Những trọng tâm cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012

Thứ hai - 28/11/2022 22:55 974 0
Luật Công đoàn ban hành năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, sau 10 năm thực hiện đang đặt ra yêu cầu phải tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu của tình hình mới - phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở thực tiễn 10 năm triển khai Luật như nêu trên và bối cảnh tình hình mới, việc nghiên cứu sửa Luật Công đoàn là bước hoàn thiện quan trọng môi trường pháp lý cho hoạt động công đoàn ở Việt Nam, góp phần xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, để Công đoàn Việt Nam hoàn thành tốt hơn vai trò, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Qua khảo cứu các tài liệu và sử dụng kết quả nghiên cứu ban đầu của Đề tài khoa học cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2022 “Thực tiễn thực hiện Luật Công đoàn 2012 và khuyến nghị nội dung sửa đổi đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”, bài viết này trình bày 02 vấn đề chính: (i). Yếu tố khách quan, chủ quan - cơ sở sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012; và (ii). Một số vấn đề trọng tâm cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong Luật Công đoàn năm 2012.

I. Điều kiện, bối cảnh hoạt động công đoàn ở Việt Nam và các quan hệ xã hội liên quan đến điều chỉnh của Luật Công đoàn đã có những thay đổi quan trọng

Hiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ; công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiếp tục được đẩy mạnh trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mô hình tăng trưởng kinh tế sẽ thay đổi mạnh mẽ, nền kinh tế đang được cơ cấu lại, trong đó kinh tế tư nhân sẽ thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Lao động làm công hưởng lương, lao động trong khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ sẽ tăng nhanh về số lượng và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong lực lượng lao động xã hội. Cơ cấu lao động tiếp tục có sự thay đổi mạnh mẽ, phân tầng xã hội rõ ràng hơn.

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số, đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu.

Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn và sẽ thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có việc phê chuẩn, thực thi các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Pháp luật lao động, pháp luật công đoàn tiếp tục được hoàn thiện theo đường lối phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thúc đẩy thị trường lao động và quan hệ lao động vận hành đầy đủ theo hướng thị trường và hội nhập quốc tế; thời gian tới có thể xuất hiện một số tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức Công đoàn hiện nay.

Đặc biệt, năm 2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động với nội dung mới về “Tổ chức đại diện người lao động”. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở gồm: Công đoàn cơ sở (thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam) và tổ chức của người lao động (NLĐ) tại doanh nghiệp. Các tổ chức đại diện NLĐ bình đẳng về quyền, nghĩa vụ trong đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong quan hệ lao động. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức Công đoàn hiện nay”.
1 8
Khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 tại Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương
 
II. Từ thực tiễn thi hành Luật và các điều kiện, bối cảnh mới đặt ra cho việc điều chỉnh của Luật Công đoàn năm 2012, bước đầu có thể xác định 04 nhóm lớn, trọng tâm cần tập trung nghiên cứu sửa đổi

Thứ nhất, các quy định về quyền thành lập, tham gia, hoạt động công đoàn của NLĐ.

Theo Bộ luật Lao động 2019, NLĐ có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở theo quy định của pháp luật: NLĐ ở doanh nghiệp có quyền thành lập công đoàn cơ sở thuộc hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam theo quy định của Luật Công đoàn; hoặc thành lập tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định của Chính phủ. Sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký, tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp có quyền gia nhập hoặc không gia nhập hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trường hợp gia nhập Công đoàn Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn.

Như vậy, Luật Công đoàn được Bộ luật Lao động 2019 dẫn chiếu để cùng điều chỉnh các vấn đề liên quan đến vấn đề gia nhập tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp vào hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đây là những vấn đề chưa có tiền lệ.

Bên cạnh đó, vấn đề đối tượng kết nạp và đối tượng không kết nạp đoàn viên Công đoàn Việt Nam cũng cần nghiên cứu thấu đáo: lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; lao động tự do hợp pháp trong khu vực phi chính thức; các nhóm lao động mới xuất hiện cùng với loại hình việc làm mới…

Thứ hai, các quy định về quyền, nghĩa vụ của Công đoàn Việt Nam liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện NLĐ và của tổ chức chính trị - xã hội.

Công đoàn Việt Nam, cũng như các tổ chức công đoàn trên thế giới, cần mang dấu hiệu chung của mọi tổ chức đại diện đó là: có (1) tính chất đại diện và (2) chức năng bảo vệ NLĐ. Tính chất đại diện dùng để xác định nó có phải là tổ chức chính danh của NLĐ hay không. Chức năng bảo vệ dùng để xác định nó có hoàn thành sứ mệnh sinh ra nó, hoàn thành nhiệm vụ mà NLĐ uỷ quyền cho nó hay không.

Bên cạnh đó, lịch sử hơn 90 năm xây dựng và phát triển của Công đoàn Việt Nam, cũng như sự ghi nhận của Văn kiện của Đảng, Hiến pháp (Điều 4, 9, 10)… đã khẳng định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của NLĐ, tổ chức đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những NLĐ khác; là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, Công đoàn Việt Nam trong tổ chức và hoạt động của mình cần thể hiện được ở cả hai khía cạnh: (1) vị trí, vai trò của tổ chức đại diện của NLĐ, và (2) vị trí, vai trò của tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong tình hình mới, địa vị pháp lý - quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các cấp công đoàn phải được chế định như thế nào để phù hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, các quy định liên quan đến việc bảo đảm về tổ chức, cán bộ, điều kiện hoạt động và chống phân biệt đối xử vì lý do công đoàn; tài chính công đoàn.

Đây vừa là điều kiện, yêu cầu cần thiết và vừa là bảo đảm cho hoạt động của công đoàn. Luật Công đoàn cần có những quy định theo hướng cụ thể hóa vấn đề chống các hành vi can thiệp, thao túng hoạt động của công đoàn dưới mọi hình thức. Các hành vi vi phạm ở đây thường là rất tinh vi, ngấm ngầm, thậm chí chúng được bao bọc bởi vỏ bề ngoài là “hợp pháp”, dưới các dạng thao túng về kinh tế, vật chất, tinh thần, quá trình thăng tiến nghề nghiệp, làm mất uy tín cán bộ công đoàn…

Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí công đoàn sẽ là nội dung được quan tâm nhiều. Khoản 1, Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 quy định “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ” là một trong những nguồn thu của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đây là nguồn tài chính lớn mà các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở, đang dùng để thực hiện các hoạt động chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ. Những câu hỏi đặt ra là: mức đóng thế nào, nơi chưa có tổ chức đại diện NLĐ thì ra sao, hoặc nơi có nhiều tổ chức đại diện NLĐ thì mức phân chia theo tỷ lệ nào…
 
nhung trong tam can nghien cuu sua doi bo sung luat cong doan 2012 20221126121026
 
Thứ tư, các quy định mới tạo lập khung khổ pháp lý về mối quan hệ, liên kết và giải quyết tranh chấp giữa các cấp Công đoàn Việt Nam với các tổ chức đại diện NLĐ khác tại doanh nghiệp, cũng như trong tương lai có thể xuất hiện các dạng thức liên kết của các tổ chức đại diện NLĐ ngoài doanh nghiệp không thuộc hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam hiện nay.

Việc điều chỉnh mối quan hệ, quyền liên kết của tổ chức đại diện NLĐ không thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam do Bộ luật Lao động và các Nghị định quy định. Tuy nhiên, việc điều chỉnh trực tiếp mối quan hệ, quyền liên kết của các tổ chức này với các cấp Công đoàn Việt Nam thì cũng cần do Luật Công đoàn điều chỉnh. Vấn đề ở đây là “độ mở” của Luật Công đoàn thế nào hay “chủ trương” của Công đoàn Việt Nam về vấn đề “liên kết” này ra sao?

Hoạt động công đoàn trong nền kinh tế thị trường cho thấy, các nhóm lao động và tổ chức đại diện của họ luôn có những nhu cầu và mối quan tâm chung rất phong phú, bên cạnh những nhu cầu và mối quan tâm riêng rất đa dạng. Chính vì vậy, vấn đề “liên kết” ở đây cần bảo đảm tính tự nguyện, độ mở lớn, trên cơ sở đặt mục tiêu chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên lên trên hết, lấy nhu cầu và mối quan tâm chung làm động lực liên kết; đồng thời tôn trọng những mối quan tâm riêng, nhu cầu riêng và sự khác biệt của mỗi tổ chức khi tham gia liên kết thì mới bảo đảm tính bền vững cao.

Nhu cầu liên kết sẽ hình thành các hình thức liên kết đa dạng, linh hoạt như: chia sẻ thông tin, tham khảo ý kiến, mời tham gia các hoạt động, ký kết các thỏa thuận, chương trình hợp tác; đặt hàng và phối hợp thực hiện một số hoạt động; hoặc trở thành thành viên có tính “liên hiệp” của nhau trong từng vụ việc (đặc biệt là đối thoại, thương lượng, đình công), nhưng không nhất thiết phải trực thuộc nhau và mỗi bên vẫn hoạt động với những thế mạnh và trọng tâm riêng của mình…

Bên cạnh đó, trong quá trình song song tồn tại và cùng hoạt động cũng như trong quá trình liên kết, chia tách, giải thể, sáp nhập,… sẽ khó tránh khỏi những mâu thuẫn, tranh chấp với nhau, đặc biệt là về xác định thành viên của mỗi tổ chức, tư cách chủ thể có quyền đại diện, tài chính, cạnh tranh không lành mạnh… Do vậy, song song với các quy định chung, thì Luật Công đoàn cũng cần có các quy định có tính nguyên tắc để xử lý vấn đề này.

III. Kết luận

Chính điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu phát triển đất nước, quan hệ xã hội và dự liệu sẽ phát sinh trong lĩnh vực quan hệ lao động - công đoàn thời gian tới là những yếu tố khách quan mà Luật Công đoàn phải sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Luật Công đoàn sửa đổi phải góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động công đoàn ở Việt Nam, góp phần xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, để Công đoàn Việt Nam hoàn thành tốt hơn vai trò, nhiệm vụ trong tình hình mới, đặt biệt trong bối cảnh có thể có nhiều tổ chức đại diện NLĐ ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam song song hoạt động.

 

Tác giả bài viết: Nguồn: Laodongcongdoan

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây