Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư của Đảng (9-2-1907 – 9-2-2017) : Đồng chí Trường Chinh – Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định

Thứ năm - 09/02/2017 04:16 2.927 0
Đồng chí Trường Chinh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chiến sỹ cộng sản kiên cường, một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam, luôn xuất hiện như một ngọn cờ ở những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907-9/2/2017)
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907-9/2/2017)
Với 81 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục (1925-1988), đồng chí được phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Quyền Tổng Bí thư, rồi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam… Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII.
Trên mọi cương vị công tác, đồng chí luôn thể hiện là người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có đạo đức cách mạng trong sáng, chân thành, khiêm tốn, giản dị.
1. Trường Chinh - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định vùng đất địa linh nhân kiệt, được giáo dục chu đáo, lại có tư chất thông minh, hiếu học, có ước mơ và hoài bão lớn, đồng chí đã sớm thể hiện tư chất và bản lĩnh của một nhà cách mạng chuyên nghiệp vì đất nước dân tộc. 
Năm 1925, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí tích cực tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước ở Thành Nam, do tham gia phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và lãnh đạo bãi khóa để truy điệu cụ Phan Châu Trinh, đồng chí bị nhà trường đuổi học.
Không về quê nhà đồng chí tiếp tục hoạt động trong phong trào thanh niên, học sinh được giác ngộ cách mạng và gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên năm 1927 tham gia vào tiến trình vận động thành lập Đảng và trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản ngay từ khi Đảng ra đời và trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp, góp phần đưa cách mạng nước ta vào giai đoạn lịch sử mới theo Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Vượt qua địa ngục trần gian ở nhà tù Hỏa Lò và Sơn La (1930-1936), đồng chí đã cống hiến, đóng góp to lớn vào cuộc vận động dân chủ (1936-1939) do Đảng ta lãnh đạo. Năm 1940, hệ thống tổ chức của Đảng bị kẻ thù phá vỡ, hầu hết các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc đó bị thực dân Pháp bắt và giết hại. Vượt qua sự truy sát của kẻ thù, đồng chí Trường Chinh đã nỗ lực tổ chức lại bộ máy của Đảng và trở thành Quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng.
Tháng 5-1941, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, với đóng góp to lớn đối với cách mạng, tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí được bầu là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Duơng. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám vĩ đại (1945), đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Trường Chinh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, giữ vững thành quả cách mạng, chuẩn bị toàn diện để dân tộc bước vào cuộc chiến tranh ái quốc trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1951, Đảng ta ra hoạt động công khai. Được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã cùng Trung ương Đảng và Bác Hồ lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta tập trung mọi nguồn lực làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ. Từ sau năm 1957, là ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trên cả nước, giải phóng miền Nam thống nhất Tố quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. 
Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng chí tiếp tục có những đóng góp quan trọng đối với sự nhiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong việc khởi xướng công cuộc đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
2. Trường Chinh - Nhà chiến lược, nhà tổ chức tài năng 
Đồng chí Trường Chinh được bầu là Quyền Tổng Bí thư của Đảng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1940. Sau đó, ba lần đồng chí được tín nhiệm bầu là Tổng Bí thư của Đảng ta. Điều hết sức đặc biệt đó cho thấy, đồng chí không chỉ là một nhà chiến lược kiệt xuất, góp phần hoạch định đúng đắn đường lối của Đảng, mà còn là nhà tổ chức tài năng đã thực hiện thắng lợi các chiến lược đó trong suốt thế kỷ XX. 
Dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa I) do đồng chí Trường Chinh chuẩn bị là sự “thay đổi chiến lược”, là “chính sách mới” của Đảng, đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc - giai cấp, dân tộc - quốc tế, tạo ra bước phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng nước ta trong tiến trình vận động cách mạng giải phóng dân tộc.
Vì nhiệm vụ cách mạng, hai lần lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phải công tác nước ngoài, trong thời gian này đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức triển khai “chính sách mới” của Đảng, phát triển mạnh mẽ Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng, tổ chức lực lượng vũ trang và kịp thời ra Chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ra, chuẩn bị đầy đủ điều kiện phát động tổng khởi nghĩa khi thời cơ tới, dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, làm thay đổi vận mệnh của dân tộc. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức toàn dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc và thực hiện sách lược “hòa để tiến” giữ vững Nhà nước dân chủ mới non trẻ ở nước ta, đồng chí Trường Chinh đã góp phần đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh với tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi (năm 1947) và vạch ra con đường phát triển cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam với Luận cương về cách mạng Việt Nam (năm 1951). Để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, đồng chí cùng với Bộ Chính trị chuẩn bị, đưa ra các quyết sách chiến lược lớn và tổ chức thực hiện xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Vào thập niên thứ tám của thế kỷ XX, đồng chí Trường Chinh đề xuất với Đảng khởi xướng đường lối đổi mới, vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ nghĩa xã hội ở nước ta trước sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Ba bài học vô giá mà đồng chí chỉ ra về “sức mạnh của một nước của cách mạng chính là ở nhân dân”; “tôn trọng quy luật khách quan vận dụng đúng đắn, hành động theo quy luật chính là cách đi lên chủ nghĩa xã hội đúng nhất và nhanh nhất không có con đường nào khác”; “phải giữ vững tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng" mãi mãi có giá trị lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. 
Đồng chí Trường Chinh luôn lưu ý Đảng phải nhìn thẳng vào sự thật thấy được những mặt mạnh nhưng đồng thời phải biết rõ các thiếu sót chủ quan và Đảng phải luôn có tinh thần dũng cảm tự phê phán mạnh mẽ và triệt để. Đổi mới “dựa trên những bài học được đúc kết từ những thắng lợi đã đạt được và những khuyết điểm, sai lầm”. Để không mắc phải các sai lầm, Đảng phải thật sự đổi mới tư duy và phong cách, có như vậy mới hiểu được thực chất của hiện trạng phân biệt rõ đúng sai, phát huy được nhân tố tiến bộ, gạt bỏ được những sai lầm, ấu trĩ, lạc hậu. Theo đó, mở ra một trình độ mới trong nhận thức và vận dụng đúng đắn quy luật khách quan, khơi dậy được tính chủ động sáng tạo vô tận của nhân dân, phát huy được tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Do vậy, Đảng phải không ngừng nâng cao và hoàn thiện sự lãnh đạo của mình để xứng đáng là người lãnh đạo chính trị đối với xã hội, xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của nhân dân. Phải hết sức coi trọng và đặt lên trước hết vấn đề soạn thảo chiến lược và sách lược của Đảng, đáp ứng đúng yêu cầu cách mạng trong từng thời kỳ để định hướng cho xã hội tiến lên.
Luôn xuất hiện ở những bước ngoặt của cách mạng, với tư duy đổi mới, đổi mới để sáng tạo và phát triển sửa sai để tiến lên, đề xướng và tổ chức thực hiện thành công các nghị quyết của Đảng đã thể hiện tầm vóc khoa học, bản lĩnh chính trị kiên định, sự tận tụy của một chiến lược gia, một nhà tổ chức tài năng của Đảng và dân tộc ta - đồng chí Trường Chinh.
3. Trường Chinh - Nhà văn hóa lớn
Không chỉ là nhà chính trị kiệt xuất, nhà tư tưởng, nhà lý luận xuất sắc đồng chí Trường Chinh đã kế thừa, không ngừng hoàn thiện mình bằng những giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại để tôi luyện thành một nhân cách văn hoá, một nhà văn hóa lớn, đóng góp quan trọng hình thành đường lối lãnh đạo và lý luận của Đảng về văn hóa. Đúng như Đảng ta đã khẳng định: “Ở đồng chí Trường Chinh nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà văn hóa, nhà thơ đã quyện vào nhau làm một”.
Từ trước năm 1945, đồng chí Trường Chinh đã sớm đặt cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. Các tác phẩm Đề cương về văn hóa Việt Nam, Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, được coi là những tác phẩm góp phần đặt cơ sở lý luận cho đường lối xây dựng nền văn hóa - văn nghệ phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng. Đồng chí là hiện thân của công tác tư tưởng và công tác văn hóa - văn nghệ của Đảng trong cách mạng nước ta ở thế kỷ XX.
Đồng chí Trường Chinh cũng là người tổ chức, chỉ đạo công tác báo chí của Đảng và trực tiếp viết nhiều bài báo với tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục và cổ động cách mạng mạnh mẽ, sâu rộng. Những bài báo đó là một bộ phận trọng yếu trong di sản tư tưởng và lý luận của đồng chí Trường Chinh và giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
Là một nhà thơ cách mạng, với bút danh Sóng Hồng, đồng chí đã đế lại cho những người cầm bút, các nhà hoạt động văn hóa - văn nghệ và báo chí tuyên ngôn bất hủ:
“Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ
Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền”.
Là một nhà văn hóa lớn, đồng chí luôn luôn đứng ở tầm cao văn hóa của dân tộc và nhân loại để suy nghĩ và sáng tạo trong chính trị. Ở đồng chí, văn hóa đã làm phong phú thêm chính trị, văn hóa đã soi đường cho chính trị.
Là một học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã phát huy sức mạnh của cả chính trị và văn hóa và trở thành một nhà lãnh đạo kiệt xuất về chính trị, uyên thâm và văn hóa. Đồng chí đã di huấn cho Đảng: “Đặc biệt cần tập trung nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh để giáo dục rộng rãi trong nhân dân; nghiên cứu và giáo dục lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa, phẩm chất con người mới xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng...”. Chính điều này là một yếu tố tạo nên phẩm chất nhà lãnh đạo kiệt xuất Trường Chinh.
4. Trường Chinh - Tấm gương đạo đức trong sáng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đồng chí Trường Chinh luôn có mặt ở những nơi nguy hiểm khó khăn, gắn bó với đồng chí, hòa mình với nhân dân, vượt qua ngục tù và án tử hình của chế độ thực dân, suốt đời phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Năm 1941, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trên cương vị Quyền Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh có điều kiện được làm việc dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của Người, giải quyết các nhiệm vụ quan trọng của cách mạng. Trước những sai lầm của Đảng trong cải cách ruộng đất, đồng chí Trường Chinh nhận trách nhiệm, xin từ chức Tổng Bí thư để nhận nhiệm vụ Trưởng ban sửa sai và hoàn thành nhiệm vụ này một cách nghiêm túc, giữ vững uy tín của Đảng. Những người cộng sản luôn ghi nhớ di huấn của đồng chí: “Công tác cách mạng của chúng ta có thành tích và cũng có sai lầm. Điều cốt yếu là Đảng ta tránh được những sai lầm về đường lối cách mạng, và một khi phạm sai lầm dù lớn, dù nhỏ đều thành khẩn nhận hết sai lầm và kiên quyết sửa chữa... Vì đường lối cách mạng của Đảng ta đúng, bản chất chế độ ta tốt, quần chúng nhân dân ta nói chung vẫn tin tưởng ở Đảng và Chính phủ ta, cho nên ta có điều kiện tốt để sửa sai và tiến lên”.
Đổi mới - lúc đầu ý kiến còn khác nhau. Đồng chí Trường Chinh đã kiên trì, thẳng thắn đấu tranh theo mục tiêu của Đảng vì phát triển đất nước xã hội chủ nghĩa, vượt qua mọi khó khăn dẫn dắt toàn Đảng tiến lên và trở thành một trong những nhân vật hàng đầu lãnh đạo công cuộc đổi mới ở nước ta. Suốt đời học tập và rèn luyện theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người sống giản dị, chan hòa rộng lượng, lấy đoàn kết làm trọng và bảo vệ sự thống nhất trong Đảng như bảo vệ con ngươi của mắt mình. Đồng chí “là tấm gương sáng về tính kiên cường cách mạng, tính nguyên tắc và tổ chức kỷ luật, tình cảm chân thành với đồng bào, đồng chí, tính khiêm tốn, giản dị trong cuộc sống hằng ngày, cách làm việc khoa học, cẩn thận, cụ thể nhằm hiệu quả thiết thực”. Đó là một nhân cách cao thượng và trong sáng một tấm gương đem lại niềm tự hào cho những người cộng sản. Đảng và dân tộc ta đã tôn vinh đồng chí là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc hành trình gian khó để đi tới thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần hơn bao giờ hết những tấm gương, phẩm chất của nhà lãnh đạo như đồng chí Trường Chinh.
5. Trường Chinh – người con ưu tú của quê hương Nam Định
Nam Định là không gian ra đời và bắt đầu những hoạt động yêu nước đầu tiên của đồng chí Trường Chinh. Mặc dù hoạt động ở Nam Định không nhiều, nhưng đồng chí đã để lại những dấu ấn quan trọng đối với sự phát triển của phong trào cách mạng nơi đây.
Trên bước đường hoạt động cách mạng của mình dù ở đâu, cương vị nào đồng chí Trường Chinh cũng luôn dành cho quê hương Nam Định những tình cảm tốt đẹp, nồng hậu nhất. Những lần về thăm làm việc với Đảng bộ và nhân dân Nam Định, với nhãn quan chính trị sắc bén, sự sâu sát thực tế của một nhà lãnh đạo cách mạng, đồng chí Trường Chinh luôn quan tâm, nhắc nhở Đảng bộ tỉnh Nam Định chú ý phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, phấn đấu đưa Nam Định trở thành một tỉnh giàu mạnh. Đối với gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn bè... đồng chí luôn thể hiện là người con trung hiếu, bạn bè thủy chung, sâu sắc, trọng nghĩa tình. Đồng chí từng nói: “tôi không năng về quê, vì bận lo công việc chung của cả nước. Tuy vậy, tôi vẫn luôn theo dõi từng bước tiến của quê hương”.
Cùng với nhiều bậc tiên liệt đi trước, đồng chí Trường Chinh, người con ưu tú của quê hương, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Nam Định. Đó cũng là động lực, niềm tin, hành trang để Nam Định vững bước đi lên trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với vị thế của vùng đất hào khí “Đông A”. Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, Đảng bộ và nhân dân Nam Định luôn quan tâm chỉ đạo việc học tập noi gương các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối của Đảng và dân tộc, trong đó có đồng chí Trường Chinh, người đã cống hiến trọn đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc hạnh phúc của nhân dân.
Học tập và noi gương đồng chí Trường Chinh, Đảng bộ và nhân dân Nam Định luôn phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo đổi mới, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
 

Tác giả bài viết: GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn tin: (Tạp chí Xây dựng Đảng )

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây