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo luôn sát cánh với nhà trường trong việc chăm lo, giúp đỡ các em học sinh người Vân Kiều tại địa bàn thị trấn Lao Bảo.

Do đặc thù địa bàn biên giới, tình hình tệ nạn xã hội diễn ra phức tạp, nếu không có sự vào cuộc của nhà trường, xã hội thì học sinh là đối tượng rất dễ bị tiếp cận, xâm nhập, đặc biệt là học sinh nghỉ học sớm, bố mẹ ít quan tâm, giáo dục.

“Chúng tôi đánh giá cao cách làm của nhà trường đã bám địa bàn, thấu cảm với tình hình từng học sinh để động viên, hỗ trợ các em. Thời gian tới, lực lượng biên phòng sẽ tiếp tục đồng hành với nhà trường để giảm thiểu học sinh bỏ học”, Thiếu tá Nguyễn Văn Sáu chia sẻ.

 
BÀI DỰ THI CUỘC THI VIẾT "CÔNG NHÂN VÀ CÔNG ĐOÀN QUẢNG TRỊ" NĂM 2024

Tác giả bài viết: Thảo Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây