Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên và người lao động

Thứ ba - 01/01/2019 22:30 2.137 0
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, viên chức, lao động (CNVC, LĐ), góp phần củng cố và nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho người lao động (NLĐ), năm 2018 Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong CNVC,LĐ.
Công đoàn Quảng Trị đổi mới hình thức tuyền truyền pháp luật thông qua hoạt động tổ chức hội thi.
Công đoàn Quảng Trị đổi mới hình thức tuyền truyền pháp luật thông qua hoạt động tổ chức hội thi.
Một trong những giải pháp hàng đầu để xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong quan hệ lao động là phải nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người lao động (NLĐ). Có hiểu biết pháp luật thì NLĐ mới có ý thức chấp hành và có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, nhờ đó mới hạn chế tình trạng tranh chấp lao động trong mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp với NLĐ. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều nơi, NLĐ chưa thực sự quan tâm nhiều đến việc học tập, tự tìm hiểu về pháp luật lao động và Luật Công đoàn. Tỷ lệ công nhân lao động chưa nắm bắt, cập nhật đầy đủ các quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước còn rất lớn, điều này đã làm hạn chế đến thói quen tuân thủ, thực hiện, sử dụng quyền và nghĩa vụ pháp lý của CNLĐ, nhất là hạn chế việc tự bảo vệ lợi ích hợp pháp của bản thân.
Trước yêu cầu đó, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tập trung chỉ đạo đổi mới hoạt động tuyên truyền theo phương châm hướng mạnh về cơ sở. Xem công tác tuyên truyền PBGDPL là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần được thực hiện thường xuyên như một giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Vì vậy, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL trong CNVC,LĐ nói chung và CNLĐ trong các doanh nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp nói riêng. Nội dung tuyên truyền được lựa chọn phù hợp, có liên quan trực tiếp đến NLĐ như: Hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ đối với lao động nữ, điều kiện, môi trường làm việc, hoạt động của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVC,LĐ cũng như quyền và nghĩa vụ của NLĐ khi là đoàn viên công đoàn… Hình thức tuyên truyền cũng được đổi mới theo hướng cung cấp những nội dung cơ bản, sát sườn về chính sách đối với NLĐ, sau đó tập trung giải đáp những thắc mắc của NLĐ.
Tại các buổi tuyên truyền, báo cáo viên dành thời gian cho NLĐ đặt các câu hỏi và trả lời trực tiếp cho NLĐ và ngược lại, báo cáo viên đặt ra những câu hỏi tình huống để NLĐ củng cố lại kiến thức vừa được tiếp thu cũng như vận dụng vào những trường hợp vướng mắc gặp phải. Trong điều kiện hoạt động đặc thù ở các doanh nghiệp, cường độ lao động cao, ít có điều kiện tập hợp NLĐ tham gia các hoạt động tập trung, việc lựa chọn thời điểm tổ chức tuyên truyền cũng hết sức linh hoạt, không làm ảnh hưởng đến thời giờ sản xuất của doanh nghiệp. Trong khoảng thời gian ngắn sau giờ tan ca, trước giờ vào ca, thời gian nghỉ giữa ca, hoặc buổi tối, cán bộ tuyên truyền cùng với CNLĐ có mặt tại nhà ăn hoặc hội trường của doanh nghiệp để cùng tham gia hoạt động này. Tại các doanh nghiệp, ban chấp hành CĐCS cũng đã vận dụng hình thức tuyên truyền trích lục những nội dung quan trọng trong tài liệu Luật Lao động đem treo, dán ở nơi tập trung đông người như hội trường, nhà ăn, các phân xưởng sản xuất.
Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tăng cường phối hợp với ngành Tư pháp, Bảo hiểm xã hội, Ban ATGT, Công an tỉnh, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, các ban chuyên đề của Tổng LĐLĐ Việt Nam... để đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL cho NLĐ như: Biên soạn cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật trên các lĩnh vực; tổ chức đối thoại, tư vấn các chế độ chính sách liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN, hợp đồng lao động, an toàn vệ sinh lao động... qua đó tuyên truyền những hành vi pháp luật tích cực như thói quen tuân thủ pháp luật trong CNLĐ; tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động có trách nhiệm tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ; thực hiện đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ. Chủ động tham gia thương lượng với người sử dụng lao động, đưa nội dung nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho NLĐ của người sử dụng lao động vào nội dung thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp.
Bằng các hình thức tuyên truyền, trong năm 2018 các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức 78 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 8.500 CNVC,LĐ; các CĐCS đã lồng ghép tổ chức trên 2.500 hoạt động tuyên truyền pháp luật thu hút hơn 90.000 lượt CNVC,LĐ tham gia. LĐLĐ tỉnh phối hợp tổ chức 2 lớp huấn luyện công tác an toàn vệ sinh lao động cho 250 cán bộ quản lý phụ trách công tác an toàn vệ sinh lao động. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thi “An toàn vệ sinh viên giỏi”; chương trình đối thoại về chính sách pháp luật lao động, công đoàn, BHXH với 300 doanh nghiệp; phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại với NLĐ về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN cho hơn 200 cán bộ công đoàn các cấp và NLĐ trên địa bàn tỉnh; khối hợp với BHXH tỉnh tổ chức 20 lớp tuyên truyền pháp luật lao động, công đoàn, BHXH cho 1.200 CNVC,LĐ. LĐLĐ tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện chuyên mục Lao động và Công đoàn trên sóng Đài PTTH Quảng Trị và trang báo Công đoàn trên Báo Quảng Trị; nội dung trang thông tin điện tử LĐLĐ tỉnh ngày càng phong phú và nâng cao chất lượng.
Với những kết quả đạt được của các cấp công đoàn trong thực hiện hoạt động tuyên truyền PBGDPL đã góp phần truyền tải đưa pháp luật đi vào cuộc sống, giúp CNLĐ nắm được các chế độ, chính sách, quyền, nghĩa vụ khi tham gia quan hệ lao động. Người sử dụng lao động nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, góp phần hạn chế việc tranh chấp lao động, từng bước cải thiện mối quan hệ giữa NLĐ và người sử dụng lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ. Mặt khác, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Quảng Trị nhiệm kỳ 2018 - 2023, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ của tổ chức công đoàn. Vì vậy, các cấp công đoàn trong tỉnh cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Chú trọng tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, nhất là các chế độ, chính sách được sửa đổi, bổ sung, mới ban hành và có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của CNVC,LĐ. Nội dung, hình thức, phương pháp thực hiện tuyên truyền phải phù hợp với đối tượng, tính chất công việc của từng ngành, nghề, lĩnh vực công tác và điều kiện thực tế của từng địa phương, ngành, đơn vị, doanh nghiệp. Đối với CĐCS khối hành chính sự nghiệp, chỉ đạo các đơn vị nâng cao hiệu quả chất lượng của “Ngày pháp luật” hằng tháng. Đối với loại hình CĐCS trong các doanh nghiệp hướng dẫn quy trình buổi tuyên truyền pháp luật và cung cấp thêm tài liệu tuyên truyền; chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp cho CNLĐ hiểu hơn về các chế độ chính sách, những quyền lợi được hưởng, nghĩa vụ phải đóng góp, thực hiện cho xã hội, cho doanh nghiệp. Tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng tuyên truyền; phát huy hiệu quả công tác tư vấn pháp luật.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây