Đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong CNLĐ

Thứ ba - 29/11/2016 01:47 2.133 0
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân lao động (CNLĐ) vốn được coi là việc khó đối với hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp và các cấp Công đoàn. Làm thế nào để kiến thức pháp luật thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống của CNLĐ? Câu hỏi đó đã được những cán bộ Công đoàn Quảng Trị phần nào giải đáp được qua cách làm sáng tạo của mình.
Hội thi "Rung chuông vàng" tìm hiểu pháp luật do CĐCS Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức
Hội thi "Rung chuông vàng" tìm hiểu pháp luật do CĐCS Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức
“Sân khấu hóa” những vấn đề khô khan
Sau giờ tan ca, khu nhà ăn của Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú (Hải Lăng) chật cứng người. Đó là các cán bộ đoàn viên, CNLĐ và con em trong gia đình họ đến xem chương trình Hội thi tuyên truyền pháp luật trong CNLĐ do Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở (CĐCS) tổ chức. Không gian lúc lắng dịu, lúc òa lên những tiếng cười, tiếng vỗ tay phấn khích bởi màn đối đáp hài hước, dí dỏm của các “vai diễn”. Tiểu phẩm “Tại ai?” của Đội chuyền may 1 đề cập tới vấn đề an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, chấp hành quy trình công nghệ trong sản xuất; tiểu phẩm “Giấc mơ” của Đội chuyền may 2 tuyên truyền về Luật Bảo hiểm xã hội, phê bình nhẹ nhàng sự thiếu hiểu biết về chế độ, trách nhiệm nghĩa vụ của người lao động khi tham gia BHXH... Những tiểu phẩm của 5 Đội chuyền may với phong phú nội dung, đa dạng về màu sắc và hình thức thể hiện. Tiểu phẩm nào cũng rất thiết thực với cuộc sống, lao động sản xuất của công nhân ngành may mặc. “Cũng là những điều luật liên quan đến việc chấp hành quy định về Bộ luật Lao động, Luật BHXH… vậy mà qua cách nhập vai, diễn xuất của các diễn viên không chuyên lúc nhẩn nha, cao giọng, khi đanh đá, chua ngoa sao nghe buồn cười, sâu cay và ý nghĩa đến thế”, nhiều CNLĐ vừa xem, vừa đánh giá. 
Anh Trần Quang Dũng, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hải Lăng cho biết: “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vốn khô khan và rất khó nhớ nên phải “sân khấu hóa” hình thức tuyên tuyền; người tuyên truyền phải cókhiếu nói, hoạt khẩu, biết lồng ghép những câu chuyện ngoài đời vào các điều luật thì người lao động nghe được; còn ai chỉ đọc nguyên xi văn bản luật thì nói thật là... trôi hết. Vì vậy, chúng tôi tập trung hướng dẫn các CĐCS thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền, làm sao những kiến thức pháp luật cơ bản nhất, thiết thực nhất, phải “thấm” tới từng người lao động”. 
Nhân rộng những mô hình “Hội thi” 
Là đơn vị vốn có truyền thống về hoạt động văn hóa - văn nghệ của Công đoàn ngành Công thương, trong tuần cao điểm Ngày Pháp luật năm 2016, CĐCS Khách sạn Sài Gòn - Đông Hà, được chọn làm điểm về công tác tuyên truyền pháp luật với hình thức tổchức hội thi. 
Kế hoạch được Ban Chấp hành CĐCS triển khai đến tận cán bộ, đoàn viên, người lao động. Toàn đơn vị lập nên 3 đội thi đấu với nhau. Mỗi đội phải thực hiện 3 phần thi: Thứ nhất, màn chào hỏi, giới thiệu về mình, phản ánh tình hình chấp hành pháp luật lao động tại nơi công tác. Thứ hai, trả lời câu hỏi trắc nghiệm các nội dung về pháp luật qua hình thức hỏi-đáp trình chiếu trên màn hình lớn. Thứ ba, xử lý tình huống pháp luật. Vậy là, những lúc ngoài giờ, cán bộ, đoàn viên, người lao động lại cùng nhau tìm hiểu pháp luật lao động và tập kịch. Hội thi đã chuyển thể một số điều luật liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động sang hình thức dễ hiểu, dễ nhớ. Người lao động chủ động tìm hiểu và làm sáng tỏ thêm một số nội dung, điều khoản thường gặp trong Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn 2012, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 và các chế độ, chính sách khác liên quan. Hội thi cũng đã dành nhiều câu hỏi và phần thưởng cho khán giả. Sức lan truyền của hội thi đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của người lao động và người sử dụng lao động đối với pháp luật, từng bước hình thành ý thức tự giác tôn trọng, chấp hành pháp luật.
 Anh Hoàng Thanh Hải, Chủ tịch CĐCS Khách sạn Sài Gòn - Đông Hà cho biết, đơn vị có 90 CNLĐ nên việc lựa chọn những hạt nhân tham gia “đội tuyển” tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật không khó. Ai được chọn đi thi cũng phấn khởi, tích cực luyện tập. Cái hay của hoạt động này là ngay từ lúc chuẩn bịnội dung đến lúc tập và thểhiện trên sân khấu, cả người dựthi và người xem đều nhớ từng câu, từng chữ những nội dung liên quan đến pháp luật. 
Chị Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương cho biết, thời gian tới, Công đoàn ngành sẽ chủ động phối hợp với chuyên môn, tập trung đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, xuất phát từ thực tiễn cơ sở và gắn với nhu cầu của người lao động. Hình thức tổchức hội thi như thế này sẽ được nhân rộng trong toàn ngành. 
“Rung chuông vàng” tìm hiểu pháp luật
Cuộc thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu chính sách lao động nữ do CĐCS Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Quảng Trị tổ chức đúng vào ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Khán phòng của hội trường được trải một tấm bạt cỡ lớn với đủ màu sắc và chia thành 40 ô vuông nhỏ (đủ cho một người ngồi/ô). Bút lông, bảng trắng cá nhân với đồng phục đẹp mắt, chị em nữ CNVC, LĐ Ngân hàng CSXH, chi nhánh Quảng Trị hớn hở bước vào cuộc thi. Các thí sinh thực hiện phần thi kiến thức pháp luật trên sàn thi đấu với việc trả lời bộ câu hỏi do Ban tổ chức đưa ra, thời gian tối đa cho mỗi câu là 15 giây, đáp án mà thí sinh chọn được viết vào bảng cá nhân. Cuộc thi diễn ra hết sức sôi nổi, hấp dẫn, kịch tính, vui tươi dưới sự hưởng ứng và cổ vũ nhiệt tình của đông đảo cổ động viên. Lần lượt các thí sinh có câu trả lời không đúng bị loại dần khỏi cuộc chơi. Chỉ khi sàn thi đấu chỉ còn rất ít thí sinh thì Ban tổ chức quyết định tổ chức phần thi cứu trợ bằng trò chơi nhỏ. Ngoài ra, chương trình văn nghệ đan xen giữa các phần thi do anh em nam CNVC, LĐ biểu diễn đã giúp cho hội thi thêm sôi động.
Chị Đoàn Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch CĐCS Ngân hàng CSXH, chi nhánh Quảng Trị chia sẻ: “Rung chuông vàng” đã góp phần bồi dưỡng kiến thức, nâng cao hiểu biết cho cán bộ, đoàn viên, người lao động; đồng thời, tạo sân chơi trí tuệ cho cán bộ, đoàn viên, người lao động tiếp tục học tập, tìm hiểu kiến thức pháp luật, từ đó vận dụng tốt vào quá trình công tác của mình.
Đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong CNLĐ với những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở, các cấp Công đoàn Quảng Trị đã và đang tích cực triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực đối với người lao động. 

Tác giả bài viết: Ban TGNC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây