Viên chức dân số làm đủ việc ở vùng biên và phút hụt hẫng khi bị “bỏ rơi”

Thứ năm - 06/07/2023 04:06 223 0
Bình thường, viên chức dân số công tác ở các xã biên giới ở tỉnh Quảng Trị phụ trách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Nhưng khi có dịch COVID-19, họ được phân công làm đủ việc như các cán bộ ở trạm y tế. Không nề hà, họ chung vai cùng phòng chống dịch. Đến lúc có chế độ, họ lại bị đẩy ra ngoài, nên ai cũng hụt hẫng.
dan so quang tri
Viên chức dân số Trần Văn Hiền tuyên truyền về cách tránh thai cho người dân ở xã A Vao

Công việc thường ngày của viên chức dân số ở rẻo cao Đakrông

Quê ở tỉnh Nam Định, từ năm 1999, cả gia đình anh Trần Văn Hiền chuyển vào xã Tà Rụt (huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị) sinh sống. Năm nay 36 tuổi, anh Hiền đã có 11 năm gắn bó với xã A Vao (huyện Đakrông) và làm công tác dân số ở Trạm Y tế xã A Vao.

Xã A Vao có 6 thôn với 3.400 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào thiểu số Pa Cô sinh sống. Bám vào nương rẫy, nên người dân ở đây còn khó khăn.

Ở trạm, 1 mình anh Hiền là viên chức dân số, người dân ở xã đông, sinh đẻ thiếu kế hoạch trong lúc kinh tế khó khăn, nên công việc của anh Hiền khá bận rộn.
dan so quang tri 1
Anh Hiền (thứ hai, từ trái sang) cùng các lực lượng tham gia chốt liên ngành phòng chống dịch COVID-19
Anh Hiền kể, 1 tháng, anh triển khai khoảng 3 nội dung, và nội dung nào cũng phải đi về các thôn bản. Tuần đầu tiên, anh truyền thông về các biện pháp tránh thai, tuần thứ 2 truyền thông Nghị định 39/2015 về hỗ trợ cho phụ nữ là người đồng bào thiểu số thực hiện các biện pháp tránh thai, tuần thứ 3 thì truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Còn tuần thứ 4 thì tổng hợp, làm báo cáo cho tháng mới.

“Kế hoạch thì ngắn gọn, đơn giản. Nhưng để hoàn thành công việc thì thực sự lắm gian nan” - anh Hiền nói.

Gian nan mà anh Hiển kể, như thôn Pa Lin cách trung tâm 20 km, trước để đi vào thôn mất 2 giờ đồng hồ mướt mồ hôi vì đường đất. Bây giờ, đường mới đổ bê tông, nhưng mùa mưa thì cũng dễ bị cô lập vì nước lũ, sạt lở đất.

Để tiếp cận một gia đình có đông con, trước tiên, anh Hiền phải tìm hiểu về gia đình đó qua già làng, trưởng bản. Tiếp đó, sẽ vận động sử dụng các biện pháp tránh thai.

Do người dân không có nhu cầu tránh thai, nên để vận động được đôi vợ chồng chịu dùng các biện pháp tránh thai hoặc đình sản không phải ngày một ngày hai mà thành công.

11 năm anh Hiền kiên trì bám bản làng, nên công tác dân số ở A Vao có nhiều chuyển biến. Từ chỗ tỉ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở mức cao, thì nay đã giảm đi nhiều. Số cặp vợ chồng chịu sử dụng các biện pháp tránh thai, đặc biệt là đình sản cũng tăng lên, đồng nghĩa với việc kế hoạch hóa gia đình tốt hơn…

Tham gia chống dịch và bị “bỏ rơi”

Là viên chức dân số, công việc của anh Hiền là phụ trách dân số và kế hoạch hóa gia đình, phụ trách chương trình truyền thông, người cao tuổi. Nhưng không dừng ở đó, hễ có việc gì, anh Hiền sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 xuất hiện, Trung tâm y tế huyện Đakrông cử đi trực chốt liên ngành ở địa điểm giáp ranh giữa tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ở xã A Bung, ở ngã ba đường lên Cửa khẩu quốc tế La Lay, anh Hiền sẵn sàng tham gia không ý kiến.

Ngoài trực chốt liên ngành, anh Hiền còn tham gia đi truy vết F1, F2, đi phun khử khuẩn phòng COVID-19 ở các hộ gia đình.

“Nếu có bệnh nhân hoặc các đối tượng nghi vấn, thì lấy test. Nếu dương tính thì báo lên ban chỉ đạo, rồi đến nhà bệnh nhân treo bảng căng dây… Nói chung, anh em ở trạm làm gì mà mình làm được, thì cùng chung vai hỗ trợ chứ không nề hà gì cả” - anh Hiền nhớ lại.
can bo dan so quang 1
Anh Hiền test COVID-19 cho người dân
Cùng thời điểm tham gia nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, anh Hiền cũng phải làm tốt công tác dân số của mình, chứ không lơ là bỏ lỡ được.

Làm đủ việc với tinh thần trách nhiệm cao, khi nghe có phụ cấp ưu đãi, mọi người đều nghĩ ai cũng sẽ được động viên. Nhưng Nghị định 05/NĐ-CP bổ sung khoản 7 vào Điều 3 Nghị định 56 về “Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1.1.2022 đến hết ngày 31.12.2023” lại không có tên của viên chức dân số.

Hỏi anh Hiền, lúc biết tin mình không được hưởng phụ cấp ưu đãi như các anh em trong trạm, anh nghĩ gì? Anh Hiền bảo, “công sức mình cũng bỏ ra như anh em, nhưng khi có chế độ thì lại bị loại ra, thấy như mình bị bỏ rơi, nên rất hụt hẫng”.

“Không phải chỉ riêng mình có cảm giác đó, mà các viên chức dân số ở các xã gần đây cũng như vậy” - anh Hiền chia sẻ.

Tác giả bài viết: Hưng Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây