Thầy giáo Ngô Duy Hưng - người cõng sách lên núi

Thứ ba - 11/06/2024 22:44 81 0
Sau ba lần lỗi hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được thầy giáo Ngô Duy Hưng - Phó Hiệu trưởng Trường TH và THCS A Ngo (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Thầy Hưng đã có gần 20 năm gắn bó với học sinh miền núi. Trong đó, những nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao văn hóa đọc sách, kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân khắp cả nước xây trường, mua sắm trang thiết bị cho học sinh… đã làm nên “thương hiệu” của vị hiệu phó này.
Đói cũng phải đọc sách

Nằm trên con đường Hồ Chí Minh, tính từ cầu Treo Đakrông đi vào khoảng 60 cây số, Trường TH và THCS A Ngo thuộc vùng sâu, xa của tỉnh Quảng Trị. Trường có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ, nằm phân tán trên địa bàn khá xa trung tâm; có 528 học sinh, với hơn 90% con em đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô.

Sau cung đường đầy khó nhọc với nhiều ổ gà ổ voi, chúng tôi đến trường vào giờ nhà trường tổ chức họp phụ huynh tổng kết cuối năm. Ở nơi vùng đất “cực Nam” của tỉnh Quảng Trị, với muôn vàn khó khăn nhưng những người làm cha làm mẹ đi họp phụ huynh khá đông đủ, minh chứng cho thấy vai trò của sự học ở nơi này đã được lớp người đi trước chăm lo, coi trọng.
1 sach
Thầy Ngô Duy Hưng (trái) trong Lễ ra mắt Tủ sách “Đền đáp tiếp nối”
Vị trí trường cao ráo, phía trước là đường Hồ Chí Minh, xa hơn nữa là sông Đakrông. Bên kia sông là núi Mắc Màn, tên chữ là Mạc Sơn - Mạc trong chữ khai mạc - một người dân tộc Kinh sống lâu năm ở đây đã cho tôi biết như thế. Núi có hình dáng như chiếc màn treo phía trước tạo thành bức bình phong rất hợp phong thủy.

Có lẽ với địa thế lưng tựa đồi, mặt hướng về sông và phía xa có núi che chắn đó ắt sẽ là ngôi trường quy tụ tri thức, xứng đáng là nơi con em Vân Kiều, Pa Cô gửi gắm tương lai khi dựa vào tri thức để mong phát triển, đổi đời. Nói điều này, âu cũng có phần “võ đoán”, song sau khi vào xem thư viện của trường thì lòng tôi lại thêm nhiều dữ liệu để xác quyết điều đó đúng?!

Cô Hoàng Thị Hoài Thương - nhân viên thư viện nhà trường “khoe” với chúng tôi: “Các anh đừng nghĩ trường nhỏ, heo hút thế này mà thư viện nghèo nàn nhé! Chúng tôi có hơn 12 ngàn đầu sách dành cho học sinh 2 cấp”.

Nói rồi cô Thương cười tự hào về thành quả rất đáng nễ này. “Tất cả là nhờ thầy Hưng đấy. Bạn bè thầy nhiều lắm, khắp cả nước này. Thầy xin mỗi năm một ít, tích lũy sau nhiều năm miệt mài với công tác nâng cao văn hóa đọc”, cô Thương tâm sự.
2 sach
Học sinh Trường Tiểu học và THCS A Ngo say mê đọc sách trong giờ ra chơi.
Lướt qua các đầu sách, đều là sách quý, phù hợp với lứa tuổi học trò như khoa học thường thức, văn học thiếu nhi, lịch sử, văn hóa… Thầy Ngô Duy Hưng - “linh hồn” của thư viện cho biết, xuất phát từ niềm đam mê đọc sách từ nhỏ nên trong quá trình công tác, thầy luôn coi sách là bạn, luôn tận dụng thời gian để đến với sách.

“Từ niềm đam mê đó, tôi có nhiều người bạn yêu sách, quen biết với nhiều nhà xuất bản nên đã xin mỗi nơi một ít, lâu dần người ta biết mình hay xin sách nên cứ gặp là… cho sách”, thầy Hưng cười hiền hành cho biết.

Theo cô Hoài Thương, ở đây học sinh tiểu học thích đọc sách hơn học sinh cấp 2. Cô lý giải, chắc có lẽ học sinh cấp 2 có máy tính, có điện thoại Smart phone nên tìm kiến tri thức thông qua các kênh này. Các em học sinh tiểu học là “khách hàng” truyền thống của thư viện. Hiện ở các lớp đều có 1 tủ sách, hàng tuần nhà trường hoán đổi sách giữa các lớp để tăng độ phong phú, làm mới kiến thức.

Cô Thương chia sẻ, các em đọc sách trong giờ ra chơi, đọc vào các buổi ngoại khóa. Ban đầu giáo viên phải khích lệ học sinh đọc, sau thành thói quen, cứ đến giờ ra chơi là các em tranh thủ vào thư viện “ăn sách”, một cách nói hóm hỉnh của cô Thương.
3 sach
Thầy Ngô Duy Hưng trong chương trình lì xì sách đêm giao thừa.
Thầy Hoàng Quang Cẩn - Hiệu trưởng Trường TH và THCS A Ngo - cho biết, có thể nói thầy Hưng là “linh hồn” của thư viện nhà trường. Thầy và các giáo viên khác đều là tấm gương đọc sách để học sinh noi theo. Để có hàng ngàn đầu sách và có một cơ số học sinh yêu sách đều có sự góp sự rất lớn của thầy Hưng.

“Ở nơi cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn như nơi này nhưng với sách - tri thức là không thiếu. Có nhiều em đã tâm sự, ở nhà có những bữa cơm ăn không đủ no, bụng đói cồn cào nhưng vẫn tìm đến sách. Nhà trường có một danh sách những em “mọt sách”, trong đó phải kể đến như Hồ Thị Nga (lớp 3A), Hồ Thị Ngân (lớp 7A), Hồ Thị Doanh, Hồ Thị Trúc Mai, Hồ Thị Nuôi (lớp 8A), Hà Lê (lớp 9A). Đặc biệt, em Hồ Thị Ngân lớp 7A có luôn tủ sách nhỏ ở nhà để phục vụ các bạn trong xóm Nhỏ ở thôn A Đeng”, thầy Cẩn chia sẻ.
4 sach
Góc học tập của em Hồ Thị Ngân (lớp 7A) ở thôn A Đeng, xã A Ngo có một kệ sách khiêm tốn để phục vụ các bạn trong xóm.
Cô Thương cho biết thêm, những em ham đọc sách đều là “trợ lý” đặc biệt của cô trong việc sắp xếp sách, phân bổ sách cho các lớp để làm sao tuần nào cũng có sách mới cho các bạn trong lớp tiếp cận. Phong trào đọc sách trong học sinh đã được lan tỏa nhờ chương trình khuyến đọc của nhà trường. “Mỗi giáo viên là mỗi tấm gương về đọc sách”, như lời thầy hiệu trưởng nói, nên ở nơi rẻo cao trên dãy Trường Sơn này, sự đọc được nâng cao và tri thức trong sách được nâng niu, trân trọng.

Tính hiệu quả thấy rõ như em Hồ Thị Ngân tự hào cho biết: “Nhờ sách từ thư viện, từ các bạn mà gia đình em có 3 chị em đều học sinh giỏi nhiều năm nay”.

Người cõng sách về bản

Chuyện thầy Hưng ở A Ngo như một đại sứ văn hóa đọc, khuyến đọc đã lan tỏa đi nhiều nơi. Những ngôi trường vùng biên đều ít nhiều quen hình ảnh người thầy cao, mảnh khảnh với gương mặt sáng, ánh lên sự thông minh thường xuyên về tặng sách cho học sinh để nâng cao cái sự đọc - vốn bấy lâu bị xao lãng bởi những tiện ích khác.

Thầy Hưng kể, từ năm 2014, qua kết nối với một số bạn bè ở Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác, nhóm thầy thành lập dự án thiện nguyện “Gom sách - xóa khoảng cách” để thu gom các loại sách tham khảo, sách truyện, các tài liệu có giá trị đã qua sử dụng của học sinh, sinh viên ở các thành phố đó và đưa về hỗ trợ cho thư viện các trường miền núi tại Quảng Trị.
5 sach
Nhà báo Lâm Chí Công - Phó Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn tặng sách cho thầy Ngô Duy Hưng.
Sau khi dự án hình thành, hàng chục chuyến xe vận chuyển hàng tấn sách đi đến các trường trong nhiều năm với mong muốn trẻ em vùng sâu, vùng xa có thêm sách, thêm tài liệu học tập, khuyến khích việc đọc.

“Năm 2022, chúng tôi đã kết nối với chương trình “Đáp đền tiếp nối” tại thành phố Hồ Chí Minh ra mắt tủ sách “Đáp đền tiếp nối” và tặng sách cho học sinh các trường tiểu học xã A Ngo, xã A Bung (huyện Đakrông) và xã Xy, xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa). Mỗi trường nói trên đã nhận được khoảng 800 đến 1.000 đầu sách mới thuộc các chủ đề: sách khoa học thường thức, sách truyện lịch sử Việt Nam, sách giáo dục nhân cách và giới tính”, thầy Hưng kể.

Một điểm sáng đầy tính sáng tạo mà chỉ những người tâm huyết, dám dấn thân mới làm được, đó là chương trình lì xì sách. Năm mới, muôn người thường bận rộn với những cuộc giao lưu, thăm thú thì thầy Hưng cùng đội của mình tổ chức lì xì sách cho học sinh.

“Hơn mười năm nay, chúng tôi thường rong ruổi khắp nơi trong tỉnh để kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học. Ngoài việc chuyển tiền của nhà hảo tâm hỗ trợ học tập cho các em, việc chúng tôi quan tâm nhất là góc học tập và những cuốn sách tham khảo mà các em sử dụng. Trong năm năm qua, vào đêm giao thừa, trong lúc các gia đình chuẩn bị mâm cỗ cúng tạ ơn đất trời, trẻ em ra đường xem bắn pháo hoa thì cũng là lúc chúng tôi mang sách đi lì xì dọc các tuyến đường chính của thành phố Đông Hà”, thầy Hưng chia sẻ.
6 sach
Thầy giáo Ngô Duy Hưng cùng các em đọc sách ở khuôn viên nhà trường.
Cùng với vai trò kết nối đưa sách về bản làng, thầy Hưng là người có vai trò rất lớn trong việc kêu gọi nhà tài trợ hỗ trợ cho học sinh vùng bản. Theo thầy Phạm Văn Hiếu – Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Công đoàn Trường TH và THCS A Ngo, nhà trường thuộc diện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đại đa số học sinh đều con em đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo của địa phương nên công tác dạy và học còn gặp nhiều khó khăn.

Nhà trường không đủ điều kiện để tài trợ phương tiện, sách vở, áo quần cho học sinh mà chủ yếu nhờ công tác xã hội hóa. Những năm qua, công tác huy động nguồn lực bên ngoài đã được đoàn viên công đoàn trường thực hiện rất tốt; mỗi đoàn viên công đoàn là một kênh kết nối hữu hiệu. Trong đó, thầy Hưng là hạt nhân chủ lực trong việc làm thiết thực này. Thầy đã tận dụng mối quan hệ của mình để toàn bộ học sinh của nhà trường được hưởng lợi, từ áo quần đồng phục, sách vở đến máy tính bảng, xe đạp đến trường.

Hôm chúng tôi hẹn gặp thầy Hưng cũng là lúc thầy hiến máu nhân đạo ở huyện Đakrông rồi chuẩn bị quay về thành phố Đông Hà để đón nhà hảo tâm từ Thủ đô Hà Nội vào khảo sát để tài trợ phòng học chọ trường ở thôn A Đeng. Nhà tài trợ là Kỹ sư Phạm Đình Quý, người nổi tiếng với hành trình hơn 10 năm qua đã xây hơn 150 ngôi trường và nhà bán trú cho học sinh ở địa bàn khó khăn khắp cả nước.

Chúng tôi đã may mắn gặp được anh Quý ở trường trong lần hạnh ngộ với thầy Hưng. Anh Quý xem thầy Hưng như một người bạn có cùng tâm huyết, chí hướng trong việc làm thiện nguyện nhằm giảm bớt khó khăn cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Qua sự kết nối của thầy Hưng, anh Quý đã quay lại A Ngo sau đợt tá túc ở trường gần 1 tuần để chăm lo cho đồng bào ngập lụt ở trận lụt năm trước.
7 sach
Thầy Hưng (phía phải) trong một chuyến đi thiện nguyện giúp đồng bào miền núi.
Cuộc gặp giữa thầy Hưng và những nhà thiện nguyện là cuộc gặp của những tấm lòng chăm lo cho đồng bào khó khăn. Và tôi nghĩ, ở đâu còn khó khăn ở đó có các anh - những con người hết mình vì đồng bào mình.

Thầy Hoàng Quang Cẩn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường trang bị mọi thứ cho học sinh thông qua kêu gọi xã hội hóa. Trong năm học 2023 - 2024, hàng trăm bộ sách giáo khoa, hàng chục xe đạp, máy tính xách tay, tivi hỗ trợ dạy học; đặc biệt xây mới phòng học cấp 4…, với tổng số tiền huy động gần 900 triệu đồng.

“Đó là con số ấn tượng đối với ngôi trường ở vùng sâu vùng xa này. Và người có vài trò rất lớn để có con số đó là thầy Ngô Duy Hưng, hiệu phó nhà trường”, thầy Cẩn chia sẻ.

Rời A Ngo, ngôi trường có núi Mắc Màn án ngự, tôi nhận được điện thoại của một người bạn. Khi biết tôi vào trường gặp thầy Hưng, người này tiếc vì không kịp gửi những cuốn sách vào cho thầy. Hưng đơn giản là vậy: Người cõng sách về bản - nhặt nhạnh để mang tri thức đến cho học trò miền núi!
capture

BÀI DỰ THI CUỘC THI VIẾT "CÔNG NHÂN VÀ CÔNG ĐOÀN QUẢNG TRỊ" NĂM 2024

Tác giả bài viết: Yên Mã Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây