Học tập và làm theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ tư - 04/01/2017 20:26 3.930 0
Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một cuộc vận động lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với nhiều nội dung phong phú và thiết thực. Bài viết này tập trung làm rõ một số nội dung cơ bản liên quan đến việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh. Phong cách Hồ Chí Minh là một hệ thống chỉnh thể, gắn bó chặt chẽ với nhau, phát triển theo lôgích đi từ suy nghĩ (phong cách tư duy) đến nói, viết (phong cách diễn đạt) và biểu hiện qua phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt hàng ngày.
Học tập và làm theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập là không lệ thuộc, không phụ thuộc, không bắt chước, theo đuôi, giáo điều. Tự chủ là chủ động suy nghĩ và làm chủ suy nghĩ của mình, tự chịu trách nhiệm trước dân, trước nước, biết làm chủ bản thân và công việc. Sáng tạo là vận dụng đúng quy luật chung cho phù hợp với cái riêng, cái đặc thù, là tìm tòi, đề xuất những cái mới để có thể trả lời được những đòi hỏi của cuộc sống đặt ra. Nhờ phong cách tư duy đó, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra quy luật của cách mạng Việt Nam, sáng tạo ra con đường và phương pháp tiến hành cách mạng phù hợp với thực tiễn của đất nước; lãnh đạo Đảng và dân tộc Việt Nam - một nước kinh tế kém phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chủ nghĩa tư bản trong điều kiện thế giới đầy biến động. Cái mới, cái sáng tạo của Bác là phù hợp với yêu cầu của cách mạng Việt Nam, đồng thời phù hợp với quy luật phát triển chung của xã hội loài người.
Để đạt được những kết quả đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phải tư duy trên những cứ liệu thực tế của Việt Nam, đồng thời, Người “đã biết làm giàu vốn trí tuệ của mình bằng những di sản quý báu của văn hoá nhân loại. Người biết kế thừa các học thuyết một cách có phê phán, chọn lọc, không bao giờ sao chép máy móc, cũng không bao giờ phủ định một cách giản đơn, mà có sự phân tích sâu sắc để tìm ra những yếu tố tích cực, làm giàu thêm vốn kiến thức và hành trang tư tưởng của mình”.
Phong cách tư duy của Hồ Chí Minh còn là sự gắn bó giữa ý chí, tình cảm cách mạng với tri thức khoa học. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một người giàu trí tuệ mà còn là một người có tình cảm, có ý chí nghị lực phi thường. Ở Người, ý chí, tình cảm cách mạng và tri thức khoa học thống nhất trong tư duy, trong hành động và trong quá trình vạch ra đường lối cho cách mạng Việt Nam. Tư duy Hồ Chí Minh luôn có sự kết hợp hài hoà giữa yếu tố cảm xúc, tình cảm với yếu tố trí tuệ, tri thức, kinh nghiệm, trong đó, yếu tố tri thức, trí tuệ là quan trọng nhất.
2. Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa cái dân gian, đời thường với cái hàn lâm, bác học, cái cổ điển truyền thống với cái hiện đại, giữa duy tình phương Đông với duy lý phương Tây và nhất quán trong diễn đạt.
 Hồ Chí Minh đã sử dụng ngôn ngữ như một vũ khí đấu tranh cho độc lập dân tộc và công cụ giao tiếp giữa người với người để chỉ ra lẽ phải, tuyên truyền và tổ chức nhân dân, soi sáng ý nghĩ và cảm hóa tấm lòng của người đọc, người nghe.
Cách viết, cách nói của Hồ Chí Minh là sự lựa chọn thích hợp để trả lời bốn câu hỏi cơ bản do Người đề ra đã gần nửa thế kỷ, trùng hợp với những câu hỏi của ngôn ngữ học hiện đại, đó là:
Viết và nói để làm gì? (mục tiêu).
Viết và nói cho ai? (đối tượng).
Viết và nói cái gì? (nội dung).
Viết và nói thế nào? (phương pháp).
Sự trùng hợp này thêm một lần nữa chứng tỏ tầm nhìn xa rộng và tài năng đặc biệt của Hồ Chí Minh. Trả lời đúng bốn câu hỏi trên đây là vô cùng khó, đòi hỏi rất cao về trình độ, năng lực, phẩm chất và phong cách tư duy.
Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là diễn đạt chân thật để cung cấp cho người nghe lượng thông tin ngắn gọn, chính xác. Đây là yêu cầu đầu tiên mà Người đặt ra đối với cán bộ, đảng viên khi nói và viết: “Điều gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, không nên nói ẩu”, viết “… phải đúng sự thật. Không được bịa ra”, “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”, “Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”.
 Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh còn là diễn đạt ngắn gọn. Ngắn gọn trong cách nói, cách viết theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về mặt nội dung thì phải cô đọng, hàm súc, ý nhiều lời ít, không có lời thừa, ý thừa, chữ thừa, mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch. Tuy nhiên, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, không phải nhất thiết cái gì cũng ngắn mới tốt, mà mục đích của việc nói ngắn, viết ngắn là để chữa cái bệnh “nói dài, viết rỗng”, tức là tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh, đối tượng cụ thể quy định nói, viết ngắn hay dài, nhưng phải có nội dung. Mỗi câu, mỗi chữ phải chứa đựng một ý nghĩa, mang một nội dung nhất định, không dư thừa; nói đúng tư tưởng, phản ánh đúng nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Một đặc điểm nổi bật trong phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh là giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Tính dễ hiểu theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “... phải viết cho đúng trình độ của người xem...”. Người cho rằng, tuyên truyền bằng ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ viết thì mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, một mục đích. Người tuyên truyền khi nói ra, khi viết ra cốt là “Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”. Cán bộ tuyên truyền khi nói, viết “nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích”.
Theo Hồ Chí Minh, “cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn”; do đó trước hết “phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng”. Người căn dặn cán bộ tuyên truyền: “Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh... Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa nó thành cách chỉ đạo nhân dân”.
Để viết và nói được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, Bác Hồ còn chỉ ra rằng phải chống lại căn bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài. Tất nhiên, Người không tuyệt đối hóa việc mượn dùng chữ nước ngoài mà đối với những chữ đã quen thuộc, đã “hoá thành chữ ta” mà không dùng thì không đúng. Bác Hồ nêu ví dụ: Ta nói “độc lập” chứ không nói “đứng một”, nói “du kích” chứ không nói “đánh chơi” (đánh ăn trộm)…
Với mục đích cao nhất là diễn đạt nội dung tuyên truyền một cách thực sự dễ hiểu, dễ thực hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng linh hoạt, uyển chuyển, đa đạng, phong phú các hình thức tuyên truyền. Chẳng hạn, khi sử dụng phương pháp tuyên truyền bằng lời nói trực tiếp, Hồ Chí Minh đã dùng những hình thức như: lên lớp, diễn giảng, giải thích, nói chuyện, kể chuyện, hướng dẫn, mạn đàm, trao đổi, thảo luận... Khi sử dụng phương pháp tuyên truyền bằng ngôn ngữ viết, Hồ Chí Minh dùng các hình thức như: viết truyện, viết ký, viết văn chính luận, viết tiểu phẩm, viết kịch, làm thơ, viết thư khen, thư thăm hỏi và lời kêu gọi..., tất cả đều mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhà báo Ôxtrâylia Wilfred Burchett, người từng có nhiều cuộc phỏng vấn Hồ Chí Minh, cho biết: "Cảm giác đầu tiên của tôi là sự thân mật, ấm áp và giản dị. Hồ Chủ tịch có khả năng khiến người ta thấy nhẹ nhõm ngay từ khoảnh khắc đầu tiên và trình bày những vấn đề phức tạp nhất chỉ trong vài từ và cử chỉ rõ ràng. Trong những cuộc gặp gỡ tiếp theo với nhân cách vĩ đại này, sự ấm áp, giản dị, cách thể hiện rõ ràng xuất phát từ trí tuệ mẫn tiệp và sự thấu hiểu trọn vẹn chủ đề khiến tôi có ấn tượng vô cùng sâu sắc”.
 3. Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh bao gồm nhiều nội dung, nổi bật là: Tác phong quần chúng, tác phong tập thể, dân chủ và tác phong khoa học.
Nội dung quan trọng hàng đầu của phong cách làm việc Hồ Chí Minh là phong cách quần chúng, chú ý tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và quan tâm thật lòng đến mọi mặt đời sống của quần chúng; tin dân, tôn trọng dân, lắng nghe và giải quyết những kiến nghị chính đáng của dân; tiếp thu ý kiến, sửa chữa khuyết điểm; giáo dục, lãnh đạo quần chúng, đồng thời không ngừng học hỏi quần chúng, tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng,... Người kịch liệt phê phán những cán bộ quan liêu, “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Phong cách làm việc tập thể và dân chủ, gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể là phương châm chỉ đạo suy nghĩ và hành động của Hồ Chí Minh. Bác luôn trân trọng ý kiến của mọi người, không phân biệt chức vụ, cấp bậc, đẳng cấp, với những bài viết trước khi công bố Bác thường chuyển cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đọc và góp ý; thậm chí Người còn trao đổi với các đồng chí phục vụ những bài báo ngắn để sửa chữa những chỗ viết còn khó hiểu trước khi đăng.
Phong cách làm việc Hồ Chí Minh còn là phong cách làm việc khoa học. Tính khoa học trong công việc là quý trọng thời gian, giờ nào việc ấy; làm việc phải có mục đích rõ ràng, tập trung; chương trình, kế hoạch đặt ra phải phù hợp. Hồ Chí Minh giải thích: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”. Người phê phán những cán bộ vạch ra “Chương trình công tác thì quá rộng rãi mà kém thiết thực”. Người chỉ rõ, để vạch kế hoạch một cách thực sự khoa học, người cán bộ phải “xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp”. Một việc chính có thể có nhiều cách thực hiện. Với ý nghĩa đó, Người yêu cầu cán bộ: chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai, ba mươi. Nói quyết tâm phải hai, ba mươi, tức là Người yêu cầu cán bộ sau khi đã có kế hoạch công tác phải có quyết tâm thực hiện và phải thực hiện đến nơi đến chốn, không được đánh trống bỏ dùi. Người đã nhiều lần phê bình bệnh hữu danh vô thực ở không ít cán bộ: “Làm việc không thiết thực… Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch… Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm”.
Hồ Chí Minh khuyên cán bộ, trong bất kỳ công việc gì cũng phải hiểu năng lực của cấp dưới mà bố trí, sử dụng người cho đúng, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”. Khi giao công việc cho cấp dưới phải rõ ràng đầy đủ, phải dự báo được những tình huống có thể xảy ra cho cấp dưới và phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của cấp dưới. Lênin cũng đã từng chỉ ra rằng, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như là không có lãnh đạo. Hồ Chí Minh cũng hơn một lần phê bình tình trạng “cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”.
Phong cách khoa học còn đòi hỏi người cán bộ sau mỗi một việc cần phải rút kinh nghiệm tận gốc, rồi phổ biến những kinh nghiệm ấy cho tất cả cán bộ và cho dân chúng hiểu. Mỗi cán bộ phải học hỏi những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới. Hồ Chí Minh phê phán lối làm việc “không biết nghiên cứu đến nơi đến chốn…, để mà học kinh nghiệm, để mà đặt ra khuôn phép cho công việc khác. Thành thử những cái tốt, cái hay đều không phát triển được. Và công việc xong rồi là thôi, cán bộ không học được kinh nghiệm gì, mà cũng không tiến bộ được mấy”. Người khuyên: “công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái chìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”.
4. Phong cách nói đi đôi với làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những nét nổi bật trong phong cách làm việc của Người là nói đi đôi với làm. Người là tấm gương sáng về nói đi đôi với làm cho mọi người học tập và làm theo. Người khuyên cán bộ muốn tập hợp, tuyên truyền cấp dưới, tự mình phải “miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân”. Người phê phán những cán bộ “miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền hàng trăm năm cũng vô ích”. Đó là những cán bộ hỏng. Còn với những cán bộ chỉ biết nói suông: “Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”, những người như thế tuy là thật thà, trung thành nhưng không có năng lực. Hồ Chí Minh nói rõ là không thể dùng những người đó vào công việc thực tế.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá: Mọi lời nói, việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể. Nói là làm, thường là làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng hiện ra trong hành động.
Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý, đối với nhân dân không thể lý luận suông, chính trị suông, nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực từ những tấm gương sáng, những việc làm thiết thực của cán bộ. Đối với tổ chức đảng, Người chỉ rõ: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”.
Với cương vị, trọng trách của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, phong cách làm việc nói đi đôi với làm của Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao chất lượng lãnh đạo và uy tín của Đảng, đến mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân cũng như việc hoàn thiện nhân cách người cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể. Trong tình hình hiện nay, việc đổi mới phong cách làm việc theo tư tưởng và tấm gương về phong cách làm việc của Hồ Chí Minh nói đi đôi với làm là vấn đề cấp thiết.
5. Đặc trưng cơ bản của phong cách ứng xử Hồ Chí Minh được thể hiện ở ngôn từ, cử chỉ thích hợp và đúng đối tượng giao tiếp.
 Phong cách ứng xử của Người vừa khiêm tốn, nhã nhặn, lịch lãm vừa linh hoạt, biến hóa, lại chân tình, nồng hậu có lý, có tình chứa đựng những giá trị nhân bản của con người, yêu thương, quý mến, trân trọng con người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Khi cần nhắc nhở, Người không quên chỉ vẽ tận tình. Khi cần phê bình, Người rất nghiêm khắc, nhưng rất độ lượng, bao dung, không bao giờ bao che, nhằm nâng con người lên chứ không hạ thấp, vùi dập.
Điều gợi ý sâu sắc từ tư tưởng và thực tiễn sống động Hồ Chí Minh là ở chỗ, văn hóa ứng xử trước hết là văn hóa tự ứng xử. Trau dồi học vấn để từng bước đạt tới sự trưởng thành văn hóa; rèn luyện đạo đức, đặc biệt là các đức tính để rèn luyện nhân cách - những nội dung giáo dục ấy phải thấm sâu vào tình cảm con người, tăng cường được năng lực trí tuệ, tự giác trở thành nhu cầu và lối sống. Và như vậy, giáo dục trở thành tự giáo dục. Bởi thế, biết hướng thiện và phục thiện là một khởi nguồn quan trọng để mỗi con người tự hoàn thiện nhân cách của chính mình. Phải tự mình trở nên tốt đẹp - đó là một nhu cầu cao quý của đời sống tinh thần và thế giới nội tâm của con người; đó là động lực để con người tự mình học tập, noi gương những điều tốt đẹp ở người khác, biết tôn trọng những giá trị ở đời, biết yêu thương và tin cậy con người.
Trong giai đoạn hiện nay, học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, mỗi tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, thể hiện cụ thể trong suy nghĩ và thực hiện công việc hàng ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng./.
                                                                      PGS. TS. Nguyễn Minh Phương - Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Ban TGNC sưu tầm)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây