Ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể: Thực trạng và những vấn đề cần quan tâm

Thứ tư - 26/11/2014 03:27 7.220 0
Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là văn bản thỏa thuận giữa tập thể người lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Nội dung TƯLĐTT không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, nhất là quy định của Bộ luật Lao động.
Trong quá trình thương lượng ký kết TƯLĐTT, công đoàn cần quan tâm đến các điều kiện làm việc để tăng thêm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động
Trong quá trình thương lượng ký kết TƯLĐTT, công đoàn cần quan tâm đến các điều kiện làm việc để tăng thêm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động
Thực tế cho thấy, trong những năm vừa qua trên địa bàn cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng, mối quan hệ lao động đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, đòi hỏi cần có những giải pháp nhằm tạo ra sự hài hòa về lợi ích của cả hai phía. Vì vậy, việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT với những quy định có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo ra mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Theo số liệu của Liên đoàn Lao động tỉnh, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động, sử dụng gần 33.000 lao động, trong đó chủ yếu là DN nhỏ. Số DN có đăng ký đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động chỉ có 500 đơn vị. Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 50% DN trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, có nguy cơ giải thể, ngừng hoạt động. Hiện đã có 31 DN giải thể, 32 DN tạm dừng hoạt động, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, thu nhập của người lao động. Tình trạng vi phạm pháp luật về lao động và công đoàn tại các DN xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là việc nợ đọng, trốn đóng BHXH cho người lao động diễn ra khá phức tạp…Tình hình đó tạo ra những khó khăn thách thức rất lớn cho hoạt động công đoàn trong thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong bối cảnh này, việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT trong DN càng cần phải được quan tâm một cách thực chất hơn…
Qua công tác phối hợp, kiểm tra tình hình thực tế các doanh nghiệp trong những năm gần đây cho thấy, đa số công đoàn cơ sở (CĐCS) các doanh nghiệp đã chủ động yêu cầu với người sử dụng lao động để thương lượng, ký kết, hoặc sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT. Một số DN hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả luôn duy trì việc ký kết và thực hiện TƯLĐTT, đồng thời thường xuyên xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung TƯLĐTT cho phù hợp với khả năng, điều kiện của DN cũng như người lao động. Nội dung TƯLĐTT của một số DN đã có nhiều điểm có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật như: Chế độ hiếu hỷ, đảm bảo việc làm, mức lương cơ bản, chế độ nâng bậc lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ bồi dưỡng sức khỏe, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, chế độ ăn giữa ca, tặng quà sinh nhật, trợ cấp khó khăn đột xuất, thi đua khen thưởng và các chế độ phúc lợi khác. Tiêu biểu nhất trong số DN này là bản TƯLĐTT của Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị, một trong những đơn vị có nhiều hoạt động nổi bật trong việc chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.
Tuy nhiên, tỷ lệ DN tiến hành thương lượng, ký kết TƯLĐTT theo đúng trình tự, thủ tục quy định vẫn còn thấp; nhiều DN xây dựng, ban hành TƯLĐTT mang tính hình thức, đối phó. Việc thương thảo, xây dựng rất khó khăn. Chất lượng TƯLĐTT vì vậy không cao, chủ yếu chỉ sao chép lại một số nội dung của bộ Luật Lao động. Nhiều DN xây dựng và ban hành những văn bản TƯLĐTT rất dài dòng nhưng thực chất chẳng có một điều khoản nào được thông qua bằng con đường thương lượng và thực sự có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Không ít người sử dụng lao động và kể cả Ban chấp hành CĐCS chưa nhận thức được tầm quan trọng của TƯLĐTT, do đó chưa quan tâm đến việc thương lượng, xây dựng, ký kết TƯLĐTT. Đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 36/131 DN đã thành lập CĐCS nhưng không có TƯLĐTT, chiếm tỷ lệ 28%.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thực trạng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do một số quy định của pháp luật về vấn đề này vẫn chưa rõ ràng, đồng bộ. Việc thương lượng, xây dựng và ký kết TƯLĐTT chưa thực sự là yêu cầu bắt buộc đối với DN. Hoạt động của tổ chức công đoàn trong việc thương lượng, thỏa thuận với chủ DN nhằm làm tăng quyền lợi cho người lao động quả thật rất khó khăn. Đa số DN chỉ muốn thực hiện các điều kiện lao động theo quy định của luật pháp. Kỹ năng đối thoại, thương lượng của cán bộ công đoàn còn rất nhiều hạn chế. Không ít DN chỉ chú trọng tìm kiếm lợi nhuận, không quan tâm tới đời sống vật chất và tinh thần của người lao động…
Thực trạng đó đòi hỏi các cấp công đoàn cần tăng cường hơn nữa vai trò của mình trong việc nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT. Trong quá trình chờ đợi sự hoàn thiện của pháp luật về quy định trách nhiệm của DN trong việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT một cách đồng bộ, rõ ràng hơn, các cấp công đoàn cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kế hoạch và giải pháp nhằm tập trung thực hiện tốt chương trình số 1468/CTr-TLĐ ngày 09 tháng 10 năm 2013 về “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể” của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam (Khóa XI); nhất là tập trung thực hiện hướng dẫn số 1840/HD-TLĐ ngày 04 tháng 12 năm 2013 “Về việc thực hiện quyền và trách nhiệm của công đoàn trong thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể”. Đây có thể nói là văn bản hướng dẫn khá chi tiết, súc tích, dễ hiểu và dễ áp dụng để thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của công đoàn trong thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, nếu được triển khai nghiêm túc sẽ tạo được chuyển biến trong lĩnh vực này.
Trong thời gian trước mắt, để thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch trên, thiết nghĩ các cấp công đoàn cần triển khai thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
- Công đoàn cấp trên cơ sở cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn đào tạo cán bộ CĐCS nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia thương lượng với DN trong việc xây dựng TƯLĐTT tại đơn vị.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác lãnh đạo đối với việc thương lượng, xây dựng và ký kết TƯLĐTT theo phương pháp: Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh để thành lập tổ tư vấn hỗ trợ CĐCS trong việc thương lượng, xây dựng và ký kết TƯLĐTT. Các thành viên tổ tư vấn sẽ xuống hỗ trợ các CĐCS tiến hành thương lượng với chủ DN để ký kết TƯLĐTT theo phương pháp làm điểm ở mỗi huyện, ngành một vài đơn vị, sau đó sẽ đúc rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng.
Song song với đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động cho người sử dụng lao động, người lao động và cán bộ công đoàn để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về lao động; Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của các DN. Các cấp các ngành cũng cần quan tâm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn để giúp DN ổn định và phát triển sản xuất. Có như vậy DN mới yên tâm và có điều kiện thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động, thực hiện tốt trách nhiệm của DN trong vấn đề đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động./.
                                                                             Bài, ảnh: Võ Quyết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây