Quỹ TLV Lao Động, LĐLĐ tỉnh: Những món quà đến sớm với người dân vùng lũ

Thứ sáu - 04/11/2016 11:17 1.387 0
Cơn lũ dữ ngày 1.11 tràn về một số địa phương của tỉnh Quảng Trị, gây ngập lụt hơn 2.000 ngôi nhà và cuốn trôi nhiều tài sản, khiến người dân rơi vào cảnh tay trắng. Giữa bề bộn khó khăn, thiếu thốn đủ bề vì chưa thể khắc phục được hậu quả của thiên tai, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị thừa ủy quyền của Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động đã nhanh chóng có mặt ở vùng tâm lũ, trao số tiền hỗ trợ 500 triệu đồng cho những hoàn cảnh không may.
Đồng chí Nguyễn Thế Lập - Tỉnh Ủy viên - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị trao số tiền hỗ trợ 300 triệu đồng cho huyện Cam Lộ.
Đồng chí Nguyễn Thế Lập - Tỉnh Ủy viên - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị trao số tiền hỗ trợ 300 triệu đồng cho huyện Cam Lộ.
Tâm lũ vẫn còn run rẩy
Huyện Cam Lộ sau 4 ngày bị cơn lũ lịch sử tràn qua, những nơi bị ảnh hưởng vẫn chưa thể gượng gạo nổi vì bị thiệt hại quá lớn, có 5 xã, thị trấn với 2.040 nóc nhà bị ngập sâu trong nước, tổng thiệt hại ước tính trên 75 tỉ đồng. Trong đó, thiệt hại lớn nhất là tài sản của người dân, thống kê ban đầu của huyện Cam Lộ, ở địa phương có 140 ha sắn bị hư hỏng, 110 vạn cây giống bị cuốn trôi, 80 tấn lương thực bị ngập nước, 142 con gia súc bị chết .... Đến những thứ nhỏ nhặt như đôi dép, cuốn vở của học sinh, hay bao lúa, bao gạo cũng bị lũ cuốn trôi hoặc hư hỏng hết.
Đến với thôn Bắc Bình (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ), đây là nơi bị nước ngập sâu nhất vào sáng 1.11. Ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Như Quỳnh ở ngay con đường dẫn vào thôn, đây là nơi tập kết nước và mỳ tôm cứu trợ của chính quyền để phân phát cho những hộ bị ảnh hưởng nặng. Nước lũ ở quanh nhà chị Quỳnh đã rút cách đây 3 hôm, nhưng ở bức tường của ngôi nhà vẫn còn nguyên vết bùn, vệt nước lũ ở gần nóc. "Sáng 1.11 trời hết mưa, ai cũng an tâm nghĩ không lụt lội chi nữa. Nhưng 7h nước ở đâu về xâm xấp, rồi khoảng 30 phút sau nhìn ra đồng trắng xóa nước là nước. Nước đổ về quá nhanh, lên cao nên không kịp di chuyển đồ đạc chi hết. Bao lúa phơi khô để ăn dần còn bị sũng nước, mọc mầm hết rồi còn mô" - chị Quỳnh, nhớ lại.
Vừa kể chuyện, chị Quỳnh và chồng vừa lọ mọ ở mớ đồ điện. "Phơi 2 ngày rồi mà còn "vắt" ra nước, chắc là không còn sử dụng được nữa rồi" - chị Quỳnh nhìn chiếc tivi không còn được mới và mỏng cho lắm, than thở. Ở gốc ngôi nhà, từ tủ lạnh, nồi cơm điện... đều vứt chổng chơ, xem chừng không thể sửa chữa để sử dụng được nữa. Đến những bếp lửa ở vùng nông thôn này, cũng chưa mấy nhà nhen nhúm được vì củi, rơm đều sũng nước hoặc trôi đi đâu cả. Thêm khó khăn nữa, người dân ở đây chủ yếu sử dụng nước giếng, nhưng bây giờ giếng nước nào cũng đỏ au, không thể nấu uống hay giặt giũ được.
Trong nhà, ngoài ngõ nhìn đâu cũng đã thấy khó khăn, nhưng ra đồng càng bộn bề hơn bởi sắn bị ngâm nước, thối hết củ. Rau màu thì xơ xác chỉ còn trơ gốc, đến những cánh đồng chuẩn bị vào vụ Đông Xuân cũng tràn ngập bèo lục bình ở đâu trôi về, ken dày đặc... Bà Lê Thị Thư (thôn Lâm Lang 1, xã Cam Thủy) cùng chồng nhìn 5 sào ruộng phủ kín bèo lục bình cao quá nửa người mà ngao ngán. "Bèo trôi mô trên thượng nguồn về, nếu không thu dọn thì không thể canh tác vụ tới được. Cả ngày mà hai vợ chồng chỉ kéo được mấy tấn bèo, phải nhờ bộ đội và đoàn viên ở xã đến giúp, nhưng chỉ dọn dẹp được hơn phần nửa" - bà Thư, nói.
Trước những khó khăn mà người dân đang đối diện, những ngày này, có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 968 và cán bộ, đoàn viên thanh niên ở huyện Cam Lộ đã dốc sức cùng người dân khắc phục hậu quả của cơn lũ hôm 1.11. Sức người đổ ra, nhưng về kinh phí có hạn nên khó khăn vẫn còn chồng chất ở những vùng quê bị lũ càn quét.
 Đồng bào thiểu số huyện Đak Rông bị ảnh hưởng bởi lũ lụt
nhận tiền hỗ trợ của Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động.
 Đồng chí Nguyễn Đăng Bảo và Nguyễn Thị Hoài Lê - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị
trao số tiền hỗ trợ 200 triệu đồng cho huyện Đak Rông bị ảnh hưởng bởi thiên ta
Động viên kịp thời
Trong chiều 4.11, thừa ủy quyền của Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Quảng Trị đã có mặt ở nơi tâm lũ vừa đi qua, trao quà với tổng số tiền 500 triệu đồng cho người dân ở hai huyện Cam Lộ và Đak Rông.
Tại huyện miền núi Đak Rông, đồng chí Nguyễn Đăng Bảo và đồng chí Nguyễn Thị Hoài Lê - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị đã trao tặng số tiền 200 triệu đồng cho huyện Đakrông để giúp đỡ người dân và CN VCLĐ trên địa bàn huyện khắc phục hậu quả mưa lũ. Tại huyện miền núi này, xã Hướng Hiệp  - nơi có đông đồng bào Vân Kiều, Pa Cô là nơi bị thiệt hại nặng nề do trận lũ lụt vừa qua. Bản Kreng 3 của xã Hướng Hiệp nằm cách xa trung tâm xã, đường đi hiện vẫn còn bị ngăn cách bởi sông suối sạt lở và xói mòn. Có 16 hộ ở thôn này nằm trong diện được nhận quà hỗ trợ của Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động, nhưng chỉ 12 hộ dân lọ mọ vượt đường rừng ra được trung tâm xã để nhận quà.
Ở miền núi, đây là lần đầu tiên sau hơn 40 năm, người dân nơi đây chứng kiến lũ lụt khủng khiếp như thế này. Đa số đồng bào ở đây sống dựa vào núi rừng, nghèo khổ, chẳng có tài sản gì giá trị, vậy mà lũ đến cũng cuốn phăng tất cả. Bà Hồ Thị Puôm bàng hoàng nhớ lại: "Sáng đó đang ngủ thì nghe tiếng con trai hốt hoảng đánh thức cả nhà thông báo nước lũ về. Nhìn ra thì mênh mông nước ngập lên tới tận mép nhà sàn. Cả nhà được mấy con gà bị cuốn trôi mấy, ao cá cũng bị vỡ, trôi theo lũ hết. Giờ trong nhà không còn bất kỳ tài sản gì".
Nước lũ ở đây bắt đầu tràn về vào khoảng 5h sáng ngày 1.11, trong tít tắc 16 nhà dân bị ngập, gia đình nào đông người, nhanh tay chỉ kịp cứu vớt một số ít vật dụng, thóc lúa đưa lên chỗ cao tránh nước. Nước lũ đã cuốn trôi 13ha sắn, hơn 600 con gia cầm của người dân, làm một cột điện gãy đổ và hệ thống đường dây điện bị hư hại, đến nay chưa được khắc phục. Đến trưa 1.11, khi nước lũ rút hết, người dân trong thôn mới liên lạc được với bên ngoài. Chị Hồ Thị Vân, mắt vẫn đỏ hoe khi nhận số tiền hỗ trợ của Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động, gia đình chị Vân có tài sản lớn nhất là con trâu và đàn gà 50 con. Nhưng lũ về, trâu bị cuốn trôi mất xác, đàn gà cũng táo tác bị cuốn đi đâu không rõ, đến cái chuồng gà cũng trôi nốt. Hỏi chị Vân tới đây sẽ khắc phục như thế nào, chị im lặng, đến chính quyền cũng im lặng, bởi ở huyện nghèo Đak Rông này, hoàn cảnh như chị Vân là quá nhiều, khó khăn quá nhiều nên không thể giúp đỡ hết được. đồng chí Lê Đắc Quỳ - Chủ tịch UBND huyện Đak Rông nói rằng, 200 triệu đồng của Quỹ Tấm Lòng Vàng là món quà đến sớm, kịp thời. Chính quyền huyện sẽ triển khai rà soát nghiêm túc, công bằng để số tiền hỗ trợ đến với đúng người cần được hỗ trợ.
Còn tại tâm lũ huyện Cam Lộ, cũng trong chiều 4.11, đồng chí Nguyễn Thế Lập - Tỉnh Ủy viên - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị cùng với đồng chí Trần  AnhTuấn - Phó Chủ tịch huyện Cam Lộ đã tìm đến một số gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai nặng nề nhất, trao cho mỗi gia đình một phần quà 1 triệu đồng tiền mặt. "300 triệu của Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động dành tặng cho người dân, CNVC LĐ sẽ được trao đúng địa chỉ, chúng tôi cam kết và sẽ thực hiện như vậy" - đồng chí Trần Anh Tuấn, nói.
Đúng như cam kết của đồng chí Trần Tuấn Anh, những gia đình mà chúng tôi đến thăm, trao hỗ trợ ban đầu đều là những hoàn cảnh trớ trêu, khắc khổ. Ví như hoàn cảnh của anh Thái Tăng Lâu (khu phố Đông Định, thị trấn Cam Lộ), anh Lâu bị bệnh máu không đông, đang nằm điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế, lúc xảy ra trận lụt, ở nhà anh chẳng có ai vì người thân phải vào bệnh viện chăm nom anh. Hết trận lụt, ra đến nhà anh Lâu thất thần bởi như bước vào chốn "vườn không nhà trống". Lúc chúng tôi đến trao quà hỗ trợ, anh Lâu đã trở lại bệnh viện để tiếp tục điều trị bệnh, chỉ có người bà con sang nhận giúp. Ngôi nhà của anh Lâu sau 4 ngày nước lũ rút, vẫn lạnh lẽo, hoang tàn đến nhói lòng.
Hay hoàn cảnh của bà Lê Thị Mỹ Lợi ở khu phố Thượng Nguyên (thị trấn Cam Lộ) thuộc diện gia đình thương binh liệt sĩ. Ngôi nhà bà Lợi đang ở là nhà tình nghĩa, được xây dựng đã khá lâu. Lũ về, cuốn hết bao nhiêu rác ở ngôi chợ gần đó, tống vào ngôi nhà và lùa hết áo quần, đồ dùng trong gia đình. Cầm số tiền 1 triệu đồng hỗ trợ, bà Lợi nói trước mắt sẽ mua ngay cái nồi cơm điện để nấu ăn. "Đồ đạc bị cuốn đi mô hết rồi, may mấy hôm nay có nhận được hỗ trợ mới cầm cự được, không thì đói mất" - bà Lợi, chia sẻ.=
Động viên bà con nhân dân vùng lũ, Đồng chí Nguyễn Thế Lập nói "Chúng tôi mong muốn, số tiền trên sẽ chia sẻ phần nào khó khăn trước mắt, động viên người dân và người lao động sớm khắc phục hậu quả bởi thiên tai".

Tác giả bài viết: Hưng Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây