Những điểm mới về tranh chấp lao động có hiệu lực từ ngày 01/01/2021

Thứ ba - 22/09/2020 21:01 10.204 0
Từ ngày 01/01/2021, Bộ luật Lao động 2019 bắt đầu có hiệu lực với nhiều điểm mới về tranh chấp lao động liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động:
1. Sửa đổi, bổ sung quy định về định nghĩa tranh chấp lao động
          So với quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 sửa đổi, bổ sung quy định về định nghĩa tranh chấp lao động như:
          - Bổ sung thêm các loại tranh chấp trong tranh chấp lao động: Tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
          - Đối với tranh chấp lao động cá nhân, bổ sung thêm các loại tranh chấp: Giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
          - Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền, bổ sung thêm tranh chấp: Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.
          2. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp
          Khoản 2 Điều 180 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.”. Theo đó, sửa đổi nguyên tắc: “Bảo đảm thực hiện hoà giải, trọng tài…” bằng nguyên tắc: “Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài…”.
          Khoản 5 Điều 180 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý”.Theo đó, bổ sung quy định: Việc giải quyết tranh chấp lao động được tiến hành theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.
          3. Bổ sung trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về lao động trong giải quyết tranh chấp lao động
          So với Bộ luật Lao động năm 2012, Khoản 3 Điều 181 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về lao động trong giải quyết tranh chấp lao động là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.
          4. Bổ sung trách nhiệm của hòa giải viên
          Khoản 1 Điều 184 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Hòa giải viên lao động là người do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động”.
          Theo đó, bổ sung trách nhiệm của hòa giải viên trong việc hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
          5. Sửa đổi các quy định về Hội đồng trọng tài lao động
          5.1. Bổ sung chức danh trọng tài viên và chế độ bổ nhiệm
          Khoản 1 Điều 185 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng trọng tài lao động, bổ nhiệm Chủ tịch, thư ký và các trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động. Nhiệm kỳ của Hội đồng trọng tài lao động là 05 năm.”
          Theo đó, bổ sung chức danh trọng tài viên; Chủ tịch, thư ký và các trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm.
          5.2. Sửa đổi số lượng Hội đồng trọng tài lao động
          Theo Khoản 2 Điều 185 Bộ luật Lao động năm 2019 thì số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, ít nhất là 15 người (quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 là không quá 7 người); số lượng ngang nhau do các bên là cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, công đoàn cấp tỉnh và tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đề cử.
          5.3. Bổ sung tiêu chuẩn và chế độ làm việc của trọng tài viên lao động
          TheoKhoản 3 Điều 185 Bộ luật Lao động năm 2019 thì tiêu chuẩn và chế độ làm việc của trọng tài viên lao động được bổ sung như sau:
            - Trọng tài viên lao động là người hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm trong lĩnh vực quan hệ lao động, có uy tín và công tâm;
          - Khi đề cử trọng tài viên lao động theo quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, công đoàn cấp tỉnh, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động có thể cử người của cơ quan, tổ chức mình hoặc cử người khác đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đối với trọng tài viên lao động theo quy định;
          - Thư ký Hội đồng trọng tài lao động thực hiện nhiệm vụ thường trực của Hội đồng trọng tài lao động. Trọng tài viên lao động làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.
          5.4. Bổ sung quy định về Ban trọng tài lao động
          Theo quy định tài Khoản 4 Điều 185 Bộ luật Lao động năm 2019 thì:
          Khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo quy định tại các điều 189, 193 và 197 của Bộ luật này, Hội đồng trọng tài lao động quyết định thành lập Ban trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp như sau:
          - Đại diện mỗi bên tranh chấp chọn 01 trọng tài viên trong số danh sách trọng tài viên lao động;
          - Trọng tài viên lao động do các bên lựa chọn thống nhất lựa chọn 01 trọng tài viên lao động khác làm Trưởng Ban trọng tài lao động;
          - Trường hợp các bên tranh chấp cùng lựa chọn một trọng tài viên để giải quyết tranh chấp lao động thì Ban trọng tài lao động chỉ gồm 01 trọng tài viên lao động đã được lựa chọn.
          6. Bổ sung hành vi cấm hành động đơn phương trong khi tranh chấp lao động đang được giải quyết
            So với bộ luật Lao động năm 2012, Điều 186 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung hành vi cấm hành động đơn phương trong khi tranh chấp lao động đang được giải quyết như sau: Khi tranh chấp lao động đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn theo quy định của Bộ luật này thì không bên nào được hành động đơn phương chống lại bên kia.
          7. Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
          Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
          (Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 thì Hội đồng trọng tài lao động không có thẩm quyền này).
          8. Bổ sung các tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết
          So với bộ luật Lao động năm 2012, Khoản 1 Điều 188Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết: Tranh chấp về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; tranh chấp giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
          9. Sửa đổi trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
          Khoản 7 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp: Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết; Yêu cầu Tòa án giải quyết.
          Theo đó, Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung quy định các bên tranh chấp có quyềnYêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết.
          10. Bổ sung trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động
          Điều 189 Bộ luật Lao động năm 2019 quy địnhbổ sung trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động như sau:
            “1. Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 188 của Bộ luật này. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
          2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
          3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
          4. Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
          5. Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.”
          (Bộ luật Lao động năm 2012 không quy định trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động)
          11. Bổ sung quy định về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
          Điều 190 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung các thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân như sau: Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm; Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
          (Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải là 06 tháng và thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết là 01 năm, giữ nguyên theo quy định của Bộ luật năm 2012).
          12. Sửa đổi thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền
          Điều 191 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
          “1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm:
          a) Hòa giải viên lao động;
          b) Hội đồng trọng tài lao động;
          c) Tòa án nhân dân.
          2. Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.”
          Theo đó, Bộ luật Lao động năm 2019 bãi bỏ “thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện”, bổ sung “thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động” và bổ sung quy định “trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết thì Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động”.
          13. Bổ sung trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động
          Điều 193 Bộ luật Lao động năm 2019 quy địnhbổ sung trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động như sau:
            “1. Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.
          2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
          3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
          Đối với tranh chấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 179 của Bộ luật này mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết mà lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
          4. Trường hợp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều này thì trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
          5. Khi hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
          6. Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.”
          (Bộ luật Lao động năm 2012 không quy định trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động)
          14. Sửa đổi bổ sung quy định về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền
          Điều 194 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi, bổ sung thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền như sau: Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm; Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.
          (Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải sửa đổi từ 01 năm thành 6 tháng; thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết là 01 năm, giữ nguyên theo quy định của Bộ luật năm 2012).
          15. Bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
          So với quy định của Bộ luật năm 2012, Điều 195 Bộ luật Lao động năm 2019 giữ nguyên thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của các tổ chức, cá nhân (là hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động) và bổ sung quy định: Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.
          16. Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
          Điều 196 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích như sau:
            “1. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động tập thể về lợi ích được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 188 của Bộ luật này.
          2. Trường hợp hòa giải thành, biên bản hòa giải thành phải bao gồm đầy đủ nội dung các bên đã đạt được thỏa thuận, có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động. Biên bản hòa giải thành có giá trị pháp lý như thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp.
          3. Trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:
          a) Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 197 của Bộ luật này;
          b) Tổ chức đại diện người lao động có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công”.
          (Bộ luật Lao động năm 2012 không quy định trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thành 01 điều riêng)
          17. Sửa đổi trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động
          Điều 197 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động như sau:
            “1. Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.
          2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
          3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.”
          4. Khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều này thì tổ chức đại diện người lao động không được tiến hành đình công trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp.
          Khi hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà Ban trọng tài không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công.
          (So với quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi toàn bộ trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động).
          18. Sửa đổi thẩm quyền tổ chức và lãnh đạo đình công
          Điều 198 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao độngvà do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.
          Theo đó, so với quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 thì sửa đổi thẩm quyền tổ chức và lãnh đạo đình công của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc tổ chức công đoàn cấp trên thành thẩm quyền tổ chức và lãnh đạo đình công của tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể.
          19. Bổ sung các trường hợp người lao động có quyền đình công
            Điều 199Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung quy định các trường hợp người lao động có quyền đình công như sau:
          “Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công trong trường hợp sau đây:
          1. Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
          2. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.”
          (Bộ luật Lao động năm 2012 không quy định nội dung này)
          20. Sửa đổi, bổ sung quy định về lấy ý kiến về đình công
          Khoản 4 Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung quy định: Việc lấy ý kiến về đình công không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công.
          21. Sửa đổi, bổ sung các trường hợp đình công bất hợp pháp
          Điều 204 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định các trường hợp đình công bất hợp pháp như sau:
            “1. Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 của Bộ luật này.
          2. Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.
          3. Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật này.
          4. Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật này.
          5. Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định tại Điều 209 của Bộ luật này.
          6. Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 210 của Bộ luật này.”
          Theo đó, so với Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi, bổ sung các trường hợp đình công bất hợp pháp sau: Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 của Bộ luật này; không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công; vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật này.
          22. Sửa đổi quy định về việc thông báo quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc
          Điều 205 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc thông báo quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc như sau:
            “Ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc, người sử dụng lao động phải niêm yết công khai quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc tại nơi làm việc và thông báo cho các cơ quan, tổ chức sau đây:
          1. Tổ chức đại diện người lao động đang tổ chức và lãnh đạo đình công;
          2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nơi làm việc dự kiến đóng cửa;
          3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có nơi làm việc dự kiến đóng cửa.”
          Theo đó, so với Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ luật Lao động năm 2019 bỏ quy định: Thông báo quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc cho công đoàn cấp tỉnh và tổ chức đại diện người sử dụng lao động.
          23. Sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục
          Điều 211 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc xử lý cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục như sau:
            “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được thông báo về cuộc đình công không tuân theo quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về lao động phối hợp với công đoàn cùng cấp, cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp gặp gỡ người sử dụng lao động và đại diện ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để nghe ý kiến, hỗ trợ các bên tìm biện pháp giải quyết, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường.
          Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì lập biên bản, tiến hành xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.
          Đối với các nội dung tranh chấp lao động thì tùy từng loại tranh chấp, hướng dẫn, hỗ trợ các bên tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật này.”
          Theo đó, so với Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ luật Lao động năm 2019:
          - Bỏ quy định: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định tuyên bố cuộc đình công vi phạm trình tự, thủ tục và thông báo ngay cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi việc tổ chức và lãnh đạo đình công không tuân theo quy định tại Điều 212 và Điều 213 của Bộ luật này.
          - Bổ sung các quy định: Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì lập biên bản, tiến hành xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.Đối với các nội dung tranh chấp lao động thì tùy từng loại tranh chấp, hướng dẫn, hỗ trợ các bên tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật này.”
          24. Bỏ mục tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công
          So với Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ luật Lao động năm 2019 bỏ mục tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

Tác giả bài viết: Lê Văn Xá, Phó Trưởng phòng Lao động-Việc làm-An toàn lao động, Thư ký Hội đồng trọng tài lao động tỉnh Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây