Hơn cả “một ngày đến trường là một ngày vui”

Thứ năm - 04/07/2024 20:53 74 0
Khẩu hiệu ở mỗi cơ quan, đơn vị trường học hay bất kì ở đâu cũng là điều lí tưởng để động viên, khích lệ tinh thần của tập thể hướng đến. Trường Mầm non A Túc ở xã Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã đề ra khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đến “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui - no - sạch”, nhà trường đã biến câu khẩu hiệu thành hiện thực, thậm chí vượt xa khỏi khẩu hiệu đó.
Hiện thực hóa câu khẩu hiệu

Tôi đến thăm Trường Mầm non A Túc lần đầu tiên đúng vào giờ ăn trưa của các cháu, thật bất ngờ khi chứng kiến hình ảnh các cháu mặt mũi, chân tay và áo quần gọn gàng sạch sẽ, nhanh nhẹn và trật tự với các thao tác trong bữa ăn. Nhìn các cháu ăn uống ngon lành, vui vẻ thật khiến các cô vui lây.

Bất ngờ bởi trong hình dung của không ít người về hình ảnh của những trẻ em vùng cao, vùng sâu vùng xa là mặt mũi lấm lem, quần áo bụi bặm và chân trần trên đất. Điều đáng nói, những hình ảnh đẹp tôi đang chứng kiến là hình ảnh chân thực hằng ngày, không phải hình ảnh để đón đoàn kiểm tra của cấp trên hay để quay phim, chụp hình truyền thông… Và tôi biết, để có được điều này là sự nỗ lực của tập thể nhà trường.
1 6
Giờ ăn trưa của trẻ tại Trường Mầm non A Túc.
Từ câu khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đến “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui - no - sạch”, Ban lãnh đạo Trường Mầm non A Túc đã thấu hiểu được những thiệt thòi của trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nên đã trăn trở, tâm huyết để tìm ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất để bù đắp những thiệt thòi cho các cháu.

Trước hết là đổi mới hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, phối hợp chặt chẽ với y tế triển khai các biện pháp theo dõi, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng. Đồng thời, tăng cường các hoạt động vệ sinh, chăm sóc và bảo đảm an toàn cho trẻ em; đẩy mạnh giáo dục trẻ kỹ năng thực hành vệ sinh cá nhân, luyện tập một số thói quen tốt về tự phục vụ, giữ gìn sức khỏe.

Cùng với đó, lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho trẻ trong các hoạt động trong ngày. Đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn theo quy định, thay đổi thực đơn theo tuần để trẻ được ăn ngon và ăn no, huy động thêm các nguồn lực để cải thiện thêm bữa ăn cho cháu như sự hỗ trợ bữa ăn trưa từ Câu lạc bộ Ánh Sao cho trẻ từ 24 - 36 tháng tuổi. Tăng cường công tác, kiểm tra và sự tham gia giám sát của Ban đại diện cha mẹ trẻ em trong việc bảo đảm chất lượng bữa ăn và an toàn thực phẩm.
2 4
Định kỳ, cán bộ y tế đến kiểm tra cân nặng và sức khoẻ cho trẻ. 
Các cháu không chỉ được bù đắp thiệt thòi về vật chất mà còn được bù đắp thiệt thòi về mặt tinh thần, nhà trường đã huy động nhiều nguồn lực từ các nhà hảo tâm và phụ huynh để trang bị tivi cho tất cả các phòng học, nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ nhằm tạo hứng thú và nâng cao hiệu quả giáo dục cho trẻ.

Điểm mới đầy sáng tạo của nhà trường là tổ chức nhiều hoạt động để giáo dục trẻ bằng những điều mới lạ, hấp dẫn và lôi cuốn. Đó là những hoạt động trải nghiệm như Lễ hội cồng chiêng, Ngày hội chú bộ đội (22/12), Nhảy dân vũ 8/3, Ngày hội sách, tham quan Hồ Lìa, Ngày chuyển đối số quốc gia… Đặc biệt là tổ chức giao lưu trẻ 5 tuổi với thầy cô giáo và học sinh lớp 1 Trường Tiểu học A Túc, đây là những hoạt động đầy tâm huyết và sáng tạo của tập thể nhà trường.
3 4
Hoạt động trải nghiệm của trẻ cùng các cô giáo và phụ huynh
Các hoạt động được diễn ra có sự tham gia phối hợp của các cô giáo và phụ huynh, với các nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương như: sỏi, trẻ, hoa, đồ dùng gia đình để thực hiện trong các ngày hội, lễ. Trẻ thấy thích thú và hạnh phúc khi được tham gia cùng các cô và bố mẹ mình, là điều không dễ thực hiện ở vùng khó khăn như thế này.

Kết quả đạt được là số lượng trẻ đến trường cao hơn 90%, trẻ tham gia các hoạt động tích cực hứng thú, vốn tiếng Việt của trẻ được nâng cao. Đối với trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 đó là hiểu và nói được tiếng Việt, mạnh dạn tự tin, có các kĩ năng tự chăm sóc cá nhân, tham gia hoạt động nhóm, đọc được chữ cái, hiểu về môi trường xung quanh, biết yêu thương người thân, bạn bè và thầy cô.
4 4
Trường Mầm non A Túc tổ chức ngày hội chú bộ đội tại trường.
Các thầy, cô giáo Trường Mầm non A Túc đã biến câu khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thành “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui - no - sạch” như lời chia sẻ của nhiều phụ huynh: “Chúng tôi mong muốn con được đến trường mãi, kể cả thứ 7 và Chủ nhật. Đến trường để được ăn ngon, được vệ sinh sạch sẻ, để được các cô thương và biết tiếng Việt để vào lớp 1”.

Khẩu hiệu là vui nhưng thực tế vượt xa hơn mong đợi là đã trở nên rất vui vì các em được vui - no – sạch, một việc rất khó với trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Làm thế nào để các cô đem hơn cả niềm vui cho các trẻ?

Người Rôma có câu “Không ai có thể cho cái mình không có”, bạn phải hạnh phúc mới đem lại niềm hạnh phúc cho người khác. Các cô giáo ở đây có đủ tình yêu thương với trẻ và chính công việc đem đến niềm vui và hạnh phúc cho trẻ cũng là động lực, niềm vui của các cô mỗi ngày nhưng cuộc sống cá nhân các cô vẫn còn không ít khó khăn, cần sẻ chia và giúp đỡ.

Ban lãnh đạo Trường Mầm non A Túc đã chú trọng đặc biệt đến công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường. Các cô được quan tâm từ tinh thần đến đời sống vật chất. Ngoài tiền hỗ trợ dịp lễ Tết, các cô được may áo quần đồng phục và được hỗ trợ thêm 300.000 đồng/năm đối với cô giáo đứng lớp nhà trẻ và các cô cấp dưỡng; hỗ trợ cho 2 góc học tập cho 2 gia đình cán bộ, giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, chưa có góc học tập với số tiền 2,7 triệu đồng.
5 5
Các em học sinh thích thú tham gia Ngày hội đọc sách cho bé.
Điểm sáng tạo hiệu quả nhất trong công tác bồi dưỡng đội ngũ chính là nhà trường đã phát huy tối đa vai trò của các cô giáo người dân tộc thiểu số, đội ngũ chủ yếu của nhà trường.

Cô giáo Lâm Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Mầm non A Túc chia sẻ: “Vì trẻ ở đây mới đến trường mầm non, mới bập bẹ tập nói nên những cô giáo người địa phương dạy trẻ là một ưu thế rất lớn. Ở đây, các cô giáo đều là những người thân quen nên công tác phối hợp với phụ huynh để cùng chăm sóc trẻ trong các hoạt động của nhà trường là điều thuận lợi, có hiệu quả”.

Các cô giáo người dân tộc thiểu số có nhiều thuận lợi trong giáo dục trẻ, nhà trường cũng đã chú trọng bồi dưỡng thêm những kỹ năng còn hạn chế như: thiếu tự tin, chưa giỏi ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp dạy học. Một cách bồi dưỡng rất thiết thực và hiệu quả được triển khai tại nhà trường là phân công bồi dưỡng hỗ trợ 1-1 (1 giáo viên giỏi ứng dụng công nghệ thông tin và 1 giáo viên dân tộc thiểu số chưa giỏi) với cách này, các cô được chỉ dẫn tận tình, sâu sát.

Ngoài ra, nhà trường còn thuyết phục động viên các cô tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện. Nhà trường đã phân công giáo viên giúp đỡ, hỗ trợ và hướng dẫn trực tiếp các cô tham gia dự thi. Qua cuộc thi, các cô không chỉ đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện mà còn được nâng cao năng lực giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin..., từ đó giúp các cô tự tin hơn rất nhiều.
6 4
Cô giáo Hồ Thị Tua trả lời phỏng vấn của phóng viên đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị.
Từ một giáo viên còn rụt rè, tự ti, cô giáo Hồ Thị Tua đã mạnh dạn tự tin trả lời phỏng vấn của phóng viên đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị rằng: “Các cháu ở đây 100% là người Vân Kiều, Pa Cô. Trong quá trình dạy học, chúng tôi đã sử dụng song ngữ để truyền đạt những kiến thức cho các cháu để các cháu dễ dàng giao tiếp và tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng, hứng thú hơn khi học”.

Để trở thành một giáo viên mầm non đứng lớp như hôm nay, các cô giáo đã trải qua quá trình nỗ lực, vượt qua khó khăn để vươn lên. Các cô cũng chính là một tấm gương gần gũi, chân thực nhất để giáo dục thế hệ trẻ, làm tốt nhiệm vụ giáo dục trẻ mầm non nơi đặc biệt khó khăn này.
7 4
Trường Mầm non A Túc tổ chức cho trẻ tham quan hồ Lìa.
Để có được những kết quả như thế, không thể quên những con người thầm lặng đằng sau, đó là Ban lãnh đạo, Ban chấp hành công đoàn của nhà trường đã luôn yêu thương, tìm tòi sáng tạo và đồng hành, chia sẻ cùng các cô và người dân ở nơi đây.

Với trẻ dân tộc thiểu số, nhất là vùng kinh tế đặc biệt khó khăn thì yếu tố nhà trường có vai trò quyết định, để có thêm nhiều cơ quan, đơn vị biến khẩu hiệu thành hiện thực, chúng ta thay đổi được suy nghĩ mặc định của nhiều người rằng “Băng rôn, khẩu hiệu không phải để hô hào…!”.

 
BÀI DỰ THI CUỘC THI VIẾT "CÔNG NHÂN VÀ CÔNG ĐOÀN QUẢNG TRỊ" NĂM 2024

Tác giả bài viết: Thủy Lâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây