Nâng cao chất lượng công tác nữ công trong chăm lo cho lao động nữ

Thứ năm - 30/11/2023 23:04 189 0
Trong khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, chiều ngày 30/11/2023 tại Tổng Công ty May 10, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức diễn đàn chuyên đề số 7 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ và công tác xây dựng gia đình công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”
405218950 659868636325484 5979143100120506439 n

Diễn đàn dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Hồng Vân - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam. Cùng dự có các đồng chí: Vũ Anh Đức - Chủ tịch Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Bùi Thị Hồng - Trưởng Ban Tổ chức, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam; Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cùng hơn 100 đại biểu tham dự đến từ LĐLĐ các tỉnh Quảng Trị, Bến Tre, Thái Nguyên, Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh Long, Bình Định,... với nhiều tham luận.
 
405420339 659868692992145 3551831978012307481 n

Tại diễn đàn các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề chính để làm rõ hơn, sâu sắc hơn vai trò của Ban Nữ công công đoàn trong công tác tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn về công tác nữ công được quy định trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam, cụ thể như sau:

Thứ nhất, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò Ban Nữ công quần chúng trong đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo đảm việc làm bền vững cho lao động nữ và những vấn đề đặt ra đối với công tác nữ công tình hình mới.

Thứ hai, kinh nghiệm trong đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng hỗ trợ nữ đoàn viên, người lao động về tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản và thúc đẩy mô hình “sức khỏe của bạn”.

Thứ ba, vai trò của Ban Nữ công trong tham mưu với Ban Chấp hành công đoàn xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; đổi mới nội dung, hoạt động và giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; những hoạt động thiết thực trong công tác chăm lo cho con công nhân lao động (CNLĐ), tạo sự gắn kết giữa người lao động (NLĐ) với doanh nghiệp và công đoàn cơ sở.

 
405338710 659868659658815 6917231816198732169 n 1

Là một trong những địa phương tham gia chương trình giao lưu tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị đã có những chia sẻ về một số kết quả nổi bật trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho lao động nữ trong nhiệm kỳ 2018-2023. Theo đó, trong nhiệm kỳ, các cấp Công đoàn đã thể hiện vai trò đại diện của mình trong việc chủ động tham gia ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tham gia xây dựng chính sách của địa phương liên quan đến người lao động, trong đó có nhiều chính sách liên quan trực tiếp đến lao động nữ như: Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị: về thực hiện chế độ lương và hỗ trợ BHXH, BHYT, BHTN đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các trường mầm non công lập tỉnh Quảng Trị; Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035; Đề án đầu tư xây dựng phòng ở công vụ cho giáo viên các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, chính sách cho giáo viên dạy liên trường, điểm trường; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ giai đoạn 2022- 2026...

Chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ đoàn viên, người lao động và phản ánh, đề xuất, kiến nghị với công đoàn cấp trên, kiến nghị chủ sử dụng lao động quan tâm, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; chăm lo và cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sống cho lao động nữ như: nhà tắm, nhà vệ sinh, bếp ăn tập thể, nhà ở, nhà trẻ, nhất là ở các khu công nghiệp, các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có đông lao động nữ; tham gia đối thoại, xây dựng, sửa đổi, bổ sung vào nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp những nội dung liên quan đến lao động nữ. Đến nay, trong số 91% doanh nghiệp từ 10 lao động trở lên (có công đoàn) có TƯLĐTT, các bản TƯLĐTT đều có từ 1 đến 3 điểm có lợi hơn cho lao động nữ so với quy định pháp luật như: thời gian làm việc của lao động nữ mang thai, nghỉ thai sản, hỗ trợ tiền gửi trẻ cho con CNLĐ dưới 6 tuổi, hỗ trợ bữa ăn phụ cho phụ nữ mang thai, bồi dưỡng nặng nhọc độc hại bằng hiện vật, tặng quà nhân ngày Quốc tế phụ nữ, Ngày Phụ nữ Việt Nam hằng năm cho lao động nữ.

Công tác chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ được quan tâm. LĐLĐ tỉnh cũng đã phối hợp với Sở Y tế và Công đoàn ngành Y tế tổ chức 05 chương trình “Sức khỏe của bạn”, qua đó tổ chức khám chuyên khoa phụ sản và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 3.000 nữ CNLĐ. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, LĐLĐ tỉnh phối hợp tư vấn, khám sức khỏe hậu COVID-19, cấp thuốc miễn phí cho gần 2.000 đoàn viên nữ. Ban Nữ công Công đoàn các cấp đã xây dựng kế hoạch, chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đồng cấp tổ chức 474 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho lao động nữ tại đơn vị, doanh nghiệp.

Các hoạt động chăm lo cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn được BNC công đoàn các cấp quan tâm triển khai thông qua các mô hình: “Quỹ tiết kiệm quay vòng”, “Nuôi heo đất – Trao yêu thương”, chương trình “Áo dài yêu thương”, “Mẹ đỡ đầu – Chắp cánh yêu thương”; xây dựng mới và sửa chữa nhà “Mái ấm Công đoàn”, thăm hỏi tặng quà nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, khen thưởng, động viên kịp thời con CNVCLĐ vượt khó, học giỏi.... qua đó, đã trao tặng hàng ngàn suất quà trị giá hàng tỷ đồng cho nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid, con nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động nhân dịp Tháng Công nhân, Tháng an toàn, vệ sinh lao động, Tết Nguyên đán. Đồng thời tạo điều kiện cho các gia đình nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn từ các nguồn quỹ nữ công, vốn vay giải quyết việc làm để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.

Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Giỏi việc nước - đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được triển khai với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với đặc thù từng địa phương, đơn vị. Qua đó, động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, vừa lao động sản xuất, học tập, công tác; tích cực cập nhật kiến thức mới, tích lũy kinh nghiệm hay, tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động sản xuất. 

Để nâng cao chất lượng hoạt động Ban nữ công quần chúng, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất 3 giải pháp cần tập trung trong thời gian tới:

Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm của BCH, BTV công đoàn các cấp trong công tác chỉ đạo, nhằm đẩy mạnh hoạt động của Ban nữ công quần chúng CĐCS để ban nữ công phát huy tốt vai trò của mình, trở thành địa chỉ tin cậy cho nữ đoàn viên, CNVCLĐ. Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn Ban nữ công công đoàn cơ sở. Cần quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ nữ công, hướng dẫn Ban nữ công tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của chị em, quan tâm đến những vấn đề thiết thân đối với lao động nữ.

Thứ 2, nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác tham gia quản lý và phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ và có những kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền có những biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động. Đặc biệt là tuân thủ các quy định của Bộ luật Lao động, trong đó tăng cường trách nhiệm thực thi việc ký hợp đồng lao động; tuân thủ các quy định về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động. Bên cạnh đó, đề xuất các cơ quan quản lý đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật liên quan tới người lao động.

Thứ 3, đổi mới và triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp... Tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của công nhân, lao động nữ để họ chủ động tiếp cận các chính sách, chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề. Tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp tổ chức các hội thi nâng cao tay nghề, các lớp đào tạo lại góp phần nâng cao năng lực cho lao động nữ, tạo điều kiện cho họ có môi trường học tập, nâng cao kiến thức kỹ năng trong công việc, chuyên môn và cả kỹ năng kiến thức trong tổ chức cuộc sống gia đình.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây