Thỏa ước lao động tập thể, nơi tổ chức công đoàn thể hiện rõ nhất vai trò đại diện cho đoàn viên, NLĐ

Thứ bảy - 30/09/2023 02:52 334 0
Nguyễn Thị Hoài Lê, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

Trong nền kinh tế thị trường, thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động. Trên cơ sở đó, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN) và cũng là công cụ quan trọng của Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ NLĐ. Các bản thỏa ước này nếu được ký kết một cách công khai, minh bạch, dân chủ, phản ánh một cách công bằng nhất lợi ích các bên, chắc chắn sẽ giúp DN tránh được các rủi ro khi xảy ra xung đột giữa người chủ sở hữu lao động và người lao động.

Trong nhiệm kỳ qua, phát huy vai trò đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các cấp công đoàn chú trọng, hướng dẫn các công đoàn cơ sở (CĐCS) triển khai thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại DN, đơn vị.
114d6141245t865l7 anh bai so 3 nang ca

Đã có nhiều cách làm hiệu quả nâng cao chất lượng TƯLĐTT như: triển khai đồng loạt “Ngày ký kết TƯLĐTT” nhân dịp “Tháng công nhân” hằng năm; tổ chức diễn đàn trao đổi kinh nghiệm “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT”; tập huấn quy trình đối thoại, thương lượng ký kết TƯLĐTT cho cán bộ CĐCS các DN; xây dựng thư viện TƯLĐTT trên Website LĐLĐ tỉnh cung cấp mẫu TƯLĐTT tiêu biểu cho CĐCS tham khảo; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các cam kết trong TƯLĐTT...

Kết quả đến nay có 91% DN từ 10 lao động trở lên đã thành lập tổ chức công đoàn có TƯLĐTT. LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh thương lượng và ký kết thành công 2 TƯLĐTT nhóm DN (nhóm các DN chế biến gỗ và nhóm các DN sản xuất vật liệu xây dựng).

Các bản TƯLĐTT đều có từ 3 đến 10 điểm có lợi hơn cho đoàn viên, nâng cao hơn quyền lợi của người lao động NLĐ so với quy định pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo đảm việc làm, tiền lương, thưởng, cải thiện điều kiện làm việc, một số chế độ đối với lao động nữ, ăn ca, tổ chức tham quan nghỉ mát, thăm hỏi khi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất, hiếu hỷ, mừng sinh nhật, trợ cấp tiền tàu xe khi nghỉ phép, hỗ trợ phương tiện đi lại, mua bảo hiểm thân thể...

Bình quân hằng năm có gần 9.000 đoàn viên ở khu vực DN được hưởng lợi. Hiệu quả đem lại rất lớn, tuy nhiên, đến nay số lượng và chất lượng các CĐCS thương lượng tập thể, ký kết TƯLĐTT khu vực ngoài nhà nước còn thấp. vẫn còn trên 35% DN chưa có TƯLĐTT, số TƯLĐTT đạt loại A chưa nhiều.

Nhiều DN chưa sử dụng Thỏa ước như “Bộ luật của DN” để giải quyết các vấn đề về quan hệ lao động. Một số DN không thực hiện đúng, đủ những cam kết trong thỏa ước, đổ lỗi vì lý do khách quan, trong khi đó tổ chức Công đoàn và NLĐ cũng không có ý kiến, không đấu tranh quyết liệt. TƯLĐTT tại một số đơn vị hầu như không có sự tham gia của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Sở dĩ vẫn còn những hạn chế nêu trên vì một số nguyên nhân. Không ít người sử dụng lao động và kể cả Ban chấp hành CĐCS chưa nhận thức được tầm quan trọng của TƯLĐTT, do đó chưa quan tâm đến việc nâng cao thương lượng, xây dựng, ký kết TƯLĐTT...

Một số công đoàn cấp trên chưa dành sự quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong công tác hỗ trợ CĐCS thương lượng, ký kết TƯLĐTT; còn thiếu luật sư công đoàn chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật, công đoàn. Cán bộ CĐCS DN chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm, kiến thức về pháp luật, trình độ, kỹ năng thương lượng còn hạn chế; luôn bị sức ép về việc làm, tiền lương của chủ DN trong khi cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa đủ mạnh, do vậy cán bộ CĐCS còn e ngại trong việc đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ.

Việc nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng ký kết TƯLĐTT trong DN khu vực ngoài nhà nước nhằm đạt được mục tiêu trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” được Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Quảng Trị lựa chọn là 1 trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ tới. Vì vậy cần tập trung một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và NLĐ về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT.

Thứ hai, kỹ năng thương lượng chuyên nghiệp sẽ cho ra đời của những bản TƯLĐTT chất lượng sẽ khẳng định và nâng cao vị thế của Công đoàn trong vai trò đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ. Vì vậy, cần tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ CĐCS nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia thương lượng, đàm phán với doanh nghiệp trong xây dựng TƯLĐTT; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Công đoàn trong thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện TƯLĐTT trong DN. Tập huấn cách thức kiểm tra, đánh giá, chấm điểm TƯLĐTT.

Thứ ba, công đoàn cấp trên cơ sở chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT ở các DN, đảm bảo quyền lợi tập thể và trách nhiệm giữa NLĐ và người sử dụng lao động.

Thứ tư, tổ chức các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm trong công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho cán bộ CĐCS. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động và Hiệp hội DN tỉnh trong việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành, nhóm ngành nghề. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện TƯLĐTT.

Thứ năm, hằng năm giao chỉ tiêu cho các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về hỗ trợ CĐCS thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng các TƯLĐTT; sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, biểu dương khen thưởng các đơn vị làm tốt; kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thứ sáu, phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia TƯLĐTT của Tổng LĐLĐ Việt Nam để cán bộ chuyên trách công đoàn phụ trách về công tác TƯLĐTT được đào tạo về kỹ năng thương lương tập thể; trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng thương thảo để giúp cán bộ công đoàn tại các cơ sở tự tin đàm phán với chủ DN, để có thể đưa ra những điều khoản cao hơn luật, có lợi hơn cho NLĐ, đặc biệt là vấn đề tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời gian làm việc. Quan tâm công tác đào tạo để xây dựng được ít nhất 1 luật sư công đoàn chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật, công đoàn.

Thứ bảy, trong tình hình DN gặp khó khăn hiện nay, công đoàn các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn tới NLĐ, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn, lấy quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của NLĐ làm động lực ổn định DN và ngược lại, phát triển DN là cơ sở để tạo việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống của NLĐ. Phát động các phong trào thi đua, sáng kiến, cải tiến nhằm tăng năng suất lao động, góp phần cải thiện hiệu quả SX-KD của DN.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây