Những người làm đẹp phố phường

Thứ tư - 06/11/2019 20:15 1.994 0
Thành phố Đông Hà mỗi ngày thải ra hàng chục tấn rác các loại. Đằng sau cuộc sống nhộn nhịp, hối hả của phố thị, có những bữa ăn vội vàng bên xe rác, những mối lo toan ẩn hiện trong giấc ngủ chập chờn và cả những niềm vui - nỗi buồn gắn liền với rác. Đó là cuộc sống của những nữ công nhân lao động quét dọn, thu gom rác thuộc Đội Môi trường, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị TP. Đông Hà.
tuy r01
Chị Hoàng Thị Kim Liễu thu gom từng túi rác bỏ vào xe lôi
Nghề vất vả
Đã hơn 3 giờ chiều nhưng trời vẫn nắng gắt. Ánh nắng bỏng rát chiếu thẳng xuống tấm lưng gầy guộc đã ướt mồ hôi nhưng chị Hoàng Thị Kim Liễu vẫn kiên trì thu gom từng túi rác bỏ vào xe lôi. Mùi rác để lâu ngày ngấm nước mưa nay gặp trời nắng lại xông lên mũi nồng nặc. Dù đã bịt 2 lớp khẩu trang nhưng chị Liễu vẫn phải nín thở. Chị nói, phải thu gom hết rác dọc tuyến đường này rồi đem về nơi tập kết rác để xe rác tới gom là xong việc của 1 ca.
Chị Liễu gia nhập “đội quân” thu gom rác tính đến nay đã hơn 18 năm. Chị phụ trách quét dọn, thu gom rác dọc tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Trãi và Phường 3. Hằng ngày, chị phải thức dậy từ 1 rưỡi sáng. Chuẩn bị xong đâu đấy, khoảng 2 giờ, chị xuất phát đi đến chỗ làm đã được phân tuyến. “Công việc buổi sáng của tôi là quét rác dọc tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Trãi. Đến khoảng hơn 6 rưỡi là xong. Về đến nhà lại lo cơm nước cho chồng con rồi tranh thủ đi chợ, làm việc nhà. 2 giờ chiều, tôi lại tiếp tục đến địa điểm được phân công để thu gom rác thải từ các hộ gia đình dọc tuyến đường này, vừa thu gom, vừa quét rác dọc đường. Làm nhanh thì 5 rưỡi xong việc, còn những hôm rác nhiều thì phải hơn 6 giờ tối mới về tới nhà”, chị Liễu nói.
Công việc hằng ngày của các chị em lao công là quét rác dọc lòng đường, vỉa hè, dải phân cách dọc tuyến đường được phân công. Chị Liễu kể, làm nghề quét rác thì phải chấp nhận khổ cực vì suốt ngày đi bộ, quét rác rồi gom rác dưới nắng mưa gió bão, chịu ảnh hưởng trực tiếp của khói bụi và khắc nghiệt của thời tiết. Nặng hơn là phải tiếp xúc với mùi hôi thối, các chất độc hại từ rác thải. “Mới đầu vào nghề, ai cũng đau lên ốm xuống cả tuần, nhưng làm miết thành quen. Thấy mình góp phần làm sạch cho diện mạo phố thị nên lấy đó làm niềm vui”, chị Liễu vui vẻ nói. Tuy nhiên, chị Liễu cũng buồn vì nhiều khi gặp những tình huống khó xử. Một số người dân thiếu ý thức vứt rác bừa bãi, khi được nhắc nhở thì thiếu tôn trọng, mắng chửi, thậm chí còn động tay động chân với các chị.
tuy r02
Chị Lê Hiếu phải thức dậy từ sớm để gom rác dọc tuyến đường Nguyễn Trãi​
Một ngày đầu tuần, tôi gặp chị Lê Hiếu đang đi gom rác từng nhà dọc tuyến đường Nguyễn Trãi. Chị Hiếu hành nghề ngót nghét 20 năm. Mỗi ngày, chị dậy từ 2 giờ sáng quét rác gần 1 cây số dọc đường Nguyễn Trãi. Đến khoảng 7 giờ sáng là hoàn tất. Từ 2 giờ chiều đến 7 giờ tối, chị Hiếu thu gom rác thải của 240 gia đình dọc tuyến. “Vì đặc thù của nghề nên chị em phải thức khuya dậy sớm hay dầm mình dưới nắng mưa. Có hôm gặp phải những gia đình bỏ rác trực tiếp vào thùng đựng rác cao su, không lót túi nilon phía dưới trong khi thùng đựng rác bằng cao su thường rất nặng, khó bưng bê, vì vậy chúng tôi thường phải dùng tay để lấy rác thải ra. Trong thùng rác thì không thấy được gì nên bị sắt thép sắc nhọn, tăm nhọn đâm vào tay dẫn đến nhiễm trùng cho dù đã trang bị 2 lớp găng tay. Trường hợp thứ 2 là quét rác những nơi công trình đang xây dựng. Hầu hết, các công trình xây dựng thường xả nhiều đất cát, xi măng ra lòng, lề đường. Việc thu gom, quét dọn đất cát, bụi xi măng mất nhiều thời gian. Ở những nơi lòng lề đường bị xuống cấp thì công việc càng khó khăn hơn”, chị Hiếu kể. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, chị em lao công phải hoạt động hết công suất để đảm bảo vệ sinh cho thành phố, dù có nhiều hôm phải nhịn ăn xuyên bữa, các chị cũng cố gắng hoàn thành tiến độ công việc.
Giỏi việc công, đảm việc nhà
Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, chị Liễu kể với tôi, gia đình chị có 4 người. Chồng chị làm nghề lái xe. “Anh chị có con gái đầu đang học đại học ngành Quản trị doanh nghiệp tại Hà Nội. Còn thằng út thì đang học lớp 8. Mặc dù nghề này lắm vất vả, khổ cực nhưng chị cũng cố gắng chắt bóp để nuôi con cái ăn học. Bé đầu của chị đang học năm cuối, sang năm tốt nghiệp ra trường, vợ chồng chị sẽ đỡ cực hơn. Cả anh và chị đều đi sớm về khuya, may mà các con đều chăm ngoan và hiếu học nên anh chị lấy đó làm niềm động viên, vượt qua khó khăn trong cuộc sống”, chị Liễu cười, ánh mắt lấp lánh hạnh phúc.
Ngồi cạnh tôi, chị Hiếu cũng phấn chấn hơn sau non buổi sáng làm việc cật lực khi nhắc đến chuyện con cái. Chị Hiếu có 3 người con. Đứa út đang học tiểu học, đứa thứ học THCS và đứa đầu thì học THPT. Chồng chị làm nghề thợ xây, công việc không ổn định nên thu nhập của chị là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình. “Mặc dù tiền công thấp nhưng nếu chăm chỉ thì mỗi tháng, chị kiếm được khoảng 5 triệu đồng. Cộng thêm tiền công phụ hồ của chồng nữa, chị phải tính toán, tiết kiệm để nuôi các con ăn học. Dù khó khăn đến mấy thì anh chị vẫn gắng cho con đi học để có kiến thức mà lập thân, lập nghiệp”, chị Hiếu trải lòng.
tuy r03
 Các chị em lao công phải dầm mình dưới nắng mưa, khói bụi để quét dọn, thu gom rác thải cho thành phố sạch hơn​
Không chỉ có chị Liễu, chị Hiếu mà còn rất nhiều chị trong đội môi trường nuôi con khôn lớn, ăn học đàng hoàng. Trong những bữa ăn vội bên xe rác, các chị thường đùa với nhau rằng, người ta thường chê rác hôi, bẩn, nghề gom rác không được cao sang, sạch sẽ nhưng với các chị, nghề gom rác cũng rất quan trọng và cao quý như bao nghề. Bởi, nhờ các chị mà phố phường sạch đẹp, thoáng đãng.  
Vợ chồng cùng thu gom rác
Trong cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Hồng Sơn, Đội trưởng Đội môi trường 2, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị TP. Đông Hà, chúng tôi biết thêm 1 thông tin thú vị, rằng trong đội môi trường, có nhiều trường hợp vợ chồng, anh chị em trong gia đình đều làm nghề thu gom rác thải. Đơn cử như vợ chồng chị Nguyễn Thị Gái, anh Trương Đức Thắng. Chị Gái làm ở đội môi trường hơn 20 năm còn anh Thắng làm lái xe thu gom rác ở đội xe cũng đã 18 năm nay. “Vào làm công ty một thời gian thì tôi và anh ấy gặp gỡ, quen rồi cưới nhau. Nay vợ chồng tôi đã có 2 cháu nhỏ. Cháu đầu học lớp 10, cháu út học lớp 6. Vì 2 vợ chồng đều làm trong nghề, đi sớm về muộn nên chúng tôi phải cố gắng sắp xếp để có thời gian bên các con. Dù vất vả nhưng vợ chồng thấu hiểu, cùng chia sẻ khó khăn và được các anh chị em trong đội, trong công ty tạo điều kiện nên vợ chồng tôi có thêm thời gian để đưa đón các con đến trường, chuẩn bị cho các con bữa cơm gia đình ấm cúng mỗi ngày”, chị Gái chia sẻ.
 Còn có rất nhiều cặp vợ chồng hay anh chị em trong gia đình cùng làm nghề và luôn được anh chị em trong đội, trong công ty tạo điều kiện trong công việc. Anh Sơn thông tin thêm: “Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị TP. Đông Hà có 2 đội thu gom rác là đội môi trường 1 và 2. Riêng đội 1 do anh Sơn quản lí có 64 thành viên thì 58 người là phụ nữ. Người trẻ nhất hơn 26 tuổi, người già nhất gần 50 tuổi. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống nhưng các chị vẫn luôn yêu nghề. Ngoài quét dọn, thu gom rác, các chị còn kiêm thêm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Nhờ có các chị nên phố phường ngày càng xanh, sạch, đẹp”.

Tác giả bài viết: Trần Tuyền (Báo QT)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây