Những điểm mới về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực từ ngày 01/01/2021

Thứ ba - 29/09/2020 20:49 23.691 0
 Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 quy định nhiều điểm mới về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể liên quan đến người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động, cụ thể như sau:
          1. Sửa đổi, bổ sung việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc
          1.1. Sửa đổi, bổ sung khái niệm đối thoại tại nơi làm việc
          Khoản 1 Điều 63 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi, bổ sung việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Theo đó, đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.
          2.2. Sửa đổi, bổ sung các trường hợp người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc
          Khoản 2, Khoản 3 Điều 63 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
          “2. Người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong trường hợp sau đây:
          a) Định kỳ ít nhất 01 năm một lần;
          b) Khi có yêu cầu của một hoặc các bên;
          c) Khi có vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật này.
          3. Khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại ngoài những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.
          Theo đó, sửa đổi việc tổ chức đối thoại định kỳ từ 3 tháng một lần thành 01 năm một lần; bổ sung quy định: tổ chức đối thoại khi có vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật này và quy định:Khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại ngoài những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
          2. Sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung đối thoại tại nơi làm việc
          Khoản 1 Điều 64 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định bổ sung nội dung đối thoại tại nơi làm việc như sau:“Nội dung đối thoại bắt buộc theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 63 của Bộ luật này.”.
          Theo đó, bổ sung nội dung đối thoại bắt buộc theo vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật này. Các nội dung đối thoại khác, mà các bên có thể lựa chọn để đối thoại, được giữ nguyên theo quy định của Bộ luật năm 2012.
          3. Sửa đổi, bổ sung quy định về thương lượng tập thể
          Điều 65 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi, bổ sung quy định về thương lượng tập thể. Theo đó, thương lượng tập thể là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
          4. Sửa đổi, bổ sung nội dung thương lượng tập thể
          Điều 67 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
          “Các bên thương lượng lựa chọn một hoặc một số nội dung sau để tiến hành thương lượng tập thể:
          1. Tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng, bữa ăn và các chế độ khác;
          2. Mức lao động và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca;
          3. Bảo đảm việc làm đối với người lao động;
          4. Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động;
          5. Điều kiện, phương tiện hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động;
          6. Cơ chế, phương thức phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động;
          7. Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hằng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
          8. Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.”
          Theo đó, bổ sung các nội dung mà các bên thương lượng lựa chọn để tiến hành thương lượng sau đây: bữa ăn và các chế độ khác; mức lao động; điều kiện, phương tiện hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động; cơ chế, phương thức phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động; bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hằng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
          5. Sửa đổi “Quyền yêu cầu thương lượng tập thể của mỗi bên” thành “Quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong doanh nghiệp”
          Điều 68 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong doanh nghiệp như sau:
          “1. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu thương lượng tập thể khi đạt tỷ lệ thành viên tối thiểu trên tổng số người lao động trong doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
          2. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này thì tổ chức có quyền yêu cầu thương lượng là tổ chức có số thành viên nhiều nhất trong doanh nghiệp. Các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khác có thể tham gia thương lượng tập thể khi được tổ chức đại diện người lao động có quyền yêu cầu thương lượng tập thể đồng ý.
          3. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà không có tổ chức nào đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này thì các tổ chức có quyền tự nguyện kết hợp với nhau để yêu cầu thương lượng tập thể nhưng tổng số thành viên của các tổ chức này phải đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều này.”
          Theo đó, sửa đổi bổ sung quy định quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong doanh nghiệp để phù hợp với quy định trong cùng một doanh nghiệp có thể có một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động.
          6. Sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện thương lượng tập thể tại doanh nghiệp
          Điều 69 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
          “1. Số lượng người tham gia thương lượng tập thể của mỗi bên do các bên thỏa thuận.
          2. Thành phần tham gia thương lượng tập thể của mỗi bên do bên đó quyết định.
          Trường hợp bên người lao động có nhiều tổ chức đại diện tham gia thương lượng tập thể theo quy định tại khoản 2 Điều 68 của Bộ luật này thì tổ chức đại diện có quyền yêu cầu thương lượng quyết định số lượng đại diện của mỗi tổ chức tham gia thương lượng.
          Trường hợp bên người lao động có nhiều tổ chức đại diện tham gia thương lượng tập thể theo quy định tại khoản 3 Điều 68 của Bộ luật này thì số lượng đại diện của mỗi tổ chức do các tổ chức đó thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì từng tổ chức xác định số lượng đại diện tham gia tương ứng theo số lượng thành viên của tổ chức mình trên tổng số thành viên của các tổ chức.
          3. Mỗi bên thương lượng tập thể có quyền mời tổ chức đại diện cấp trên của mình cử người tham gia là đại diện thương lượng và bên kia không được từ chối. Đại diện thương lượng tập thể của mỗi bên không được vượt quá số lượng quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp được bên kia đồng ý.”
          Theo đó, giữ nguyên quy định số lượng người tham gia thương lượng tập thể của mỗi bên do các bên thỏa thuận và bổ sung quy định về thành phần tham gia thương lượng tập thể của mỗi bên để phù hợp với quy định trong cùng một doanh nghiệp có thể có một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động.
          7. Sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình thương lượng tập thể tại doanh nghiệp
          Khoản 2, 3, 4 Điều 70 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định bổ sung trong quy trình thương lượng tập thể tại doanh nghiệp các nội dung sau:
          “2. Thời gian thương lượng tập thể không được quá 90 ngày kể từ ngày bắt đầu thương lượng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
          Thời gian tham gia các phiên họp thương lượng tập thể của đại diện bên người lao động được tính là thời gian làm việc có hưởng lương. Trường hợp người lao động là thành viên của tổ chức đại diện người lao động tham gia các phiên họp thương lượng tập thể thì thời gian tham gia các phiên họp không tính vào thời gian quy định tại khoản 2 Điều 176 của Bộ luật này.”
          3. Trong quá trình thương lượng tập thể, nếu có yêu cầu của bên đại diện người lao động thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, bên người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và nội dung khác liên quan trực tiếp đến nội dung thương lượng trong phạm vi doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương lượng tập thể, trừ thông tin về bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người sử dụng lao động.
          4. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức thảo luận, lấy ý kiến người lao động về nội dung, cách thức tiến hành và kết quả của quá trình thương lượng tập thể.
          Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở quyết định về thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành thảo luận, lấy ý kiến người lao động nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
          Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động thảo luận, lấy ý kiến người lao động”
          Theo đó, tách quy trình thương lượng tập thể tại doanh nghiệp thành một điều riêng và sửa đổi, bổ sung quy định về: thời gian thương lượng, trách nhiệm cung cấp thông tin của người sử dụng lao động, quyền tổ chức thảo luận, lấy ý kiến người lao động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
          8. Sửa đổi, bổ sung quy định thương lượng tập thể không thành
          Khoản 1 Điều 71 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
          “1. Thương lượng tập thể không thành thuộc một trong các trường hợp sau đây:
          a) Một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 70 của Bộ luật này;
          b) Đã hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật này mà các bên không đạt được thỏa thuận;
          c) Chưa hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật này nhưng các bên cùng xác định và tuyên bố về việc thương lượng tập thể không đạt được thỏa thuận.”
          Theo đó, bổ sung thêm 02 trường hợp thương lượng tập thể không thành là: đã hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật này mà các bên không đạt được thỏa thuận và chưa hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật này nhưng các bên cùng xác định và tuyên bố về việc thương lượng tập thể không đạt được thỏa thuận.
          (Bộ luật Lao động năm 2012 và Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Khi thương lượng không thành, các bên thương lượng tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật này.)
          9. Sửa đổi, bổ sung quy định thương lượng tập thể ngành, thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia
          Điều 72 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
          “1. Nguyên tắc, nội dung thương lượng tập thể ngành, thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia thực hiện theo quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này.
          2. Quy trình tiến hành thương lượng tập thể ngành, thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia do các bên thỏa thuận quyết định, bao gồm cả việc thỏa thuận tiến hành thương lượng tập thể thông qua Hội đồng thương lượng tập thể quy định tại Điều 73 của Bộ luật này.
          3. Trường hợp thương lượng tập thể ngành thì đại diện thương lượng là tổ chức công đoàn ngành và tổ chức đại diện người sử dụng lao động cấp ngành quyết định.
          Trường hợp thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia thì đại diện thương lượng do các bên thương lượng quyết định trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận”.
          Theo đó, tách quy định thương lượng tập thể ngành, thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia thành các điều riêng và sửa đổi, bổ sung quy định về: nguyên tắc, nội dung, quy trình tiến hành, đại diện thương lượng đối với thương lượng tập thể ngành, thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia.
          10. Bổ sung quy định thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia thông qua Hội đồng thương lượng tập thể
          Điều 73 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung quy định về thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia thông qua Hội đồng thương lượng tập thể như sau:
          “1. Trên cơ sở đồng thuận, các bên thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của các doanh nghiệp tham gia thương lượng hoặc nơi do các bên lựa chọn trong trường hợp các doanh nghiệp tham gia thương lượng có trụ sở chính tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Hội đồng thương lượng tập thể để tiến hành thương lượng tập thể.
          2. Khi nhận được yêu cầu của các bên thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thương lượng tập thể để tổ chức việc thương lượng tập thể. Thành phần Hội đồng thương lượng tập thể bao gồm:
          a) Chủ tịch Hội đồng do các bên quyết định và có trách nhiệm điều phối hoạt động của Hội đồng thương lượng tập thể, hỗ trợ cho việc thương lượng tập thể của các bên;
          b) Đại diện các bên thương lượng tập thể do mỗi bên cử. Số lượng đại diện mỗi bên thương lượng tham gia Hội đồng do các bên thỏa thuận;
          c) Đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
          3. Hội đồng thương lượng tập thể tiến hành thương lượng theo yêu cầu của các bên và tự chấm dứt hoạt động khi thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia được ký kết hoặc theo thỏa thuận của các bên.
          4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của Hội đồng thương lượng tập thể.”
          11. Sửa đổi, bổ sung quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thương lượng tập thể
          Điều 74 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thương lượng tập thể như sau:
          “1. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thương lượng tập thể cho các bên thương lượng tập thể.
          2. Xây dựng và cung cấp các thông tin, dữ liệu về kinh tế - xã hội, thị trường lao động, quan hệ lao động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy thương lượng tập thể.
          3. Chủ động hoặc khi có yêu cầu của cả hai bên thương lượng tập thể, hỗ trợ các bên đạt được thỏa thuận trong quá trình thương lượng tập thể; trường hợp không có yêu cầu, việc chủ động hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ được tiến hành nếu được các bên đồng ý.
          4. Thành lập Hội đồng thương lượng tập thể khi có yêu cầu của các bên thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp theo quy định tại Điều 73 của Bộ luật này.”
          Theo đó, bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc: xây dựng và cung cấp các thông tin, dữ liệu; hỗ trợ các bên đạt được thỏa thuận; thành lập Hội đồng thương lượng tập thể khi có yêu cầu.
          12. Sửa đổi, bổ sung quy định về thỏa ước lao động tập thể
          Điều 75 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
          “1. Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.
          Thỏa ước lao động tập thể bao gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp và các thỏa ước lao động tập thể khác.
          2. Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.”
          Theo đó, bổ sung quy định: thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp; sửa đổi quy định “nội dung thoả ước lao động tập thể phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật” thành quy định “khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật”.
          13. Sửa đổi, bổ sung quy định về lấy ý kiến thỏa ước lao động tập thể
          13.1. Sửa đổi quy định về văn bản lấy ý kiến
          Khoản 1 Điều 76 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể đã được các bên đàm phán phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành.
          Theo đó, sửa đổi quy định “có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạtđược” bằng quy định “dự thảo thỏa ước lao động tập thể đã được các bên đàm phán phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp” và “có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành”.
          13.2. Sửa đổi đối tượng lấy ý kiến thỏa ước lao động tập thể ngành và bổ sung đối tượng lấy ý kiến thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp
           Theo Khoản 2 Điều 76 Bộ luật Lao động năm 2019 thì đối tượng lấy ý kiến thỏa ước lao động tập thể ngành bao gồm toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng (Bộ luật Lao động năm 2012 quy định đối tượng lấy ý kiến thỏa ước lao động tập thể ngành là đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở). Và quy định: thỏa ước lao động tập thể ngành chỉ được ký kết khi có trên 50% tổng số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành.
          Cũng tại Khoản 2 Điều 76 Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung đối tượng lấy ý kiến thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp là bao gồm toàn bộ người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng hoặc toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng; đồng thời quy định: chỉ những doanh nghiệp có trên 50% số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành mới tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp.
          13.3 Bổ sung quy định về thời gian, địa điểm và cách thức lấy ý kiến biểu quyết đối với dự thảo thỏa ước lao động tập thể
          Khoản 3 Điều 76 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung quy định: “Thời gian, địa điểm và cách thức lấy ý kiến biểu quyết đối với dự thảo thỏa ước lao động tập thể do tổ chức đại diện người lao động quyết định nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tham gia thương lượng. Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động lấy ý kiến biểu quyết về dự thảo thỏa ước.”
          13.4. Sửa đổi quy định về người ký kết thỏa ước lao động tập thể
          Khoản 4 Điều 76 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Thỏa ước lao động tập thể được ký kết bởi đại diện hợp pháp của các bên thương lượng. Trường hợp thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp được tiến hành thông qua Hội đồng thương lượng tập thể thì được ký kết bởi Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể và đại diện hợp pháp của các bên thương lượng.”
          Theo đó, sửa đổi quy định cụ thể về người ký kết thỏa ước lao động tập thể bằng quy định “Thỏa ước lao động tập thể được ký kết bởi đại diện hợp pháp của các bên thương lượng” và bổ sung quy định về người ký kếtthỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp.
          13.5 Sửa đổi quy định về nơi nhận thỏa ước lao động tập thể
          Khoản 5 Điều 76 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Thỏa ước lao động tập thể phải được gửi cho mỗi bên ký kết và cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 77 của Bộ luật này.
          Đối với thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp thì từng người sử dụng lao động và từng tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thỏa ước phải được nhận 01 bản.”      
          Theo đó, sửa đổi quy định “gửi thỏa ước lao động tập thể cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh đối với thỏa ước lao động tập thể  doanh nghiệp, cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đối với thỏa ước lao động tập thể ngành và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở” bằng quy định “gửi thỏa ước lao động tập thể (bao gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp) cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.
          14. Bổ sung quy định về hiệu lực áp dụng của thỏa ước lao động tập thể
          Khoản 2Điều 78 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung quy địnhvề hiệu lực áp dụng của thỏa ước lao động tập thể như sau: “Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với người sử dụng lao động và toàn bộ người lao động của doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với toàn bộ người sử dụng lao động và người lao động của các doanh nghiệp tham gia thỏa ước lao động tập thể.”
          15. Bổ sung quy định mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp
          Khoản 1 Điều 84 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung quy định mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp như sau:“Khi một thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp có phạm vi áp dụng chiếm trên 75% người lao động hoặc trên 75% doanh nghiệp cùng ngành, nghề, lĩnh vực trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao thì người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện của người lao động tại đó đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định mở rộng phạm vi áp dụng một phần hoặc toàn bộ thỏa ước đó đối với các doanh nghiệp cùng ngành, nghề, lĩnh vực trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao.”
          16. Bổ sung quy định gia nhập và rút khỏi thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp
          Khoản 1, 2Điều 85 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung quy định gia nhập và rút khỏi thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp như sau:
          “1. Doanh nghiệp có thể gia nhập thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp khi có sự đồng thuận của tất cả người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp là thành viên của thỏa ước, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 84 của Bộ luật này.
          2. Doanh nghiệp thành viên của thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp được rút khỏi thỏa ước lao động tập thể khi có sự đồng thuận của tất cả người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp là thành viên của thỏa ước, trừ trường hợp có khó khăn đặc biệt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.”                                                          

Tác giả bài viết:    Lê Văn Xá - PTP. Lao động-Việc làm-An toàn lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây