Bác Hồ với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn

Chủ nhật - 17/05/2020 22:17 4.007 0
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ kính yêu không những là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, mà còn là người đặt cơ sở và lý luận cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Bác sớm nhận thức và khẳng định sứ mệnh lịch sử, vai trò to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam và tổ chức Công đoàn trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
images1962313 1
Bác Hồ thăm các gia đình công nhân Trường cán bộ Công đoàn, năm 1961.Ảnh tư liệu.
Với Bác Hồ, Công đoàn là trường học của chủ nghĩa cộng sản. Muốn thực hiện tốt, cán bộ công đoàn phải thấm nhuần và giáo dục cho công nhân: Ý thức làm chủ tập thể và cần kiệm xây dựng nước nhà.
Người yêu cầu công đoàn các cấp phải đoàn kết và phối hợp giúp đỡ nhau giữa các tổ chức và các ngành nghề; chống tư tưởng chờ đợi, ỷ lại và cục bộ; phải có kế hoạch bồi dưỡng các anh hùng và chiến sĩ thi đua để phát huy vai trò kiểu mẫu và tác dụng đầu tàu của họ; đối với anh em lao động trí óc và cán bộ khoa học kỹ thuật, phải có kế hoạch giúp đỡ họ không ngừng tiến bộ. 
Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động, phải thực sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân viên chức. Trong nội bộ tổ chức Công đoàn cũng phải thực hành dân chủ thực sự, đi đôi với tôn trọng sự lãnh đạo tập thể. Mỗi khi ra một chỉ thị, nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của quần chúng, tìm hiểu trình độ tiếp thu của quần chúng để biết kết quả thực tế mà uốn nắn sửa chữa. Bất cứ làm gì cũng đều phải chuẩn bị cho tốt, có kế hoạch làm cho thiết thực.
Nói chuyện tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1961, Bác nhấn mạnh: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Nếu Công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng”.
Năm 1969, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Công đoàn Việt Nam, Bác nêu rõ: “Công đoàn cần tập trung vào việc phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong việc tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước để thực hiện tốt ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật và cách mạng tư tưởng, văn hóa. Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân có quyền thực sự trong xí nghiệp, có quyền phê bình tất cả mọi việc và mọi người trong xí nghiệp. Họ có quyền phát biểu về mọi vấn đề quản lý xí nghiệp, sản xuất, đời sống... Phải thật sự dân chủ trong việc bầu cử các ban chấp hành công đoàn, bầu những người đại diện thực sự cho họ. Tóm lại, phải làm cho công nhân có ý thức về toàn bộ hoạt động của xí nghiệp và đời sống kinh tế và văn hóa của xã hội, có như vậy mới phát huy được vai trò làm chủ của giai cấp công nhân”.
bac ho 1
Bác Hồ gặp gỡ công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hà Nội năm 1955. Ảnh tư liệu.
Phát biểu tại Hội nghị cán bộ công đoàn cơ sở toàn miền Bắc năm 1962, Bác mong muốn, cán bộ công đoàn cần có tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, quyết tâm khắc phục khó khăn làm tròn nhiệm vụ mà Đảng đã giao phó. Cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu về quản lý kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Cán bộ Công đoàn “phải giỏi cả về chính trị, thạo về kinh tế” thì mới lãnh đạo được đội ngũ công nhân ngày càng phát triển lại có trình độ cả về tư tưởng văn hóa, kỹ thuật.
Bác nhắc nhở: Cán bộ công đoàn phải tham gia lao động, gần gũi công nhân viên chức. Cán bộ công đoàn mà xa công nhân thì làm tròn nhiệm vụ làm sao được? Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn phải đoàn kết nhất trí. Phải kiên quyết xây dựng cho được sự đoàn kết nhất trí trong các hệ thống công đoàn.
Trong công tác: “Cán bộ công đoàn phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bàn bạc với công nhân”. Mỗi công nhân, viên chức phải tự nguyện, tự giác giữ kỷ luật lao động, phải làm đủ 8 giờ vàng ngọc, phải giữ gìn của công và thực hành tiết kiệm.
Người khẳng định: Nước ta nghèo, muốn sung sướng thì phải cần cù lao động, coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, là nguồn tạo nên hạnh phúc của mọi người và cho cả thế hệ mai sau. Cán bộ, công nhân, viên chức đã hiểu như vậy cho nên đã cố gắng làm việc tốt. Nhưng vẫn còn một số chưa hiểu đúng như thế cho nên lười biếng lao động.
Bác lưu ý: “Nếu ai cũng hăng hái làm mà có một số công nhân lười cũng không được. Muốn giữ kỷ luật lao động phải có tinh thần hăng hái, có tính sáng tạo. Tính hăng hái, sáng tạo tỏ ra ở chỗ thi đua. Thi đua không phải là tranh đua. Mọi người phải cố gắng tiến bộ, không giấu nghề, người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ”.
Trong quá trình phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam, bên cạnh sự quan tâm về xây dựng, củng cố tổ chức, Bác Hồ cũng luôn luôn nhắc nhở kêu gọi giai cấp công nhân vận động phong trào thi đua ái quốc. Từ ý kiến của Bác, Công đoàn Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua nổi tiếng và đạt được những kết quả vô cùng to lớn như: Phong trào “Thi đua ái quốc”, “Tăng gia sản xuất”, “Năng suất - chất lượng - hiệu quả”, “Lao động giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, "Sáng kiến, tiết kiệm", "Phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn"...
Trong suốt cuộc đời, Người luôn có tình cảm yêu thương đặc biệt, dành nhiều thời gian cho việc xây dựng giai cấp công nhân và sự phát triển của tổ chức Công đoàn. Người luôn có những mong muốn mãnh liệt trong việc xây dựng một giai cấp tiên phong, tiên tiến, hiện đại, tiêu biểu cho đất nước, dân tộc Việt Nam. 
Cho đến phút cuối đời, Người vẫn dành trọn vẹn niềm tin sắt đá vào bản lĩnh, sức mạnh của giai cấp công nhân, bởi vì hơn ai hết, Người hiểu sâu sắc rằng: Tương lai và tiền đồ dân tộc phụ thuộc phần lớn vào giai cấp tiền phong này.
Những quan điểm và lời dạy của Bác về Công đoàn và cán bộ công đoàn kể từ lần cuối cùng Bác gặp các đồng chí lãnh đạo công đoàn vào tháng 7/1969, đến nay đã hơn 50 năm. Từ đó đến nay, nhất là từ sau ngày đất nước đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã phát triển không ngừng. Kiến thức và trình độ nghề nghiệp của giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức được nâng cao. Tổ chức Công đoàn và cán bộ công đoàn không ngừng đổi mới, làm tốt chức năng chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Cán bộ công đoàn Việt Nam vẫn luôn ghi sâu những lời dạy ân tình của Bác: Muốn tổ chức và phát triển lực lượng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có Công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt.

 

Tác giả bài viết: Minh Đức (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây