Xây "mái nhà thứ 2" giúp giáo viên vùng khó yên tâm gieo chữ

Thứ hai - 17/06/2024 03:30 41 0
nha cong vu 1
capture 2
nha cong vu 2
Tỉnh Quảng Trị hiện có 399 trường học với 14.674 giáo viên, trong đó có hơn 3.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc nhiều điểm trường ở vùng sâu, vùng xa đang có nhu cầu về phòng ở công vụ.

Thời gian qua, mặc dù tỉnh đã nỗ lực để các thầy, cô giáo yên tâm gắn bó với nghề và hướng đến sự phát triển bền vững giáo dục ở miền núi… nhưng vấn đề phòng ở công vụ cho giáo viên ở một số điểm trường vùng khó vẫn chưa thể giải quyết thấu đáo.

Trước phản ánh của cơ sở, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của thầy cô, những cán bộ công đoàn thấu hiểu sự vất vả mà thầy cô giáo đang bám bản công tác.

Từ khảo sát thực tế, thấy cảnh nhiều giáo viên có nhà ở xa trường, hằng ngày phải tá túc trong 1 phòng chờ mấy mét vuông và một ô che tạm bằng tôn, cán bộ công đoàn càng quyết tâm sẽ xây nhà ở công vụ cho giáo viên.
nha cong vu 3
Phòng họp tại điểm Trường Tiểu học Pa Nang ở huyện Đakrông được tận dụng thành phòng ở cho 5 - 6 giáo viên nghỉ sau giờ dạy học.
Chỉ trong vài tháng, từ chủ trương lớn của tỉnh, Công đoàn tỉnh Quảng Trị đã đứng ra vận động kinh phí để xây dựng nhiều phòng ở công vụ cho giáo viên miền núi khó khăn.

Sau bức thư ngỏ kêu gọi gửi đến cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức trên địa bàn, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh góp sức xây dựng phòng ở công vụ cho giáo viên vùng khó, chúng tôi đã rất vui mừng khi nhận được sự hưởng ứng, nhiệt tình ủng hộ chủ trương từ các cá nhân, đơn vị hảo tâm.

Tôi vẫn nhớ lúc đó, trong buổi họp cơ quan, đồng chí Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị có cuộc điện thoại cắt ngang. Sau khi trở lại, đồng chí vui mừng thông tin với anh em, đã có đơn vị hứa sẽ hỗ trợ 200 triệu đồng để xây dựng phòng ở công vụ cho giáo viên, công đoàn cứ đi khảo sát rồi thông tin lại để triển khai.

Đó là bước ngoặt đầu tiên để chúng tôi biết, phần việc ý nghĩa này sẽ thực hiện được.
nha cong vu 4
Giáo viên vùng khó dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn vững tin trên con đường gieo chữ cho các em nhỏ vùng cao. Trong ảnh là lớp học tại điểm Trường Tiểu học Pa Nang (huyện Đakrông).
nha cong vu 5
Khi thực hiện công trình xây dựng phòng ở công vụ, những chuyến công tác khảo sát địa điểm, kiểm tra tiến độ công trình, chúng tôi được lắng nghe những chia sẻ của các thầy cô giáo cắm bản ở khu vực và càng thấm thía những gian nan, vất vả mà thầy cô trải qua. Từ đó, niềm khao khát với mong muốn được làm gì đó cho thầy cô và các em học sinh ở đây càng được thôi thúc.

Từ khảo sát của LĐLĐ tỉnh, các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh nhiều trường, điểm trường chưa có nhà ở công vụ hoặc phòng ở công vụ chật hẹp, được dựng tạm, LĐLĐ tỉnh đã cùng với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục Công đoàn về chủ đề hỗ trợ xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng khó.

“Chúng tôi mong muốn lan tỏa nhiều hơn vấn đề khó khăn của giáo viên đang bám bản công tác, để mọi người quan tâm, từ đó kêu gọi rộng rãi sự đóng góp, hỗ trợ của các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh”, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị chia sẻ.
nha cong vu 6
LĐLĐ tỉnh Quảng Trị tiếp nhận kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng khó.
Thực tế cho thấy rằng, một số điểm trường tuy có nhà công vụ nhưng đã xây từ lâu, xuống cấp. Có hơn 50% các điểm trường vùng khó không có nhà công vụ, có điểm trường tận dụng phòng học cũ, nhà kho để bỏ thêm giường tạm để thầy cô nghỉ ngơi. Nhiều nơi có khoảng 7 - 8 giáo viên ở cùng trong một phòng, hết sức chật chội, khó khăn.

Thầy Hoàng Linh - Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Pa Nang cho biết: “Ở những điểm trường lẻ còn nhiều khó khăn, chưa có nhà công vụ cho giáo viên, nhà trường và công đoàn chỉ biết động viên để giáo viên mình khắc phục khó khăn, yên tâm dạy học. Biết là rất cực, anh em cũng chỉ biết cố gắng cùng nhau vượt qua”.

Sau những chuyến khảo sát, quyết tâm phải xây dựng nhà công vụ, đồng chí Nguyễn Thế Lập - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị đã chắc nịch khẳng định: “Công đoàn phải cố gắng, cùng với tỉnh, chung sức để xây phòng ở công vụ cho thầy cô. Để thầy cô yên tâm bám bản công tác, không phải lo về chuyện ăn ở hằng ngày nữa.

Và ngoài việc xây nhà công vụ, công đoàn sẽ cố gắng kết nối với các đơn vị để xin hỗ trợ tivi, tủ lạnh và các vật dụng thiết yếu cho giáo viên, giúp được thầy cô gì cũng phải giúp sức đến cùng”.
nha cong vu 7
nha cong vu 8
Được theo chân anh, chị mỗi chuyến công tác là một lần tôi được trải nghiệm và cảm nhận rõ hơn mình rất may mắn và càng thấy trách nhiệm của một cán bộ công đoàn sẽ lớn hơn nữa.

Nhớ lại chiều mưa tháng 9 năm ngoái, tôi cùng anh chị trong cơ quan đến kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng công trình phòng ở công vụ cho giáo viên vùng khó trên địa bàn huyện Đakrông.

Điểm trường thôn Trại Cá - Trường Tiểu học Tà Long nằm trên trục đường Quốc lộ 14, nghe tuy gần nhưng con đường quanh co, đến đây chúng tôi có được những trải nghiệm đầy xúc động về cuộc sống thanh bình nhưng còn rất nhiều khó khăn.

Đoàn chúng tôi có mặt tại điểm trường khoảng 15 giờ chiều, đám học sinh tò mò khi thấy chúng tôi và chạy ra nhìn, những đứa trẻ nhìn ngây ngô, rụt rè ban đầu nhưng dễ làm quen với nụ cười hiếu khách. Dãy phòng học của điểm trường đơn sơ, màu đã ố vàng cũ kỹ.
nha cong vu 9
Có buổi trò chuyện với các cô giáo đang bám bản nơi đây, dễ dàng nhận ra một điểm chung là các thầy cô ở trường đều đến từ đồng bằng, thành thị để thực hiện sứ mệnh trồng người. Cô giáo Hồ Thị Thanh Vân ở xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ chia sẻ rằng, cô đã nhận công tác tại điểm trường thôn Trại Cá đã được 13 năm.

Có lẽ, từ những năm mới ra trường, tình yêu dành cho những đứa trẻ khiến cô quyết định gắn bó với mảnh đất khó khăn này.

“Ngoài mấy phòng học cũ, nhà trường bố trí thêm 1 “phòng đa năng” để làm văn phòng, phòng nghỉ của giáo viên. Tuy nhiên, trong căn phòng nhỏ này không thể 10 thầy cô chen chúc được, nên nhà trường đã che tạm thêm 1 phòng bằng tôn sát vách “phòng đa năng” để giáo viên nấu ăn, tắm giặt và nghỉ ngơi. Vào mùa nắng, phòng tạm nóng như nung, còn vào mùa mưa, nước thấm dột khắp nơi”, cô Vân chia sẻ thêm.
nha cong vu 10
Cảnh quan điểm trường thôn Trại Cá thuộc Trường Tiểu học Tà Long ở huyện Đakrông.
Kể về thời điểm khó khăn đáng nhớ nhất, cô Vân cho biết, đó là thời điểm khi có con nhỏ, không ở lại trường được, hết giờ dạy cô phải chạy xe máy về nhà, sáng sớm lại chạy lên trường với quãng đường chừng 130km.

Những ngày thời tiết thuận lợi, với quãng đường đó thì không sao nhưng còn vào mùa mưa, đường trơn dốc thật sự rất nguy hiểm, dọc tuyến đường có nhiều điểm còn bị ngập sâu, hoặc sạt lở, lúc đó dù có muốn về thăm con, cũng buộc phải ở lại trường.

Có những cô giáo trẻ mới nhận công tác, lúc đầu háo hức đến trường chính, nhưng khi băng đèo, đi qua các con dốc đến điểm trường lẻ thì đã khóc như mưa. Vậy mà bẵng qua 1 - 2 tuần rồi quen, chẳng thấy sợ là gì nữa.

Chia sẻ của cô Vân là nỗi niềm chung của biết bao thầy, cô giáo đang giảng dạy tại các trường học vùng khó trong tỉnh. Có lẽ với nhiều cô giáo xa gia đình, bám bản chỉ với một niềm mong mỏi, động lực lớn nhất là cống hiến vì tương lai các em.

Vượt qua khó khăn, được thấy những nụ cười hồn nhiên, trong sáng của các em hay nhìn thấy các em được đi học, phần nào được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn là một điều hạnh phúc.
nha cong vu 11
Phòng công vụ khang trang, đầy đủ tiện nghi cho giáo viên sau khi được hoàn thành.
Như lời đã hứa sau chuyến khảo sát, phòng ở công vụ cho giáo viên Trường Tiểu học Tà Long - điểm trường thôn Trại Cá đã được hoàn thành. Công trình được LĐLĐ tỉnh vận động hỗ trợ xây dựng với mức kinh phí 600 triệu đồng. Tổng diện tích xây dựng là 130 m2, bao gồm 03 phòng ở được xây cấp 4, có bếp, công trình vệ sinh khép kín, sân phơi cho giáo viên. Công trình đưa vào sử dụng, đã giải quyết chỗ ở cho hơn 10 thầy, cô giáo của điểm trường có nơi ở ổn định, yên tâm công tác.

Lần thứ 2, tôi may mắn được dự lễ bàn giao thi công một công trình phòng ở công vụ tại Trường Mầm non Húc Nghì. Sau thời gian gần 2 tháng thi công, phòng ở công vụ cho các cô giáo tại Trường Mầm non Húc Nghì đã hoàn thành, khang trang và sạch đẹp. Công trình có 1 phòng ở với diện tích xây dựng là 27m2, tổng kinh phí xây dựng 200 triệu đồng. Bên trong phòng có bếp, công trình vệ sinh khép kín, nóng lạnh.

Khi đưa vào sử dụng, sẽ là nơi ăn ở, sinh hoạt dành cho các giáo viên xa nhà đang công tác tại các điểm trường.
nha cong vu 12
LĐLĐ tỉnh tổ chức lễ khánh thành và bàn giao phòng ở công vụ tại điểm Trường Mầm non Húc Nghì.
Cô giáo Trần Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Húc Nghì dẫn chúng tôi tham quan phòng ở công vụ mới, vui mừng nói: “Trường hiện có 21 giáo viên đang công tác, giảng dạy ở cả điểm trường chính và các điểm trường lẻ lân cận, giáo viên đông, phòng ở lại chất hẹp, thiếu thốn nên các thầy, cô giáo rất vất vả. Công trình phòng ở công vụ hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giải quyết được những khó khăn về chỗ ở, nâng cao điều kiện sinh hoạt, giúp giáo viên tại các điểm trường bám trường, bám lớp, yên tâm công tác”.

Trên chuyến xe trở về chiều hôm đó, cô Hiền xin chúng tôi được về cùng. Nhà cô ở thị trấn Cam Lộ, hằng ngày cô vẫn hay đi xe khách để đến trường. Cô Hiền cho biết thêm, những lần trước cô hay đi xe máy, nhưng ngã xe nhiều nên cô cũng sợ.
nha cong vu 13
LĐLĐ tỉnh Quảng Trị trao tặng tivi cho điểm trường thôn Trại Cá tại lễ khánh thành nhà công vụ.
Trên con đường quanh co, tôi choáng đầu say xe vì mệt, nhưng vẫn lắng nghe trọn vẹn những lời chia sẻ của cô về hành trình bám bản.

Cô Hiền kể rằng, dạy học ở vùng sâu, vùng xa tuy vất vả nhưng ở đây bình yên, thời tiết dễ chịu, cảnh vật thiên nhiên thơ mộng lắm, các em học sinh cũng rất ngoan, bà con thì tình cảm, có củ sắn củ khoai vẫn hay mang cho, thầy cô giáo được yêu thương như người nhà.

“Chỉ vất vả là đường sá đi lại khó khăn, đối với cô giáo ở vùng xuôi, nhà xa hàng trăm km, thì từ tờ mờ sớm, phải dậy lên đường để kịp giờ vào lớp. Hay khi trời mù đường dốc trơn trượt khó đi, còn vào mùa mưa lũ, đập tràn nước cuộn xiết rất nguy hiểm. Bao năm nay mỗi mùa mưa bão, thi thoảng nghe thấy nơi này nơi kia giáo viên bị lũ ống cuốn trôi trên đường đi dạy hay về những tai nạn thương tâm, cũng sợ thật đấy, nhưng rồi thầy cô cứ miệt mài, cứ đi lên phía trước, rồi nỗi sợ ấy hóa thành quen”, cô giáo Hiền tâm sự.
nha cong vu 14
Giáo viên phấn khởi khi có phòng công vụ để yên tâm nghỉ ngơi sau khi dạy học.
Ngổn ngang rất nhiều khó khăn như thế, nhưng đối với các thầy cô nơi đây, có lẽ kể cả khi đến gần tuổi hưu, lòng nhiệt huyết vẫn cháy mãi trên từng trang giáo án. Họ vẫn luôn gắn bó với đồng bào miền ngược như người thân trong gia đình mình, lặng thầm “gieo chữ” cho con, em nơi này…

Tôi dần chợp mắt, trong đầu vẫn văng vẳng những suy nghĩ về câu chuyện của cô Hiền, nhìn những trường học ở đô thị háo hức với rực rỡ hoa tươi thì tâm hồn chúng tôi lại hướng vọng về những xóm bản vùng cao khó khăn.

Ở đó, giấc mơ của các em học sinh đôi khi chỉ là một bữa cơm no, một manh áo ấm, một chỗ ngồi học không gió lùa, mưa dột.

Những thầy cô chỉ mơ ước có một đoạn đường núi đi được bằng xe máy thay vì lội bộ hàng buổi đi đường, những con đường bớt quanh co, bớt hiểm nguy vào mùa mưa lũ, để họ yên tâm hơn về hành trình miệt mài thắp lên ánh sáng tri thức giữa làng bản nơi rừng núi ấy cho các em.
“Bốn phía là rừng quanh năm đầy hoa

Học sinh nghèo nên đầu trần chân đất!

Dãy phòng nội trú mốc meo dột nát

Đêm nằm chỉ nghe tiếng ếch nhái kêu om…

Lý tưởng chọn rồi, nào tính lẽ thiệt hơn

Không lập gia đình vẫn có đàn con nhỏ!

Mặt mày lem luốc và những đôi mắt nhớ

Đã bao năm rồi cứ níu bước chân em…

Nghề dạy học cần đến hai trái tim

Một yêu bản thân mình, một để yêu lũ trẻ!

Khi dưới gối chiếc có vài giọt lệ

Đời sẽ hiểu rằng trái tim ấy còn trinh”.

Những câu thơ, tôi vô tình lướt qua trong trang sách nào đấy, bỗng hiện ra theo tiếng gió núi đồi văng vẳng xa xăm. Rồi sau tất cả, năm tháng sẽ dài hơn, tuổi tác sẽ nhiều lên, những điều tươi đẹp mà thầy cô và những cán bộ công đoàn đã làm sẽ luôn hiện hữu.

Và chúng tôi, những cán bộ công đoàn hi vọng sẽ tiếp tục xây thêm nhiều “mái nhà thứ 2” cho các thầy cô, để họ có thể yên tâm bám lớp, bám trường, gieo con chữ, ước mơ cho các em học sinh.
nha cong vu 15
BÀI DỰ THI CUỘC THI VIẾT "CÔNG NHÂN VÀ CÔNG ĐOÀN QUẢNG TRỊ" NĂM 2024

Tác giả bài viết: Trần Diễm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây