Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền - Người giúp ước mơ đi xa...

Chủ nhật - 19/05/2024 22:07 57 0
1 2
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Cam Vũ (xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ) cô Huyền luôn mang theo ước mơ được đứng trên bục giảng, mang tình yêu quê hương đến với các thế hệ học sinh bằng lòng tự hào và giấc mơ vươn xa của mình. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị năm 2004, cô giáo Huyền về nhận công tác tại Trường THCS Triệu Độ (nay là Tiểu học và THCS Triệu Độ) và gắn bó với mảnh đất này cho đến hôm nay.

Tình yêu nghề, rồi yêu người lớn dần lên mỗi ngày, cô đã gắn bó với quê hương thứ hai của mình bằng chính danh xưng “làm dâu Triệu Độ”, cô càng tha thiết hơn với con đường mình đã chọn. Hai mươi mùa hè đi qua, khi gốc phượng ở sân trường nở hoa là hai mươi thế hệ học trò lần lượt ra trường, mang theo hình ảnh một cô giáo dạy ngữ văn dịu dàng với tà áo dài đứng tựa gốc phượng nhìn theo các em, mong cho các em được thành công trên chặng đường dài trước mắt. Dòng sông Thạch Hãn hiền hòa trước cổng trường vẫn lặng lẽ soi vào mình hình ảnh ấy, mang theo tiếng giảng bài ấm áp, say mê bình yên trong dòng chảy.
2 6
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy môn ngữ văn, Trường Tiểu học và THCS Triệu Độ
Cô Huyền kể rằng, mùa đông năm 2005, cô dạy lớp 7 ở căn phòng học trong dãy nhà cũ đã xuống cấp của hợp tác xã An Lợi. Mưa dột ướt khắp nơi, cô trò phải kéo bàn ghế ngồi co cụm lại với nhau, cánh cửa lớp hỏng bản lề không đóng được, thõng xuống như muốn rơi hẳn ra. Mới tiết 2 mà trời đã xâm xẩm tối, cái rét căm căm lùa vào tận mọi ngóc ngách, cô trò run lên bần bật nhưng bài giảng “Tiếng gà trưa” của nữ sĩ Xuân Quỳnh lại mang hơi ấm tỏa ra khắp căn phòng ẩm ướt.

“Tiếng gà xôn xao đã làm cho bầu trời ngoài kia dường như chững lại, chỉ sự bình yên tha thiết ở lại với cô trò. Đột nhiên mất điện, lớp học tối om. Có chút ồn ào rồi một ngọn nến, hai, ba, bốn,... ngọn nến được thắp lên. Căn phòng bừng sáng trở lại trên đôi mắt ngây thơ của các em: “Cô ơi, học tiếp đi cô...””, cô giáo Huyền nhớ lại.

Đã quen với những khó khăn, vất vả của một vùng quê nghèo, các em luôn trong tâm thế sẵn sàng với mọi thử thách, hành trang bên mình luôn là ánh sáng của niềm tin, niềm hi vọng. Cô Huyền đã nghẹn ngào cùng các em học sinh đi qua những tháng ngày như thế để mỗi sớm mai thức dậy, lại thêm nhiều sức mạnh, thêm nhiều yêu thương dẫn cô đến trường.
3 6
Cô giáo Huyền là tấm gương nhà giáo tận tụy với nghề, không ngừng học hỏi, rèn luyện và truyền đam mê của mình đến đồng nghiệp và học sinh
Năm 2006, cô đạt Giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh. Rồi 2014, là Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp Tỉnh. Những đóng góp của cô đối với sự nghiệp giáo dục của xã nhà luôn được đồng nghiệp, nhà trường, học sinh và phụ huynh ở đây ghi nhận, đặc biệt trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi Văn hóa môn Ngữ văn. Học sinh do cô bồi dưỡng dự thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh đạt nhiều thành tích cao trong nhiều năm liên tục.

Đến năm 2013, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền được LĐLĐ huyện Triệu Phong tặng khen “Đoàn viên công đoàn giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Hai mươi năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, nhiều năm liền cô Nguyễn Thị Thanh Huyền là giáo viên dạy giỏi, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhiều lần được LĐLĐ huyện, UBND huyện Triệu Phong tặng Bằng khen. Ba lần (năm 2020 và 2023, 2024) được bầu chọn là Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2023, cô còn được Huyện ủy huyện Triệu Phong khen Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền.
4 3
Cô giáo Huyền và các học sinh trong đội tuyển thi học sinh gỏi môn ngữ văn cấp tỉnh trong lễ ra quân
Nhắc đến cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, các em học sinh, cả những em có học lẫn những em không học với cô đều có chung nhận xét: “Cô rất nhiệt tình và luôn yêu quý học sinh”.

Em Hoàng Sơn Tấn - sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, từng là học sinh của trường nói: “Em chỉ được học với cô hai hay ba tiết gì đó khi cô dạy thay giáo viên dạy môn ngữ văn của chúng em, nhưng cô đã để lại trong em hình ảnh một cô giáo tận tâm, yêu nghề và yêu quý học sinh hết mực.”

Còn em Nguyễn Thu Hoài - sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Huế chia sẻ rằng: “Cô Huyền giảng bài rất dễ hiểu, ngắn gọn, giọng nhẹ nhàng rất hay. Cô rất tận tình dạy dỗ, yêu quý học sinh nhưng cũng rất nghiêm khắc trong công việc. Dù ra trường đã nhiều năm, nhưng lần nào gặp nhau, chúng em cũng luôn nhắc đến cô với sự kính trọng và yêu mến”.
5 4
Cô giáo Huyền và con gái cùng yêu quý một ngôi trường
Không chỉ giỏi về chuyên môn, cô Huyền còn là tấm gương của sự đoàn kết, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm trong nhà trường. Bất kỳ công việc nào được giao, cô đều nỗ lực hoàn thành một cách tốt nhất có thể. Ở cô luôn toát ra niềm say mê dạy học và cống hiến mà bất cứ ai tiếp xúc đều ngưỡng mộ. Cô luôn tích cực mày mò tìm hiểu, học tập để nâng cao trình độ, làm sao để mỗi bài giảng của mình đến được với các em tốt nhất.

Đặc biệt, trong phong trào khuyến khích học sinh đọc sách, cô luôn là người động viên các em tham gia đọc và giới thiệu các đầu sách hay, ý nghĩa trên trang Liên đội Trường. Những bài học nhẹ nhàng qua các trang sách được các em tự rút ra, cùng trao đổi với nhau rồi nhân lên niềm đam mê đọc sách. Phong trào đọc sách ở Trường Tiểu học và THCS Triệu Độ sôi nổi hẳn lên, mỗi lớp đều có một góc thư viện nhỏ của mình.

Các em đọc với niềm hứng thú và say mê, tạo thành thói quen mỗi giờ ra chơi hay lúc rảnh rỗi ở nhà. Nhờ đó, việc lướt điện thoại cũng đã hạn chế đi, tình yêu với môn ngữ văn, với tiếng Việt của các em dần được nâng lên, hiệu quả các giờ học thay đổi rõ rệt. Các em còn tích cực tham gia cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, cả về số lượng lẫn chất lượng đều thể hiện sự đầu tư rất đáng trân trọng.
6 4
Đối với các em học sinh, cô Huyền luôn là người cô, người mẹ và là người bạn dịu dàng nhưng cũng rất nghiêm khắc
Năm 2022, học sinh của trường đã đạt 2 giải Khuyến khích cấp huyện, 1 giải Nhì cấp tỉnh. Năm 2023, đạt 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 Chuyên đề cấp huyện, 1 giải ba, 1 giải Khuyến khích và 1 chuyên đề cấp tỉnh... Mới đây nhất, vào tháng 3 năm 2024, cô Huyền lại vừa giành được giải Ba cuộc thi Thiết kế bài giảng E – learning do Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Trị tổ chức.

Chia sẻ về cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, đồng chí Phùng Thị Lệ Hằng - Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học và THCS Triệu Độ nhận xét rằng: “Cô Huyền thực sự là tấm gương của sự cống hiến, say mê đối với nghề giáo. Cô luôn tích cực, đi đầu trong mọi phong trào. Cống hiến của cô đối với nhà trường rất đáng ghi nhận”.
7 1
Cuộc sống vốn không phải lúc nào cũng thuận một chiều nên vẫn có người chưa hiểu, xem tình yêu với nghề dạy học, với ngôi trường Tiểu học và THCS Triệu Độ của cô là cường điệu, là ôm đồm, là muốn thể hiện bản thân. Bỏ qua tất cả những hiểu nhầm, những đố kỵ đó, cô giáo Thanh Huyền vẫn đau đáu một giấc mơ góp phần đưa các em học sinh Triệu Độ được đi xa hơn trên con đường tương lai.

Cô yêu nghề, yêu trường lớp, yêu các em học sinh, yêu từng gốc cây trên sân trường, từng bông hoa chuyển mùa hay chớm nắng trong những ngày đông lạnh giá. Cô yêu ánh mắt ngây thơ của các em, yêu tiếng cười đùa rộn vang sân trường mỗi giờ ra chơi, yêu cả những bài giảng mà đêm đêm cô vẫn miệt mài trăn trở, nghĩ suy. Đồng nghiệp trong trường luôn gọi đùa cô là “Người lưu giữ ký ức”.
8 1
Tình yêu đối với nghề nhà giáo luôn rực rỡ, tươi mới ở cô Huyền và các đồng nghiệp cùng công tác tại ngôi Trường Tiểu học và THCS Triệu Độ
Cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hiền - Tổ trưởng tổ Xã hội của trường nhắc đến cô Huyền với niềm vui, niềm tự hào khi có một đồng nghiệp như thế: “Cô Huyền thật đáng ngưỡng mộ. Cô luôn là người tạo được sự gắn kết với đồng chí đồng nghiệp bằng sự thân thiện và nhiệt tình của mình. Trong công tác, cô rất vững vàng về chuyên môn, mọi công việc được giao đều hoàn hoàn thành tốt và xuất sắc. Cô sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi cần, không hề nề hà hay lưỡng lự”.

Con đường ngày trẻ cô đã chọn, tuổi thanh xuân cô đã cống hiến, lòng bao dung cô đã sẻ chia, và những hạt giống yêu đời, yêu nghề, yêu người cô đã gieo vào các thế hệ học sinh nơi đây, tin rằng sẽ trở thành những trang sách đẹp, những bức tranh đủ sắc màu góp phần xây dựng quê hương Triệu Độ ngày càng đi lên. Vang trong tiếng ve xao xác và tiếng gió xạc xào giữa cái nắng hanh hao của mảnh đất nhiều nắng gió Triệu Độ vẫn là tiếng giảng bài tha thiết từ lớp học năm nào.
9
BÀI DỰ THI CUỘC THI VIẾT "CÔNG NHÂN VÀ CÔNG ĐOÀN QUẢNG TRỊ" NĂM 2024

Tác giả bài viết: Trần Thị Tuyết Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây