Người mang lớp học "đặc biệt" đến với trẻ tự kỷ

Thứ ba - 25/06/2024 20:53 60 0
Với đồng nghiệp và các em học sinh ở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh, cô giáo Nguyễn Thị Tình luôn là tấm gương nhà giáo trẻ đầy nhiệt huyết, tận tâm với nghề và cô cũng chính là người mang lớp học “đặc biệt” đến với trẻ tự kỷ ở tỉnh Quảng Trị
Cơ duyên đến với nghề giáo dục trẻ “đặc biệt”

Sinh ra và lớn lên trên một vùng quê nghèo tỉnh Quảng Trị, gia đình có đông con ăn học, từ nhỏ, cô giáo Nguyễn Thị Tình đã ý thức được việc học tập để đóng góp công sức xây dựng quê hương. Nhiều năm liền, cô luôn là một học sinh khá, giỏi và được thầy cô, bạn bè yêu mến.

“Đứng trước cánh cửa đại học, mình băn khoăn chưa biết chọn ngành nghề nào cho phù hợp với nhu cầu của xã hội, nhưng bản thân vốn là người yêu mến trẻ con, và mình đã chọn ngôi trường sư phạm với khoa tâm lý giáo dục, từ đó cơ duyên đã đến với nghề dạy trẻ tự kỷ”, cô Tình chia sẻ.
1 9
Cô giáo Nguyễn Thị Tình đón nhận món quà từ Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Sau khi tốt nghiệp, cô giáo Nguyễn Thị Tình đã chọn cho mình công việc tại một Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật tại thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian được làm việc tại đây, chính những hoàn cảnh “đặc biệt” của các bạn nhỏ ở trung tâm đã “chạm” đến trái tim của cô, thúc giục phải gắn bó với nghề giáo dục trẻ đặc biệt. “Mang lại niềm vui và hạnh phúc cho trẻ là mục tiêu mà tôi đã đặt ra khi trở thành một nhà giáo”, cô Tình nói.

Sau nhiều năm là việc và học tập xa nhà, cô luôn tìm hiểu và biết được tại tỉnh Quảng Trị đang còn rất nhiều trẻ em đang mắc hội chứng “tự kỷ” cần được can thiệp kịp thời. Và thực tế cho thấy rằng, nhiều gia đình đã phải “cơm đùm, gạo bới” để đưa con ra Bắc, vào Nam để can thiệp. Những khó khăn về khoảng cách địa lý và tài chính đã khiến nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn lại càng chật vật hơn. Chính vì điều đó, đã thúc giục cô quay trở về quê hương để đóng góp công sức của mình giúp đỡ các bạn nhỏ ở quê nhà.

“Những ngày đầu trở về quê hương, mỗi ngày, bản thân chạy xe máy gần 60km để dạy kèm cho các bạn nhỏ ở huyện Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà. Nhiều hôm, phải đến tận 22 giờ mới được trở về đến nhà”, cô Tình kể.
2 9
Cô giáo Tình nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 
Hành trình tuy vất vả nhưng cô không bao giờ nhụt chí, những lúc trời mưa gió vẫn cố gắng cho trẻ học đầy đủ theo lịch đã ấn định, bởi vì cô hiểu rằng, việc can thiệp trẻ tự kỷ cần thực hiện thường xuyên, liên tục, không ngắt quảng để đạt hiệu quả tốt nhất và không bỏ lỡ giai đoạn vàng can thiệp cho con.

Hiện thực giấc mơ ở quê hương

Với giấc mơ giúp cho trẻ tự kỷ có cơ hội tham gia vào môi trường hoà nhập, dưới hình thức giáo dục hòa nhập ở cấp độ mẫu giáo và tiểu học, cô giáo Nguyễn Thị Tình đã mạnh dạn sáng lập ra Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh. Vừa là người trực tiếp sáng lập, vừa là người quản lý và điều hành trung tâm, cô Tình cũng là người thường xuyên là giáo viên trực tiếp đứng lớp can thiệp can thiệp cho trẻ.

Suốt nhiều năm liền, cô Tình luôn là giáo viên tận tâm với nghề và đặc biệt yêu thương trẻ, cô đã có nhiều hoạt động tích cực trong xây dựng các sáng kiến can thiệp hiệu quả cho trẻ tự kỷ. Với những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cô luôn có những chính sách miễn, giảm học phí, tư vấn hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần cho gia đình.
3 12
Đội ngũ giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh.
Bên cạnh đó, là một đoàn viên của Công đoàn Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh, với trách nhiệm của người quản lý, cô Tình luôn quan tâm, lắng nghe nguyện vọng, ý kiến đề xuất của các giáo viên trong trung tâm để kịp thời điều chỉnh chế độ, chính sách cho giáo viên.

Đồng thời, chủ động xây dựng các chương trình, hoạt động nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho giáo viên của trung tâm; có những hình thức khen thưởng, nâng lương kịp thời đối với những giáo viên có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy.

Được thành lập từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh đã tiếp cận với 1.120 trẻ có nhu cầu đặc biệt, tiến hành can thiệp sớm và hướng nghiệp cho 785 trẻ, hỗ trợ cho 560 em hòa nhập cộng đồng, học sinh đang học hòa nhập lớn nhất là học sinh học lớp 5.

Với những cống hiến trong công tác giảng dạy, năm 2018, cô giáo Nguyễn Thị Tình vinh dự là một trong 48 thầy, cô giáo Tình được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam và được của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến gặp mặt, chia sẻ với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
4 11
Cô giáo Tình đón nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam
Theo cô giáo Nguyễn Thị Tình, nếu như trẻ bình thường đến tuổi đi học mặc nhiên có thể chọn trường với nhiều phương án như trường công lập hay trường tư thục, trường quốc tế, trường song ngữ, thì trẻ khuyết tật phát triển không có cơ hội đó, hầu hết các em phải học trong các trung tâm can thiệp giáo dục đặc biệt với quy mô nhỏ, trường đi thuê nên không có phòng học rộng rãi chức năng, không có sân chơi trong khi nhu cầu giải tỏa xung năng của trẻ rất cao.

Hiểu được những thiệt thòi của trẻ đặc biệt này, cô Tình đau đáu với ước mong xây dựng được một ngôi trường có sân chơi cho trẻ khuyết tật phát triển. Qua thời gian dài 7 năm chuẩn bị, trăn trở về dự án xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh được hình thành, cô Tình đã gõ cửa từng cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương và đến từng nhà người dân để xin được cấp đất, thực hiện dự án xây dựng trung tâm.

Đáp lại sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, đến nay, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh đã được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng dự án. Sự kiên trì và quả ngọt mà cô Tình gặt hái được đã và đang là tín hiệu vui mừng của những phụ huynh, gia đình đang có con rối loạn phát triển trên quê hương Quảng Trị.
5 11
Hoạt động hưởng ứng Ngày nhận thức về tự kỷ của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh.
Cô Tình chia sẻ rằng, niềm vui lớn nhất của cô là khi nhìn thấy sự tiến bộ của trẻ sau một thời gian nỗ lực của cả cô và trò. Đối với trẻ em, hãy dành mọi sự ưu tiên tốt nhất, không bao giờ để trẻ rét, không bao giờ để trẻ đói, không bao giờ để trẻ thiếu giờ học. Mỗi một cô giáo hãy hết lòng thương yêu học trò của mình, để bù đắp cho trẻ phần nào thiệt thòi của số phận...

“Mỗi sự tiến bộ nhỏ của học sinh đều giúp cho cuộc sống của phụ huynh bớt nhọc nhằn. Tôi hạnh phúc vì đã phần nào chia sẻ được sự vất vả mệt nhọc cho phụ huynh, những người ít may mắn hơn tôi”, cô Tình bày tỏ.

Chăm sóc, dạy dỗ trẻ em bình thường đã là công việc vất vả, với những trẻ không may mắc chứng tự kỷ càng khó khăn gấp bội. Với trẻ tự kỷ, tình yêu thương, sự thấu hiểu của mọi người là điều vô cùng quan trọng, giúp trẻ sớm hoà nhập với cuộc sống và có một tương lai tốt đẹp hơn.

Mong rằng, gia đình và xã hội cũng cần có cái nhìn đúng về trẻ tự kỷ, để những kỳ vọng, tiếng nói của giáo viên dạy trẻ tự kỷ sẽ được tiếp tục được quan tâm hơn nữa; có những chính sách hỗ trợ, động viên để thầy cô giáo yên tâm làm nghề và cảm thấy sự hy sinh, cống hiến của mình được ghi nhận.

 
BÀI DỰ THI CUỘC THI VIẾT "CÔNG NHÂN VÀ CÔNG ĐOÀN QUẢNG TRỊ" NĂM 2024

Tác giả bài viết: Sông Quê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây