Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị tiếp xúc cử tri cán bộ công đoàn các cấp trong tỉnh

Thứ sáu - 29/11/2019 04:25 591 0
Sáng nay 29.11.2019, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ công đoàn các cấp trong tỉnh để báo cáo nội dung, kết quả kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Đức Thắng chủ trì hội nghị.
b1e3ffbae5c41c9a45d5 1
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng phát biểu chủ trì hội nghị
Tại buổi tiếp xúc, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng đã báo cáo với cử tri kết quả nội dung kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, sau 28 ngày làm việc đầy trách nhiệm, kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc, trong đó đã thông qua 11 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác. Đáng chú ý trên lĩnh vực lập pháp, Quốc hội đã thông qua 11 luật, trong đó có 2 đạo luật quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến công đoàn, viên chức, người lao động được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm đó là Bộ luật Lao động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Để cử tri nắm bắt đầy đủ nội dung của 2 đạo luật, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng đã phân tích, thông tin sâu về chủ trương, mục đích ban hành và các quy định mới trong các đạo luật. Cụ thể, Bộ luật Lao động được sửa đổi nhằm đáp ứng quá trình phát triển thị trường lao động, hội nhập sâu rộng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tạo điểu kiện thực hiện cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại thế hệ mới, tăng cường bảo vệ người lao động, hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động. 
Đáng chú ý, lần đầu mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với người làm việc không có quan hệ lao động; quy định về nguyên tắc nhằm bảo đảm quyền của các tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong đối thoại, thương lượng; quy định lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035 nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; chế định về hợp đồng lao động quy định theo hướng bảo vệ tốt hơn đối với người lao động; mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được ban hành nhằm tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và quản lí đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức đáp ứng yêu cầu trong điều kiện mới theo hướng từng bước nâng cao chất lượng.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến cử tri  đánh giá cao chất lượng nội dung kì họp, đặc biệt là chất chất lượng hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong thời gian vừa qua, đã kịp thời nắm bắt, đưa các kiến nghị của cử tri đến với diễn đàn Quốc hội, đồng thời tích cực kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành để có những hồi âm tích cực.
Đại diện cử tri ngành y tế mong muốn Quốc hội cần có những quy định riêng về tuổi nghỉ hưu đối với lao động ngành y tế, bởi đây là nghề đặc thù, đòi hỏi tính chính xác cao, đặc biệt trong khâu điều trị. Kiến nghị Quốc hội cần xây dựng chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ y, bác sĩ vì đây là lĩnh vực có đầu vào khắt khe, có thời gian đào tạo lâu, công việc nặng nhọc, trách nhiệm cao với người bệnh. Bên cạnh đó, có giải pháp bảo vệ đội ngũ cán bộ, người lao động ngành y vì hiện nay tình trạng hành hung cán bộ y tế đang có những diễn biến phức tạp.
Cử tri ngành giáo dục cũng kiến nghị cần quy định về độ tuổi nghỉ hưu cho giáo viên ở bậc học mầm non và tiểu học. Cần sửa đổi quy định trong tuyển dụng ở lĩnh vực giáo dục, vì hiện nay người sử dụng lao động có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực mình phụ trách nhưng không phải là người tuyển dụng, ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào. Việc sáp nhập các trường học dẫn đến áp lực về nhà ở công vụ cho giáo viên, đồng thời sớm quy định về định mức giáo viên cho khu vực vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cử tri người lao động ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh kiến nghị cần quan tâm đào tạo lao động có tay nghề trong lĩnh vực dệt may, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp ở địa phương; quan tâm xây dựng nhà trẻ, các thiết chế văn hóa, thể thao trong các khu, cụm công nghiệp; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho lực lượng công nhân; quan tâm phát triển đảng viên trong doanh nghiệp…
Trên cơ sở ý kiến của cử tri, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng đã tiếp thu và giải trình, đồng thời ghi nhận một số kiến nghị để nghiên cứu, đề xuất Quốc hội và các cơ quan chức năng xem xét quyết định trong thời gian tới.

 

Tác giả bài viết: Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây