Luật An toàn Vệ sinh lao động – cơ sở pháp lý quan trọng bảo vệ người lao động và doanh nghiệp.

Thứ tư - 23/11/2016 21:49 4.529 0
Trong quá trình phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng và quan tâm công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Việc ban hành và áp dụng các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực ATVSLĐ đã góp phần quan trọng kiểm soát tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), đảm bảo cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tập huấn ATVSLĐ cho CNLĐ
Tập huấn ATVSLĐ cho CNLĐ
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng về số lượng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thu hút đầu tư; sử dụng nhiều máy móc, thiết bị đã làm gia tăng các nguy cơ gây mất ATVSLĐ ở mức độ cao; tình trạng thiếu ý thức chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn tồn tại, có nơi còn vi phạm nghiêm trọng. Ngoài ra, việc ban hành các văn bản pháp luật về ATVSLĐ còn phân tán, chồng chéo, gây vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện. Do vậy, việc xây dựng một đạo luật riêng quy định tất cả các vấn đề thuộc lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động lao động, sản xuất trở nên cấp thiết.
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII, Luật ATVSLĐ đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa, hợp nhất các văn bản quy định trước đây về lĩnh vực ATVSLĐ, đồng thời bổ sung thêm nhiều điểm mới; lấy mục tiêu phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đặt lên hàng đầu, đang là xu thế chung, là chuẩn mực Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Sau đây là một số điểm cần lưu ý trong thực hiện Luật ATVSLĐ tại doanh nghiệp:
1. Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng: Luật mở rộng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ATVSLĐ. Nói cách khác ở đâu có việc làm, có người lao động thì ở đó phải được đảm bảo về ATVSLĐ.
2. Về trách nhiệm của người sử dụng lao động: Được Luật xác định là chủ thể chịu trách nhiệm chính trong công tác ATVSLĐ tại cơ sở. Việc thuân thủ các biện pháp  an toàn nơi làm việc sẽ giúp các doanh nghiệp tránh được tổn thất về con người và tài sản, đảm bảo ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc nghiên cứu, áp dụng các quy định của Luật ATVSLĐ về các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, có hại; quản lý máy móc thiết bị, nguyên vật liệu; tổ chức bộ máy làm công tác ATVSLĐ tại cơ sở, thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khoẻ cho người lao động… sẽ giúp cho công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp đạt được hiệu quả và mục tiêu đề ra. Các doanh nghiệp cần chú trọng thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp: Thông tin, truyền thông, giáo dục và huấn luyện về ATLĐ cho người lao động; xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ nơi làm việc; cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hoá an toàn trong lao động đã được Luật quy định hoá rất cụ thể.
 3. Quyền của người lao động trong ATVSLĐ được Luật bảo vệ trên cơ sở công bằng các quyền con người, đó là quyền được “yêu cầu các bên tôn trọng”, “quyền tự bảo vệ mình”. Cụ thể: người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong quá trình lao động tại nơi làm việc; được cung cấp đầy đủ thông tin về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ; được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được đóng bảo hiểm tai nạn lao động.
Đặc biệt, người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý. Người lao động chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác ATVSLĐ đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm ATVSLĐ (quy định cụ thể tại Điều 6).
Bên cạnh các quyền, người lao động cũng phải thực hiện tốt nghĩa vụ, chấp hành và tuân thủ các yêu cầu trong việc bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc (quy định tại Điều 17)
4.Luật đã bổ sung 02 chính sách mới về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Đặc biệt, quy định rõ trách nhiệm của các bên khi để xảy ra tai nạn lao động là rất cần thiết trong tình hình quan hệ lao động ngày càng ẩn chứa tranh chấp lao động khi thực hiện các chính sách liên quan đến người lao động.
Đối với các đơn vị sử dụng lao động vi phạm quy định về ATVSLĐ, luật cũng có các quy định và chế tài xử lý rõ ràng. Qua đó, các đơn vị, cá nhân sử dụng lao động sẽ ý thức hơn trong việc đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc.
5. Luật quy định cụ thể trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong bảo đảm ATVSLĐ; quy định Hội đồng ATVSLĐ cấp quốc gia, cấp tỉnh, doanh nghiệp và cơ chế tham vấn, đối thoại, nhằm bảo đảm ATVSLĐ; phân định thẩm quyền quản lý nhà nước về ATVSLĐ trong lĩnh vực này.
Đặc biệt quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, của Công đoàn cơ sở trong công tác ATVSLĐ được Luật quy định tại  Điều 9, Điều 10 (gồm 18 nội dung ) và một số điều khoản quy định song hành cùng với các nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động trên cơ sở chức năng bảo vệ người lao động của tổ chức công đoàn.
Đối với những đơn vị chưa thành lập Công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm khi được người lao động ở đó yêu cầu như: Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện điều khoản về  ATVSLĐ trong Thỏa ước lao động tập thể; đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động về ATVSLĐ; tham gia, phối hợp tổ chức kiểm tra về ATVSLĐ; điều tra tai nạn lao động; giám sát việc giải quyết chế độ và bố trí công việc cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
6. Để tránh xảy ra tranh chấp lao động và khó khăn, phức tạp trong khâu giải quyết chế độ (do quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động chi trả) cho người lao động khi có tai nạn lao động xảy ra, các doanh nghiệp nắm vững các quy định liên quan đến vấn đề về tai nạn lao động và thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động về các quy định: khai báo, điều tra tai nạn lao động; thẩm quyền, thời hạn điều tra; điều kiện hưởng chế độ về tai nạn lao động; trình tự, thủ tục cũng như các quy định về trách nhiệm, mức chi trả chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được Luật quy định cụ thể từ điều 34 đến điều 62 - chương III. 
 
                                                                                                

Tác giả bài viết: Thanh Hương - Ban CSPL

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây