Sáng tạo để phục vụ tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng

Thứ tư - 29/05/2024 21:25 36 0
Suốt nhiều năm gắn bó với ngành Lâm nghiệp, anh Nguyễn Minh Diễn - Kiểm lâm viên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị luôn tận tụy và có nhiều cống hiến trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, anh Minh Diễn dành hết tâm huyết vào những sáng kiến, giải pháp phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Trăn trở tìm giải pháp tích cực, hiệu quả

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Huế, chuyên ngành Lâm nghiệp vào năm 2004, anh Nguyễn Minh Diễn trở về quê hương Quảng Trị để thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu nay là được góp công sức của mình cùng với những người đang công tác trong ngành Lâm nghiệp thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.
1 8
Anh Nguyễn Minh Diễn, tấm gương sáng trong phong trào thi đua lao động sáng tạo
Anh Minh Diễn chia sẻ, bản thân trực tiếp đi, cảm nhận thực tế và nghe những lời tâm sự từ đồng nghiệp về những khó khăn, vất vả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, từ đó, luôn trăn trở, nghiên cứu để tìm ra phương pháp mới giúp cho những người công tác trong ngành lâm nghiệp bớt nhọc nhằn, vất vả và hiểm nguy trong công việc, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.

Thực tiễn đã trở thành nguồn cảm hứng, động lực cho anh dồn tâm huyết vào nghiên cứu các đề tài về lĩnh vực lâm nghiệp. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu được anh thực hiện có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, được các cấp, ngành ghi nhận và khen thưởng, trong đó, thành công nhất chính là sáng kiến: “Nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong lâm nghiệp như QGIS, Mapinfo, Google Earth để giải đoán ảnh vệ tinh nhằm phát hiện sớm sự thay đổi hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên thực địa, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa bàn tỉnh Quảng Trị”, do nhóm tác giải của Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện, trong đó, anh Minh Diễn là người chủ trì nghiên cứu, sáng kiến.

Tỉnh Quảng Trị có 248.121,6 ha rừng, trong đó, có 126.692,4 ha rừng tự nhiên, 121.420,20 ha rừng trồng, ngoài ra có 37.756,0 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng, độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 49,9%.

Anh Minh Diễn cho biết, trước đây, việc xác định diện tích rừng, đất lâm nghiệp phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng chủ yếu dựa vào bản đồ giấy, máy địa bàn 3 chân, bằng kinh nghiệm… nên việc xây dựng bản đồ số hiện trạng rừng, bản đồ quy hoạch lâm nghiệp để phục vụ cho việc quản lý, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo môi trường trên địa bàn tỉnh có lúc có nơi còn chưa được thống nhất, chưa chặt chẽ, thiếu chính xác, sai số giữa bản đồ và thực địa khá lớn.
2 10
Anh Minh Diễn (bên trái) luôn mong muốn những sáng kiến, giải pháp của mình sẽ
góp phần phục vụ tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ rừng
Việc quản lý bảo vệ rừng ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, lực lượng ngày càng mỏng (do tinh giản biên chế), diện tích rừng ngày càng nhiều (do bảo vệ rừng tự nhiên hiện có, trồng mới thêm rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất), các đối tượng với hành vi vi phạm ngày càng tinh vi khó phát hiện, gây ra nhiều khó khăn cho các chủ rừng và lực lượng chức năng.

Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật phát hiện sớm biến động hiện trạng rừng trên thực địa chưa được nghiên cứu ứng dụng rộng rãi, hầu hết các vụ vi phạm về khai thác lâm sản, xâm lấn rừng phát hiện qua báo tin, tuần tra dài ngày; phương pháp truyền thống có nhiều hạn chế như: Mất nhiều thời gian, nhân lực, tin báo đến muộn, có vụ phát hiện được vi phạm thì diện tích thiệt hại đã khá lớn, đối tượng đã biết trước và bỏ trốn nên không điều tra xác minh được...

Mặc dù cấp trên và Chi cục Kiểm lâm đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng nhưng do lực lượng ngày càng mỏng, địa bàn rộng lớn dàn trải, trình độ khoa học kỹ thuật một số cán bộ còn có phần hạn chế nên mặc dù chủ rừng, kiểm lâm đã cố gắng rất nhiều nhưng việc phát hiện các vụ vi phạm vẫn chưa kịp thời, việc quản lý bảo vệ rừng hết sức khó khăn, sức người cũng hạn chế.
3 10
Phát hiện nghi vấn phá rừng tự nhiên làm nương rẫy và ảnh kết quả kiểm tra
hiện trường tại huyện Hướng Hóa vào năm 2023
Có một số vụ vi phạm mà báo chí, các ngành khác còn nắm bắt thông tin trước cả chủ rừng, lực lượng kiểm lâm; nhiều công chức kiểm lâm, cán bộ của chủ rừng đã bị xử lý trách nhiệm kỷ luật, tâm lý lo lắng trách nhiệm đè nặng, một số cán bộ bảo vệ rừng và kiểm lâm đã xin nghỉ việc hoặc chuyển ngành, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình trên, qua thực tiễn công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã thúc đẩy nhóm tác giả: Nguyễn Minh Diễn, Trần Hiệp, Văn Ngọc Thắng, Bùi Quang Linh, Bùi Quang Duận, Nguyễn Thị Diệu Linh triển khai thực hiện nghiên cứu ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin về lâm nghiệp như QGIS, Mapinfo, Google Earth... để thực hiện giải đoán ảnh vệ tinh nhằm phát hiện sớm sự thay đổi hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên thực địa với độ chính xác cao, kịp thời phát hiện sớm các điểm biến động về rừng và đất lâm nghiệp; biết được trước các vị trí nghi vấn biến động rừng như tọa độ, lô, khoảnh, tiểu khu để tổ chức kiểm tra chủ động ngăn chặn kịp thời có các biện pháp xử lý các điểm có biến động rừng và đất lâm nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng; hạn chế việc tổ chức tuần tra kiểu dàn trải không nắm trước vị trí biến động cụ thể, từ đó giảm nhân lực, chi phí, thời gian thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng…

Nhiều kết quả ấn tượng

Giải pháp “Nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong lâm nghiệp như QGIS, Mapinfo, Google Earth để giải đoán ảnh vệ tinh nhằm phát hiện sớm sự thay đổi hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên thực địa, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa bàn tỉnh Quảng Trị” bắt đầu nghiên cứu ứng dụng vào tháng 6/2021, hoàn thiện vào tháng 10/2021.
4 4
Anh Minh Diễn giới thiệu giải pháp nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong lâm nghiệp để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng.
Đây là thể loại ứng dụng các phần mềm (GIS) trong lâm nghiệp, cụ thể là sử dụng QGIS, Mapinfo, Google Earth cài trên máy tính để tải ảnh vệ tinh Planet, sử dụng kỹ thuật phân tích ảnh vệ tinh planet có độ phân giải 3mx3m, được chụp hàng ngày để so sánh phân tích ảnh trước và sau khi có biến động, kết quả phân tích nếu thấy có vị trí xuất hiện biến động mới thì sẽ chuyển vị trí tọa độ, lô, khoảnh, tiểu khu, diện tích, trạng thái rừng vào các công cụ như GPS, điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm Mapinr, Vtool, Geopfes... để đi kiểm tra thực tế hiện trường tại những tọa độ đã được xác định có biến động tìm ra nguyên nhân của biến động rừng, đất lâm nghiệp, như khai thác rừng, phá rừng, cháy rừng hoặc sai khác giữa thực địa và hồ sơ, bản đồ về quản lý rừng.

So với phương pháp truyền thống, việc phân tích xử lý ảnh vệ tinh phát hiện sớm được các vị trí biến động, xử lý điểm biến động trên ảnh sau đó tổ chức kiểm tra hiện trường, thực tiễn cho thấy độ chính xác lên đến trên 90%; tiết kiệm được nhân lực giảm sức lao động cho đội ngũ bảo vệ rừng, thời gian nhanh chóng, thay vì tuần tra đợt 3 - 7 ngày như trước đây thì nay đã thực hiện từ 1 - 2 ngày, có khi ½ ngày là đã có kết quả; giảm được chi phí xăng xe, công tuần tra của cán bộ quản lý bảo vệ rừng tại địa bàn; khắc phục được tình trạng tuần tra “mò” giữa rừng, thay thế bằng phương pháp tuần tra có chủ đề chủ điểm, phát hiện các điểm có nghi vấn biến động trước và rồi mới xây dựng kết hoạch, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn…
5 5
Giải pháp “Nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong lâm nghiệp như QGIS, Mapinfo, Google Earth để giải đoán ảnh vệ tinh nhằm phát hiện sớm sự thay đổi hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên thực địa, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa bàn tỉnh Quảng Trị” đạt giải Ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ X
Hiện nay, giải pháp đang được ứng dụng rộng rãi trong ngành lâm nghiệp, là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, các chủ rừng. Những ích lợi về mặt kinh tế - xã hội mà giải pháp mang lại là rất lớn. Kết quả nghiên cứu ứng dụng của nhóm tác giải được sử dụng hoàn toàn miễn phí, tận dụng các phương tiện dụng cụ đã có của cơ quan đơn vị, cá nhân như máy tính, GPS, điện thoại thông minh để thực hiện; không phải bỏ ra chi phí mua ảnh vệ tinh, ước tính sơ bộ hàng năm đã tiết kiệm được nguồn mua ảnh…

Anh Minh Diễn vui vẻ cho biết, giải pháp “Nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong lâm nghiệp như QGIS, Mapinfo, Google Earth để giải đoán ảnh vệ tinh nhằm phát hiện sớm sự thay đổi hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên thực địa, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa bàn tỉnh Quảng Trị” đã đạt giải ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ X năm 2022 -2023, đạt giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 năm 2022 - 2023.

Qua hơn 2 năm nghiên cứu, ứng dụng, kiểm chứng cho thấy kết quả giải đoán ảnh có độ chính xác cao so với thực tế kiểm chứng, trên 90%. Hầu hết cán bộ nghiệp vụ của Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm đã sử dụng phần mềm GIS trong lâm nghiệp, kết hợp điện thoại thông minh, máy tính bảng cài đặt các phần mềm QIS, Mapinfo, FMRS, Vtool, Mapinr, GeoPfes có nền ảnh vệ tinh… để quản lý, giám sát, điều tra, khảo sát thực địa, chuyển đổi và khai thác các dữ liệu bản đồ số, xác định vị trí, khoanh vẽ lô rừng, điểm, đường, xác định khoảng cách, diện tích một cách nhanh chóng và chính xác.
6 5
Anh Minh Diễn (ngoài cùng, bên trái) và các tác giả được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen đạt giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ X
Ngoài ra, còn ứng dụng khoa học công nghệ theo dõi hệ thống cảnh báo, dự báo cấp dự báo cháy rừng, giám sát và đánh giá Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các dự án về lâm nghiệp. Hầu như các vụ biến động về rừng đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đều được phát hiện kịp thời thông qua kết quả giải đoán ảnh vệ tinh.

Năm 2021, qua ảnh vệ tinh trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 10 vụ vi phạm phá rừng tự nhiên là nương rẫy. Năm 2022, đã phát hiện hàng chục điểm biến động rừng tự nhiên qua ảnh vệ tinh, trong đó, có 25 vụ phá rừng tự nhiên làm nương rẫy, đặc biệt là phá rừng tự nhiên tại xã Đakrông, huyện Đakrông đã khởi tố.

Đặc biệt, trong năm 2023, đã phát hiện 64 điểm có biến động diện tích rừng tự nhiên, diện tích bị biến động khoảng 70,69 ha. Trong đó, có nhiều điểm biến động nguyên nhân do phá rừng, đã kịp thời thông tin cho các hạt kiểm lâm tổ chức bảo vệ hiện trường, đấu tranh ngăn chặn, điều tra, khởi tố, xử lý theo quy định.

 
BÀI DỰ THI CUỘC THI VIẾT "CÔNG NHÂN VÀ CÔNG ĐOÀN QUẢNG TRỊ" NĂM 2024

 

Tác giả bài viết: Hoài Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây