Một đoàn viên công đoàn đam mê sáng tạo

Thứ tư - 03/04/2019 21:31 1.619 0
Tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được phát động sâu rộng trong các cấp công đoàn, anh Nguyễn Thăng Long, cán bộ kĩ thuật, đoàn viên Công đoàn cơ sở Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu các đề tài, ý tưởng, sáng kiến mới, áp dụng thành công và đem lại hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đem lại nhiều lợi ích cho người dân trong quá trình sản xuất.
a long 1
Anh Long với mô hình nhà xưởng và dàn phơi kín được triển khai thành công tại thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, Vĩnh Linh. 
Gần 20 năm công tác tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh, bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhiều công trình, sáng kiến của anh Long đã được thực tiễn ghi nhận, đem lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, gần đây nhất, với “Sáng kiến cải tiến kĩ thuật sản xuất nước mắm bằng phương pháp phơi kín dành cho cơ sở vừa và nhỏ”, anh Long đã đoạt giải ba Cuộc thi sáng tạo kĩ thuật của tỉnh. Chia sẻ về sáng kiến của mình, anh Long cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 65 cơ sở sản xuất nước mắm với quy mô vừa và nhỏ, tập trung chủ yếu ở thị trấn Cửa Việt (Gio Linh), thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh) và các xã bãi ngang ven biển. Nhìn chung, các cơ sở sản xuất theo công nghệ cổ truyền, áp dụng phương pháp gài nén kết hợp đánh khuấy. Chượp được chứa trong chum, vại bằng gốm sứ hoặc bể xi măng, tiếp nhiệt bằng phơi nắng trực tiếp, chiết rút nước mắm bằng cách lọc chượp hoặc đắp lù kéo rút. Với kĩ thuật chế biến nước mắm như trên, các cơ sở chế biến nước mắm trong tỉnh có chung một số nhược điểm như chưa đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh do lượng đạm thối bốc mùi mạnh. Các cơ sở chế biến nước mắm chủ yếu đặt dụng cụ chứa chượp trong nhà xưởng nên khó tiếp nhiệt...
Trên cơ sở nghiên cứu “Phương pháp chế biến nước mắm bằng hệ thống cấp nhiệt sử dụng năng lượng mặt trời” (Đề tài của Thạc sĩ Lê Văn Danh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi Hà Tĩnh), anh Long đã đưa ra “Sáng kiến cải tiến kĩ thuật sản xuất nước mắm bằng phương pháp phơi kín dành cho cơ sở vừa và nhỏ”, nhằm hoàn thiện quy trình chế biến nước mắm phù hợp với cơ sở vừa và nhỏ tại Quảng Trị. Đây là giải pháp đáp ứng mong muốn trong nghề chế biến nước mắm, khắc phục một số nhược điểm của quy trình chế biến nước mắm cổ truyền. Các cơ sở vừa và nhỏ (sản xuất từ 5- 80 tấn chượp/năm) dễ dàng áp dụng được quy trình chế biến nước mắm bằng phương pháp phơi kín. Sau khi hoàn thành, năm 2016 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thành công giải pháp này tại thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh). Trên cơ sở hiệu quả bước đầu, đến năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình tại thôn 7, xã Gio Hải (Gio Linh). Kết quả cho thấy, sau khi áp dụng vào thực tế, sáng kiến của anh Long đã đem lại hiệu quả rõ nét đối với các cơ sở sản xuất nước mắm vừa và nhỏ trong tỉnh. Ví dụ như thời gian chế biến giảm xuống còn 7- 8 tháng so với chế biến theo công nghệ cổ truyền trên 12 tháng, nhờ vậy giúp người sản xuất tăng công suất chế biến và quay đồng vốn nhanh hơn. Đồng thời giảm chi phí nhân công xuống còn 30% so với chế biến theo phương pháp thông thường. Lượng nước cốt nhiều hơn khoảng 12% so với sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống; chất lượng nước mắm cao hơn so với quy trình chế biến thông thường. Ở tỉnh Quảng Trị thời tiết khắc nghiệt, thường có mưa bão nên các cơ sở chế biến nước mắm áp dụng phương pháp phơi kín sẽ sản xuất được quanh năm. Người dân áp dụng kĩ thuật chế biến thu được nước mắm có chất lượng và độ đạm cao hơn chế biến truyền thống. Tháng 12/2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai mô hình thành công và nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với các công trình, sáng kiến hữu ích, anh Long còn phối hợp với huyện đảo Cồn Cỏ xây dựng thành công mô hình “Chế biến nước mắm cao đạm, ≥250N” tại khu dân cư mới của huyện. Mục đích của việc xây dựng mô hình trình diễn là giúp người dân áp dụng tốt kĩ thuật chế biến nước mắm cao đạm, góp phần giải quyết việc làm và tạo ra sản phẩm có tính đặc trưng cho người dân trên đảo Cồn Cỏ. Kết quả cho thấy, sau 8 tháng triển khai đã muối được 2,7 tấn chượp cá nục, thu được khoảng 1.100 lít nước mắm cốt (độ đạm 40,70N), bán với giá 60 ngàn đồng/lít, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt gần 25 triệu đồng. Mô hình đã được chính quyền huyện đảo đánh giá cao, giúp người dân trên đảo có thêm việc làm và tạo ra sản phẩm nước mắm có chất lượng để tiêu thụ trên thị trường, cải thiện thu nhập. Thực hiện Quyết định của Sở Nông nghiệp và PTNT năm 2016 về việc cử cán bộ tăng cường giúp chính quyền và nhân dân chuyển đổi sản xuất, phát triển sinh kế đối với 16 xã, thị trấn vùng biển trong tỉnh, anh Long đã được cử đến xã Gio Việt (Gio Linh) để phối hợp trong công tác xây dựng đề án và chọn lựa các mô hình phù hợp để triển khai tại địa phương. Anh thường xuyên bám sát địa bàn (2 ngày/tuần) hỗ trợ kĩ thuật chăn nuôi và trồng trọt cho các hộ thực hiện mô hình, nhờ vậy kết quả đạt được của các mô hình khá cao, được Sở Nông nghiệp và PTNT ghi nhận.
Với công việc, anh Nguyễn Thăng Long luôn tận tụy, nhiệt tình, có tinh thần học hỏi để nâng cao sự hiểu biết về mọi mặt, nhất là về công tác quản lí chuyên môn và các yêu cầu về kĩ thuật; có ý thức cầu tiến, luôn tu dưỡng và rèn luyện mình qua thực tiễn, qua đồng nghiệp, qua các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lí. Ngoài công tác chuyên môn, anh Long luôn thể hiện sự năng nổ, nhiệt tình, thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao do đơn vị và ngành tổ chức. Ghi nhận những đóng góp trong quá trình công tác, anh Long đã được BCH Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, phát triển nông thôn và hoạt động công đoàn cùng nhiều bằng khen, giấy khen do tỉnh và ngành trao tặng.
 

Tác giả bài viết: Thanh Lê (Báo QT)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây