Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Thứ sáu - 29/09/2023 02:46 193 0
Thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thuận lợi, khó khăn tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Tuy nhiên, tình hình chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, niềm tin của cộng đồng DN và người dân ngày càng tăng lên. Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển DN sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trong SX-KD. Nhiều chương trình, dự án động lực, trọng điểm của tỉnh được khởi động sẽ tạo nền tảng phát triển KT-XH trong thời gian tới.
114d6142120t703l0 truc 9102
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy chế biến nông sản Đông Hà, thuộc Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị

Nghị quyết số 45/2023/ NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 19/7/2023 với nhiều nội dung quan trọng, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh trong những năm tới. Trong đó, một trong những nhiệm vụ cấp bách cần triển khai thực hiện trong năm 2023 là nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn như: Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế ĐôngTây, Khu Công nghiệp Quảng Trị, Cảng Mỹ Thủy, Cảng hàng không Quảng Trị, Đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, Đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo...

Cùng với đó, chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên cơ sở khai thác, phát huy các ngành có lợi thế như: công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp silicat, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Tăng cường thu hút các dự án đầu tư công nghiệp lớn, công nghệ tiên tiến, nhất là các dự án động lực tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh.

Theo dự báo, khi các dự án động lực của tỉnh được hiện thực hóa, những năm tới, số lượng công nhân, lao động ở các địa phương sẽ tăng, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước. Cùng với những kỳ vọng từ các dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh như tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ thì cũng đặt ra không ít thách thức như yêu cầu nguồn lao động chất lượng cao, lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ cao trong SX-KD. Nhu cầu về nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, các thiết chế văn hóa cho NLĐ sẽ là vấn đề bức bách.

Trong khi đó, nhìn chung chất lượng nguồn lao động của tỉnh hiện nay còn thấp, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và lao động có tay nghề. Một số DN không đủ sức cạnh tranh có thể bị giải thể, phá sản, làm mất đi cơ hội việc làm của NLĐ. Ở những DN có mức độ ứng dụng khoa học, công nghệ cao, NLĐ không có hoặc trình độ tay nghề thấp sẽ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, một bộ phận NLĐ yếu thế có nguy cơ bỏ lại phía sau, lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh.
114d6142220t7013l4 z4685846859648 0450b
Cầu Cửa Việt

Trong khi đó, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Duyên hải miền Trung, một trong những trung tâm năng lượng của khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và cả nước.

Tham gia tích cực và chủ động vào các hoạt động giao thương, liên kết trên Hành lang kinh tế Đông-Tây và là hạt nhân quan trọng trong chuỗi cung ứng thương mại, du lịch, vận tải và logistics giữa Quảng Trị với các nước gồm: Lào, Thái Lan, Myanmar và các nước Đông Nam Á, Tây Á. Trong đó xác định 5 ngành trọng điểm để tập trung phát triển trong thời gian tới là năng lượng, du lịch, dịch vụ logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao. Đây là những ngành đòi hỏi cần số lượng lớn lao động có chất lượng, tay nghề cao.

Bên cạnh đó, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ cụ thể để thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như xây dựng Đề án thành lập Trung tâm đào tạo nghề cho toàn bộ khu vực, cung cấp ra thị trường lao động cho toàn vùng và trên Hành lang kinh tế Đông-Tây; Đề án sáp nhập Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị với Trường CĐSP tỉnh Quảng Trị thành trường đại học thành viên thuộc Đại học Huế tại Quảng Trị để cung cấp nguồn nhân lực cho tỉnh và cho vùng, thực hiện thành công Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về về phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho tổ chức công đoàn phải phát huy vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền xây dựng các đề án, chương trình liên quan đến việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho NLĐ, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động gắn với việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ các dự án trọng điểm của tỉnh, các cơ chế, chính sách, huy động nhiều nguồn lực vào hoạt động đào tạo nghề cho NLĐ. Xây dựng các giải pháp hữu hiệu cải thiện môi trường và điều kiện làm việc.

Mặt khác, tổ chức công đoàn phối hợp với ngành thông tin, truyền thông để chuyển đổi số, từng bước ứng dụng công nghệ, thế mạnh internet, tạo bước đột phá trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp cho ĐV, NLĐ, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

 

Tác giả bài viết: Báo quảng trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây