Ghi nhận kiến nghị của công đoàn và công nhân lao động, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi cho công nhân lao động. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định hai công ty tài chính tiêu dùng thuộc HDBank và VPBank phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam cho vay 20.000 tỉ đồng cho công nhân lao động. Mỗi ngân hàng sẽ triển khai gói 10.000 tỉ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho vay tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân.
Đây là lần đầu tiên có một gói vay tổng trị giá lớn đến như vậy dành cho đối tượng công nhân lao động; thể hiện sự quan tâm rất lớn của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các ngân hàng, trong nỗ lực ngăn chặn vấn nạn “tín dụng đen” trong công nhân lao động. Cam kết hỗ trợ triển khai gói tín dụng
Ngay sau khi đón nhận chủ trương trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã làm việc với ngành Ngân hàng và các cơ quan liên quan. Ngày 13/7/2022, phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 11, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng đã chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng triển khai gói tín dụng cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp có nhu cầu vay tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ông Tú: “Để triển khai được chương trình gói tín dụng 20.000 tỉ đồng cho vay tiêu dùng này, ngành Ngân hàng mong muốn các cấp công đoàn, đặc biệt là LĐLĐ các tỉnh, thành phố ở nơi có nhiều khu công nghiệp quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng được giao nhiệm vụ có thể tiếp cận công nhân”.
Giải đáp vấn đề này, ngay tại Hội nghị nêu trên, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định: “Tổng LĐLĐ Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ để các công ty tài chính có thể kí trực tiếp với công đoàn các tỉnh, thành phố, thậm chí công đoàn khu công nghiệp. Mục tiêu là để công nhân lao động tiếp cận được với nguồn vốn chính thức”.
Khẩn trương triển khai cụ thể
Nhằm nhanh chóng đưa chủ trương trên vào cuộc sống, tháng 8 vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thành lập 02 đoàn khảo sát tại các tỉnh Bình Dương, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, Bắc Ninh, Nghệ An, Long An, Đồng Nai; nhằm nắm bắt nhu cầu, mong muốn thực tế của người lao động về hỗ trợ tín dụng, làm cơ sở thiết kế các sản phẩm tín dụng cho người lao động; lấy ý kiến về một số sản phẩm tín dụng dự kiến dành cho người lao động vay của các đối tác tham gia Chương trình tín dụng; trao đổi với các cấp công đoàn, người sử dụng lao động về cách thức triển khai các sản phẩm phù hợp với điều kiện của người lao động, doanh nghiệp và địa phương. Đối tượng khảo sát là người sử dụng lao động, chủ tịch công đoàn cơ sở; người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Hình thức khảo sát là trực tiếp trao đổi, thu thập ý kiến đối với cán bộ công đoàn các cấp, người lao động tại trụ sở LĐLĐ tỉnh hoặc Công đoàn các khu công nghiệp; trực tiếp trao đổi, làm việc với người sử dụng lao động tại doanh nghiệp... Trao đổi với báo chí, đồng chí Trần Thị Thanh Hà, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng đoàn khảo sát cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, người lao động có nhu cầu rất lớn về hỗ trợ tín dụng vì gặp nhiều khó khăn do thu nhập thấp; rào cản thủ tục khi vay ngân hàng; sức ép thanh toán lãi cao khi vay “tín dụng đen”.
“Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ghi nhận mong muốn của họ là được vay từ các gói hỗ trợ tín dụng của các ngân hàng chính thống, với quy trình nhanh gọn, thuận lợi, không có những quy định khắt khe về thế chấp tài sản, đặc biệt là lãi suất thấp không như mức “cắt cổ” của các đối tượng “tín dụng đen”… Người lao động muốn được vay từ gói hỗ trợ tín dụng để dành đóng học phí cho con dịp đầu năm; dùng để học tập, nâng cao tay nghề để có việc làm ổn định, thu nhập cao hơn; mua nhà, sắm sửa đồ đạc…”, đồng chí Hà nói.
Hiện Tổng LĐLĐ Việt Nam và các tổ chức tài chính, tín dụng đang khẩn trương nghiên cứu, đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời người lao động, giúp họ được tiếp cận với các nguồn vốn vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường. Điều này sẽ góp phần tích cực hạn chế tình trạng “tín dụng đen” trong công nhân lao động.
Tác giả bài viết: Nguồn: Laodongcongdoan
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Ý kiến bạn đọc