Giữ lại Điều 10 trong Hiến pháp: nguyện vọng chính đáng của người lao động và tổ chức công đoàn

Thứ ba - 01/10/2013 04:52 1.485 0
Từ khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập đến nay, Việt Nam đã có 04 bản Hiến pháp; ngoài bản Hiến pháp đầu tiên là Hiến pháp năm 1946, cả ba bản Hiến pháp còn lại đều có quy định về Công đoàn Việt Nam. Ngay từ Hiến pháp 1959, khi chưa có bất cứ tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nào quy định trong Hiến pháp thì đã có quy định về Công đoàn Việt Nam tại Điều 10 Hiến pháp 1959. Khi đó công đoàn chưa được quy định thành một điều riêng mà ghép với các nội dung khác. Cụ thể, Điều 10 Hiến pháp 1959 quy định: “Nhà nước dựa vào các cơ quan nhà nước, tổ chức công đoàn, hợp tác xã và các tổ chức khác để xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh tế”.
Đến Hiến pháp 1980 đã giành riêng Điều 10 để quy định về Công đoàn Việt Nam, cụ thể là: “Tổng công đoàn Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân Việt Nam, là trường học chủ nghĩa cộng sản , trường học quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước. Trong phạm vi chức năng của mình, công đoàn tham gia công việc nhà nước và kiểm tra hoạt động của cơ quan nhà nước, tham gia quản lý xí nghiệp; giáo dục công nhân, viên chức; tổ chức phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa; cùng với cơ quan nhà nước chăm lo đời sống và bảo đảm quyền lợi của công nhân, viên chức”.
Hiến pháp 1992 đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Công đoàn Việt Nam quy định tại Điều 10. Tuy nhiên, để phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội tại thời điểm đó, nội dung Điều 10 đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, cụ thể là: “Công đoàn là tổ chức chính trị- xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đến năm 2001, Hiến pháp 1992 lại được sửa đổi một số điều; nhưng tại thời điểm đó, Ủy ban Dự thảo sửa đổi bổ sung Hiến pháp đã xem xét kỹ lưỡng và quyết định giữ nguyên không sửa đổi, bổ sung Điều 10.
Như vậy có thể nói, về lịch sử Hiến pháp Việt Nam, Công đoàn đã được quy định từ rất sớm (gần 55 năm). Và qua ba bản Hiến pháp kể từ Hiến pháp 1959 đến nay, với nhiều lần sửa đổi, bổ sung, song vẫn luôn có một điều quy định riêng về Công đoàn Việt Nam.
Về mặt lý luận, việc có một điều quy định riêng về công đoàn trong Hiến pháp cũng là một vấn đề hợp lý, bởi công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đặc điểm khác biệt với các tổ chức chính trị xã hội khác, là đại diện của giai cấp công nhân và của người lao động; mà giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Giai cấp công nhân đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giai cấp công nhân đã có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, và ngày nay giai cấp công nhân vẫn luôn là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù số lượng chỉ chiếm 21% tổng số lao động, nhưng hàng năm, giai cấp công nhân Việt Nam đã đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách nhà nước….
Hiện nay, thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện CNH- HĐH đất nước, một lực lượng lớn lao động nông nghiệp đang chuyển mạnh sang lao động công nghiệp và dịch vụ; một bộ phận lao động nông nghiệp cũng trở thành công nhân. Như vậy, giai cấp công nhân sẽ ngày càng trở thành lực lượng quan trọng, chiếm tuyệt đại đa số trong lực lượng lao động xã hội (xu thế này cũng đã và đang diễn ra ở các nước phát triển). Như vậy, Công đoàn- tổ chức đại diện cho giai cấp công nhân- càng có vai trò quan trọng không thể thiếu trong quan hệ lao động, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế, xã hội hài hòa, góp phần ổn định đất nước.
Chính vì những lẽ đó, trong bản tổng hợp kiến nghị của công chức, viên chức, công nhân lao động và tổ chức Công đoàn trình bày tại Đại hội XI Công đoàn Việt Nam được tổ chức tháng 7.2013 đã nêu rõ: Đề nghị Quốc hội xem xét giữ lại Điều 10 trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như dự thảo đã đưa ra xin ý kiến đóng góp của nhân dân. Giữ lại Điều 10 chính là sự khẳng định dứt khoát, mạnh mẽ bản chất giai cấp của Đảng, vị trí, vai trò nòng cốt đi đầu của giai cấp công nhân trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Mặt khác, có Điều 10 quy định riêng về Công đoàn sẽ đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của gần mười triệu đoàn viên công đoàn trên 15 triệu công nhân lao động. Hơn thế, theo PGS-TS Dương Văn Sao- nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn Việt Nam- cần có điều riêng về Công đoàn trong Hiến pháp là vì Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân đang lãnh đạo cách mạng. Hiến pháp có điều quy định riêng về Công đoàn  chính là để Đảng duy trì và giữ vững vai trò tiên phong lãnh đạo cách mạng theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc Công đoàn đại diện chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ ngày càng trở nên cấp bách và quan trọng, để xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đó, PGS.TS Dương Văn Sao khẳng định: nếu sửa đổi Hiến pháp lần này không có Điều 10 thì không chỉ là bước lùi về sự tiến bộ của Hiến pháp, mà còn hạ thấp vai trò, vị trí pháp lý của Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới, trong khi thực tế đang đòi hỏi Công đoàn ngày càng phải phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí to lớn của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực tế trong quá trình lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hầu hết CNVCLĐ và cán bộ Công đoàn cả nước đều cho rằng việc sửa đổi, bổ sung những quy định về Công đoàn Việt Nam trong Hiến pháp là vấn đề rất hệ trọng; là căn cứ đồng thời là điều kiện pháp lý cho tổ chức và hoạt động Công đoàn. Việc sửa đổi đó, nếu có thì phải phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và yêu cầu xây dựng, phát triển giai cấp công nhân trong thời kỳ mới. Còn nếu bỏ Điều 10 quy định về Công đoàn trong Hiến pháp là điều không thể chấp nhận được, bởi nó sẽ làm suy yếu địa vị pháp lý của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Theo các đóng góp của các nhà nghiên cứu cũng như ý kiến của đoàn viên, CNVCLĐ, nếu không có Điều 10 trong Hiến pháp sẽ không thể hiện rõ được vai trò hết sức quan trọng của Công đoàn Việt Nam. Điều này sẽ làm ảnh hưởng và tổn hại trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của Đảng, tổn hại đến sức mạnh của hệ thống chính trị của dân, do dân, vì dân; bởi Công đoàn là mắt xích” truyền lực giữa Đảng với CNLĐ. Nếu “mắt xích” ấy không được quan tâm thì mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước không thể đến được với đông đảo quần chúng công nhân lao động, và không thể trở thành hiện thực sinh động trong đời sống xã hội./.
                                                                Nguyên Phong
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây