Tập trung các giải pháp để khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội

Thứ năm - 17/11/2016 01:37 921 0
Ngày 16/11/2016, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp khiếu kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đồng chí Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và đồng chí Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị
Tại điểm cầu Quảng Trị, tham dự có đồng chí Nguyễn Đăng Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, đồng chí Mai Thanh Bình, Trần Văn Thao, Phó Giám đốc BHXH tỉnh; đại diện lãnh đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; cán bộ Ban Chính sách- Pháp luật LĐLĐ tỉnh, Giám đốc BHXH các huyện , thị xã, thành phố, lãnh đạo các phòng chuyên môn BHXH tỉnh.
Tại Hội nghị, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã báo cáo tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trong cả nước trong thời gian qua; tính  đến tháng 10/2016, số nợ BHXH, BHYT, BHTN trong toàn quốc là 14.237 tỷ đồng chiếm 6,5% kế hoạch thu, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng nợ đọng BHXH hiện nay là vấn đề được đặc biệt quan tâm, trực tiếp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 2,6 triệu lao động. Hội nghị đã phân tích nguyên nhân của sự gia tăng tình trạng nợ BHXH của các doanh nghiệp thời gian qua, nguyên nhân đầu tiên là những khó khăn của nền kinh tế đã có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tác động đến việc tuân thủ pháp luật về BHXH của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, qua giám sát của tổ chức công đoàn cũng cho thấy, trong bối cảnh khách quan có nhiều tác động xấu, không ít doanh nghiệp vẫn có nhiều nỗ lực để thực hiện tốt chính sách BHXH, bảo đảm quyền lợi cho người lao động; tạo động lực cho người lao động cùng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bảo đảm ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Ngược lại, không ít doanh nghiệp, lấy cớ khó khăn khách quan để cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền BHXH của người lao động để sử dụng mục đích khác; trong lúc đó chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH còn nhẹ so với mức độ vi phạm; công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thực hiện chính sách BHXH chưa được thường xuyên, hiệu quả thấp. Trong khi đó, một trong những biện pháp giải quyết nợ đọng trước đây của cơ quan quan BHXH thực hiện trên thực tế đã mạng lại hiệu quả, có tính răn đe cao là khởi kiện doanh nghiệp ra toà án khi doanh nghiệp vi phạm pháp luật BHXH, nhưng từ khi luật BHXH năm 2014 có hiệu lực đã kkông còn được thực hiện vì đã chuyển giao quyền khởi kiện cho tổ chức Công đoàn. Mặt khác, Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 qui định vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc khởi kiện lại có hiệu lực từ tháng 7/2016 đã tạo ra khoảng trống về thời gian trong công tác khởi kiện. Tuy tổ chức Công đoàn đang tập trung tích cực cho công tác khởi kiện, nhưng đây là việc làm mới, nguồn lực chưa chuẩn bị trước nên hạn chế nhiều mặt, cán bộ thiếu về số lượng, chưa cọ xát với thực tế, hạn chế về trình độ cũng như kinh nghiệm; nguồn kinh phí phục vụ cho công tác khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự chưa được xác định … nhiều vấn đề tác động khác nên rất khó khăn trong công tác khởi kiện. Đánh giá thực hiện quy chế phối hợp số 3601/QCPH - LĐLĐ - BHXH ngày 20/9/2016 giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và BHXH Việt Nam chưa đạt được kết quả tích cực, sau 02 tháng triển khai qui chế phối hợp tổ chức công đoàn chưa khởi kiện được vụ án nào, một số tỉnh chưa triển khai ký qui chế phối hợp, các tỉnh đã có qui chế phối hợp thì đang còn lúng túug trong thủ tục và trình tự khởi kiện…
Từ tình hình thực tế, giải pháp được Tổng Liên đoàn và BHXH Việt Nam đặt ra để hoàn thành kế hoạch thu năm 2016 và những năm tiếp theo là:
Thứ nhất: Yêu cầu BHXH địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn và qui định về việc cung cấp hồ sơ đơn vị nợ BHXH cần khởi kiện cho công đoàn cùng cấp. Xác định đây là nguồn thông tin chính xác nhất giúp tổ chức Công đoàn thực hiện việc giám sát đối với đơn vị sử dụng lao động và là căn cứ để thực hiện việc khởi kiện doanh nghiệp. BHXH phải cử cán bộ chuyên quản để hỗ trợ cán bộ công đoàn trong suốt quá trình tham gia tố tụng.
Thứ hai : Thời gian tới, Tổng Liên đoàn và BHXH Việt Nam sẽ tích cực phối hợp kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện việc khởi kiện của các địa phương; kịp thời có những hướng dẫn, điều chỉnh trong việc khởi kiện, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gặp phải khi tổ chức Công đoàn thực hiện quyền khởi kiện về nợ BHXH.
Thứ ba: Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ khẩn trương bồi dưỡng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác khởi kiện có đủ năng lực, bản lĩnh thực sự tự tin chủ động tranh tung tại toà án. Chỉ đạo các cấp công đoàn xem đây là việc làm bức bách, trọng yếu của tổ chức công đoàn được pháp luật qui định. Làm tốt công tác khởi kiện là thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Tác giả bài viết: Bảo Lâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây