Chú trọng nhiệm vụ phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở

Thứ tư - 11/09/2024 03:05 403 0
Thời gian qua, xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhất là Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã và đang đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động gắn với nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS để thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, nhờ vậy, số lượng và chất lượng đoàn viên không ngừng được nâng lên. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị - xã hội và tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Chỉ tính riêng ngành Công thương, trong 5 năm (2018-2023) chất lượng đội ngũ đoàn viên công đoàn có sự thay đổi tích cực, đa số công nhân lao động tuổi đời trẻ, có ý chí phấn đấu, tiếp cận nhanh với khoa học kỹ thuật. Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng công tác tuyển dụng số lao động có chất lượng cao và quan tâm tạo điều kiện cho công nhân lao động không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan quản lý hành chính sự nghiệp được đào tạo cơ bản. Bộ máy lãnh đạo đang dần được trẻ hoá và đảm trách những vị trí quan trọng, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm. Đây là điều kiện thuận lợi để Công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS tại các đơn vị.  
z5816473405951 97f168b00bfaaa138c1e867dcae9a9eb

Hằng năm, Công đoàn ngành Công Thương đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp sát với tình hình thực tế; khảo sát, nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp, thành lập các tổ công tác để đến cơ sở, gặp gỡ người sử dụng lao động và người lao động để tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. 

Cán bộ công đoàn đã chứng minh lợi ích gia nhập tổ chức công đoàn bằng những việc làm, chương trình cụ thể, hoạt động hỗ trợ trực tiếp của Công đoàn các cấp dành cho đoàn viên, người lao động. Trong đó, công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động được tập trung thực hiện, nhất là công tác phối hợp với cơ quan nhà nước kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động; công đoàn chủ động nắm bắt tình hình để tham gia với người sử dụng lao động giải quyết tốt các chế độ, chính sách cho đoàn viên và người lao động, đối thoại, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể có lợi cho người lao động; triển khai hiệu quả các chương trình như: Mái ấm công đoàn, Tết sum vầy - Xuân chia sẻ, kịp thời động viên đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, … Thông qua các phần việc ý nghĩa đã khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn và tạo được niềm tin của đông đảo công nhân, lao động trên địa bàn.

Những khó khăn, bất cập

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong bối cảnh hiện nay việc phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở để bắt nhịp và tương xứng với tốc độ phát triển nhanh chóng của doanh nghiệp và giai cấp công nhân vẫn đang là bài toán khó giải quyết, nhất là ở một số địa phương có nền kinh tế phát triển tương đối chậm như tỉnh Quảng Trị. Năm 2017, toàn Công đoàn ngành Công thương Quảng Trị có 2.513 đoàn viên/ tổng số 2.857 người lao động tại và 35 CĐCS trực thuộc và sau 5 năm (tính đến 31/12/2022), số lượng đoàn viên chỉ tăng lên 2.588/tổng số 2.993 người lao động, sinh hoạt tại 39 công đoàn cơ sở.

Nguyên nhân của khó khăn này bắt nguồn từ nhiều yếu tổ bao gồm cả chủ quan và khách quan. Đầu tiên phải kể đến việc phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh có quy mô nhỏ và "siêu nhỏ", điều này dẫn đến những hạn chế về tài chính và nguồn lực, làm giảm khả năng đầu tư và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp này thường sản xuất theo thời vụ, dẫn đến sự biến động lớn trong lao động, khiến người lao động không có việc làm thường xuyên, gây khó khăn cho công tác quản lý nhân sự. 

Mặt khác, tình hình kinh tế trong tỉnh cũng phát triển không ổn định, dễ bị tác động bởi các yếu tố như thời tiết hay biến động thị trường, làm cho các doanh nghiệp khó duy trì hoạt động lâu dài. Trong bối cảnh đó, việc tuyên truyền và vận động người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn trở nên thách thức lớn do họ có thể không nhận thấy lợi ích trước mắt hoặc không ổn định trong công việc để cam kết tham gia. 

Thêm vào đó, sự dịch chuyển lao động trong tỉnh, cũng như từ tỉnh ra ngoài, diễn ra ngày càng nhiều khiến số lượng đoàn viên giảm sút mỗi năm, ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ tiêu phát triển đoàn viên của công đoàn; một số công nhân và người sử dụng lao động (Doanh nghiệp) còn có tâm lý “ngại” gia nhập vào tổ chức Công đoàn. Do vậy, khi cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở muốn tiếp cận công nhân để tuyên truyền, vận động, họ thường gặp phải sự cản trở từ phía doanh nghiệp, hoặc thậm chí là thái độ không tích cực từ người lao động. 

 
z5816513183646 727b4555c3652a24355cb638309a855d

Các thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động hiện nay chủ yếu chỉ đề cập đến các quyền lợi cơ bản như lương, giờ làm, bảo hiểm, một số nội dung có lợi cho đoàn viên hơn so với luật định. Tuy nhiên, việc dự liệu được các tình huống phức tạp hơn, đơn cử như khi có tranh chấp lao động nghiêm trọng, khi doanh nghiệp phá sản, hoặc khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Vì vậy, từ góc độ chủ quan của người lao động, họ cho rằng Công đoàn khó có thể mang lại sự bảo vệ và lợi ích thiết thực trong những tình huống khó khăn này. Điều này cũng là một cản trở khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động công nhân gia nhập vào Công đoàn.

Đặc biệt, phải kể đến là vai trò của cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vô cùng quan trọng, chính “họ” vừa là “cầu nối” vừa là “đại diện” cho đoàn viên, người lao động để đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng đến với đoàn viên,  tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động; Song vẫn có một số cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp chưa xác định được mục đích, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của “cầu nối” và “đại diện” để phát huy hết năng lực, sở trường trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở, bởi nhiệm vụ này là “xương sống’ của tổ chức Công đoàn.

Giải pháp là gì?

Trước tiên cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Công đoàn Việt Nam, Điều lệ Công đoàn Việt Nam, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động bằng nhiều hình thức sát với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đến tất cả cán bộ, công nhân, người lao động; Phổ biến sâu rộng đến người sử dụng lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và tầm quan trọng khi tham gia vào Công đoàn Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Tích cực khảo sát, nắm chắc tình hình doanh nghiệp và công nhân lao động (cả khu vực chính thức và phi chính thức) được phân cấp trên địa bàn và theo ngành, nghề để tập trung tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, phối hợp hỗ trợ của chính quyền đồng cấp và các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. 

Phải đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với CĐCS và đoàn viên, người lao động. Đổi mới từ cách thức xây dựng chương trình đến kế hoạch công tác theo hướng giảm sự thụ động theo chỉ đạo của công đoàn cấp trên, tăng tính chủ động theo yêu cầu của CĐCS trực tiếp quản lý, có giải pháp cụ thể để cùng với CĐCS giải quyết các vấn đề do CĐCS, đoàn viên và người lao động yêu cầu.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Hàng năm, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công đoàn cho cán bộ công đoàn các cấp; gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch cán bộ, tiêu chuẩn của ngạch công chức và nhu cầu vị trí việc làm. Quan tâm, tạo điều kiện và cử cán bộ chuyên trách công đoàn tham gia các lớp đào tạo lý luận và nghiệp vụ công tác công đoàn, các lớp lý luận chính trị, nâng cao các kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Và cuối cùng, cần có hành lang pháp lý góp phần tăng “trọng lượng tiếng nói” của cán bộ Công đoàn trong công tác phối, kết hợp giữa các bên có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ vận động, tập hợp lực lượng công nhân tham gia vào tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Tác giả bài viết: Ngô Vân - CĐN Công Thương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây